Dòng tiền lại lao vào thị trường mới nổi

Dòng tiền lại lao vào thị trường mới nổi

(ĐTCK) Các dự báo về một cuộc khủng hoảng lan rộng ở các thị trường mới nổi dường như đã hơi quá lời. Bởi thế, dòng tiền đầu tư rút ồ ạt hồi đầu năm đã bắt đầu quay lại.

Dòng tiền lại lao vào thị trường mới nổi ảnh 1

Andreas Utermann, đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư toàn cầu của Ngân hàng Allianz Global Investors đã nhận định như trên trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times đầu tuần này.

Utermann nói rằng, phản ứng của giá tài sản tại các thị trường mới nổi đối với triển vọng thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gợi lại những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Bài học năm đó cho thấy, chính trong lúc các thị trường mới nổi vẫn còn nhạy cảm với các dòng vốn như hiện nay, sau khi các nhà đầu tư thoái ròng khoảng 46 tỷ USD từ tháng 5, đang xuất hiện ngày càng rõ hơn những cơ hội mua vào.

Nếu xét trên các yếu tố cơ bản thì dường như các dự báo về một cuộc khủng hoảng lan rộng ở các thị trường mới nổi đã hơi quá lời.

Khi khủng hoảng châu Á nổ ra năm 1997, các nền kinh tế bị ảnh hưởng đã nhanh chóng lâm vào tình trạng thâm hụt sâu tài khoản vãng lai. Mức độ thâm hụt là từ 1,5 đến 5,9% GDP, xảy ra ở các nước Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia.

Còn hiện nay, trong số các nước này, chỉ duy nhất Indonesia rơi vào cảnh đó.

Các thị trường mới nổi cũng đang có thể trạng tốt hơn để có thể chống chọi với những cú sốc từ bên ngoài. Giờ đây, các nước này có ít hơn các khoản nợ tính bằng USD hay các ngoại tệ mạnh khác so với hồi những năm 1990.

Dự trữ ngoại hối cũng mạnh hơn, trong khi tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP ít hơn, dẫn đến nợ ngắn hạn thấp hơn nhiều so với dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, nếu như bức tranh chung sáng sủa hơn so với 15 năm trước, thì sự khác biệt vẫn hiện hữu giữa các nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt giữa các nền kinh tế có và không có vấn đề với tài khoản vãng lai.

Các nước như Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai lần lượt 5,1, 2,8 và 6,1% GDP, và mỗi nước đều có vấn đề về cơ cấu riêng của mình.

Trong khi đó, Brazil, với mức thâm hụt cán cân vãng lai 3,6%, lại có một loạt các thách thức ngày càng tăng đến từ việc thiếu tính cạnh tranh, mất cân đối ngân sách và quá phụ thuộc vào tiêu dùng bằng tín dụng.

Trên thực tế, cả 4 nước nói trên đều sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2014, nên hầu như sẽ gạt các chương trình cải cách cần thiết ra khỏi danh sách những việc cần làm ngay.

Ngược lại, các nước như Ba Lan và Trung Quốc lại có tình hình tốt hơn. Mặc dù có tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai như Brazil, nhưng Ba Lan đang có định hướng đúng đắn. Hơn nữa, nước này đang được thụ hưởng một môi trường chính trị tương đối ổn định, nền kinh tế khá linh hoạt, một vị trí tốt ở trung và đông Âu cùng khả năng hưởng lợi từ các gói kích thích của khu vực đồng euro.

Còn Trung Quốc, mặc dù thặng dư cán cân vãng lai đang giảm sút và mức độ nợ ở khu vực tư nhân có dấu hiệu bất ổn, nhưng nền kinh tế này vẫn tiếp tục tăng trưởng GDP thực tế khoảng 7%/năm và đã chế ngự được nguy cơ lạm phát, đưa đồng nhân dân tệ trở lại giá trị thực trong những tháng vừa qua.

Chính sự mạnh yếu tương đối của các nền kinh tế này, chứ không phải là khác biệt về lãi suất, đã chi phối sự biến động của các đồng tiền hồi tháng 5: Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil bị ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất, trong khi Ba Lan và Trung Quốc chỉ bị tác động nhẹ.

Sau đợt bán tháo trái phiếu của các thị trường mới nổi trong mùa hè qua, Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi nước đều tăng lợi suất trái phiếu công cao hơn đáng kể so với trái phiếu chính phủ Mỹ.

 Điều này có lẽ đã hấp dẫn các nhà đầu tư ngắn hạn do nó cho phép bù vào sự mất giá của các đồng tiền. Tuy nhiên, những nhân tố cơ bản sẽ nổi lên quyết định sự ổn định của các nền kinh tế này một khi Fed tuyên bố chắc chắn thu hẹp gói QE.

Trở lại một lần nữa với bài học từ cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997. Cuộc khủng hoảng đã chấm dứt khi giá các tài sản vốn ở khu vực chưa xuống đến mức quá rẻ và những nhà đầu tư bị kẹt lại trong khủng hoảng hóa ra lại là những người hưởng lợi đầu tiên khi thị trường phục hồi.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, cổ phiếu của các thị trường mới nổi thường được giao dịch trên các thị trường phát triển với giá tương đương hoặc thấp hơn so với giá trên thị trường bản địa.