Dự báo, các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản sẽ thu hút dòng tiền nhà đầu tư.

Dự báo, các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản sẽ thu hút dòng tiền nhà đầu tư.

Dòng tiền kiềm chế lòng tham

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trạng thái giằng co, tích lũy tạo nền trong biên độ 1.220-1.270 điểm của VN-Index vẫn đang chiếm ưu thế và được dự báo tiếp tục kéo dài trong tháng 5.

Đi qua vùng “trũng” thông tin

Sau phiên trao tay kỷ lục với khối lượng hơn 1 tỷ cổ phiếu vào giữa tháng 4/2021, thị trường bước vào giai đoạn giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ.

Kết thúc tháng 4, VN-Index đóng cửa ở mức 1.239,39 điểm, tăng gần 48 điểm so với tháng 3, tương đương 4%. Dù có nhiều phiên sắc xanh chiếm ưu thế nhưng hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” xuất hiện khá thường xuyên, điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngắn hạn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nói về triển vọng tháng 5, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng trung và dài hạn, tuy nhiên, dòng tiền sẽ yếu đi và có sự phân hóa sâu.

Theo ông Huy, nhiều yếu tố có thể tác động đến diễn biến của thị trường tháng 5.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp kỳ tháng 4 vào ngày 27 và 28 tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế. Đây là động thái tích cực cho chứng khoán. Dù vậy, tâm lý lo ngại “bán tháng Năm và đi chơi” thường lặp lại, năm nay có vẻ đến sớm hơn.

Diễn biến Covid-19 phức tạp đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, mùa đại hội cổ đông đang dần khép và thiếu thông tin hỗ trợ cho thị trường. Đặc biệt, diễn biến Covid-19 phức tạp đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu.

“Thị trường cũng đã giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, mốc mà 20 năm thị trường mới vượt qua được và đã có một lớp nhà đầu tư mới. Do đó, đây sẽ là ngưỡng đóng vai trò hỗ trợ tâm lý rất quan trọng. Bức tranh chung cho thấy, thị trường toàn cầu vẫn có triển vọng tích cực, kỳ vọng đối với thị trường Việt Nam chưa có gì thay đổi. Dòng tiền sẽ giằng co do yếu tố mùa vụ, nhưng không quá tiêu cực”, ông Huy nhận định.

Nếu tính từ nhịp điều chỉnh cuối tháng 1, VN-Index đã tăng gần 250 điểm, mức tăng mạnh được ghi nhận trong nửa đầu tháng 4, dù đó là sự góp sức chủ yếu của một số bluechips, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên HOSE.

Không chỉ có VIC mà nhiều cổ phiếu khác trong VN30 cũng góp phần điều tiết đà tăng của thị trường như MSN, MWG, VHM hay các mã ngân hàng. Do vậy, biến động của chỉ số chưa tương đồng với biến động chung của cổ phiếu.

Nghĩa là, dù chỉ số đã tăng mạnh nhưng mặt bằng giá cổ phiếu chỉ tương đương với thời điểm VN-Index ở mức xấp xỉ 1.200 điểm.

Được coi là vùng trũng thông tin, nhưng có 3 yếu tố sẽ tác động đến xu hướng thị trường tháng 5, bao gồm diễn biến của dịch Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới; xu hướng lãi suất và dư âm kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết.

Trong đó, nếu yếu tố đầu tiên, liên quan đến tình hình dịch Covid-19, được đánh giá là không khả thi để đưa ra các dự báo đáng tin cậy, thì 2 yếu tố sau vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng giá của thị trường.

Dù ở thời điểm hiện tại vẫn còn không ít doanh nghiệp vốn hoá lớn chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, nhà đầu tư vẫn có niềm tin thị trường chứng khoán đã có một mùa báo cáo quý I thành công, nối tiếp quý IV/2020, với các con số tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và thép.

Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ này, tương đồng với tình hình khởi sắc của kinh tế vĩ mô trong nước, được đánh là bền vững và sẽ là bệ đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán tăng trưởng trong trung hạn.

Một điểm đáng chú ý trong hai mùa báo cáo gần đây là mức tăng trưởng mạnh tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn, đầu ngành, có ưu thế về quy mô, tình hình tài chính lành mạnh… và phản ánh vào sự tăng giá vượt trội của cổ phiếu so với thị trường chung (mức tăng vượt trội của chỉ số VN30 so với VN-Index). Xu hướng này được Công ty Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Bên cạnh ba yếu tố trọng yếu trên, theo KBSV, các yếu tố tác động khác nhìn chung chưa phát đi tín hiệu rủi ro đáng lo ngại như tình hình dư nợ cho vay ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán, biến động giá các loại hàng hoá cơ bản, tín hiệu từ các kỳ họp chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, hoạt động mua bán của khối ngoại (bao gồm hoạt động giải ngân của quỹ mới là Fubon)…

Như vậy, về tổng thể, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược KBSV, thị trường chứng khoán trong tháng 5 vẫn nằm trong xu hướng tăng trung hạn, dù các nhịp điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện ở một số thời điểm để giải toả áp lực chốt lời sau nhịp tăng kéo dài, đặc biệt ở nửa sau tháng 5 khi thị trường rơi vào vùng trũng thông tin khi động lực tăng giá từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh suy yếu. Các nhịp điều chỉnh nếu xuất hiện sẽ là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Cổ phiếu chưa “đắt”

Mức định giá P/E của VN-Index ở thời điểm hiện tại quanh 18 lần, thực tế là mức cao so với dữ liệu quá khứ (P/E VN-Index bình quân 2 năm gần nhất là 15,9 lần).

Cụ thể hơn, lần gần nhất, P/E thị trường cao vượt mức này là thời điểm đầu năm 2018, ngay trước đợt điều chỉnh mạnh đầu quý II.

Dù vậy, KBSV nhận xét, động lực tăng trưởng của thị trường ở thời điểm hiện tại như lãi suất thấp, sức khoẻ nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh… được đánh giá là thực chất và bền vững hơn so với thời điểm cuối năm 2017, đầu 2018 (kỳ vọng nâng hạng thị trường, dòng vốn ngoại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước…).

“Mức P/E bình quân của thị trường hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trên thực tế, với kỳ vọng EPS chỉ số VN-Index trong 1 năm tới tăng trưởng 20%, P/E forward (dự tính) 1 năm của chỉ số VN-Index dưới 15 lần, cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư trung, dài hạn”, ông Trần Đức Anh phân tích.

Dù khá nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh, nhưng theo đánh giá chung của nhiều nhà đầu tư, mặt bằng giá cổ phiếu chưa phải quá cao. P/E toàn thị trường quanh 18-19 lần nhưng vẫn có nhiều nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có mức định giá thấp hơn trung bình.

Nói về tâm điểm đầu tư tháng 5, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, có thể kỳ vọng vào hai câu chuyện. Một là kỳ vọng thị trường được MSCI nâng hạng. Đây là câu chuyện năm nào cũng kể và dù năm nay Việt Nam có được vào danh sách theo dõi của MSCI hay không, đến quanh thời điểm công bố phân loại thị trường của MSCI (dự kiến vào thứ Ba tuần thứ 4 của tháng 6), chỉ số sẽ có tác động. Khi VN-Index vượt 1.200 điểm, nhóm hưởng lợi từ nâng hạng đã vận động tốt như VIC, NVL, MSN, VHM, HPG… Không loại trừ khả năng sau kỳ nghỉ lễ, câu chuyện này sẽ được lặp lại.

Thứ hai là câu chuyện “Summer Market”. Năm nào cũng vậy, khi thị trường yếu, dòng tiền sẽ tập trung và rất chọn lọc, cổ phiếu nào tăng sẽ tiếp tục tăng mạnh và ngược lại. Các mùa hè trước là thời của các cổ phiếu vừa và nhỏ, có mức định giá hấp dẫn (nhóm giá trị - value).

Độ rộng thị trường không lan tỏa quá nhiều nhưng chọn đúng cổ phiếu thường sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Thị trường Mỹ tương tự khi cổ phiếu giá trị tăng giá tốt hơn cổ phiếu tăng trưởng (growth).

Điều dễ nhận thấy là dòng tiền trong giai đoạn này đã bớt “tham lam” hơn và nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn đối với các nhóm cổ phiếu, sau cú "đập ngược" vừa qua của nhóm cổ phiếu nhỏ (penny).

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi tốt như hiện tại sẽ xuất hiện nhiều công ty hoạt động hiệu quả và hút tiền nhà đầu tư.

“Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản sẽ thu hút dòng tiền nhà đầu tư nhiều nhất so với các ngành khác”, HSC nhận định.

Tin bài liên quan