Các nhóm ngành được kỳ vọng cao là ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, phân bón... Ảnh: Dũng Minh.

Các nhóm ngành được kỳ vọng cao là ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, phân bón... Ảnh: Dũng Minh.

Dòng tiền đón sóng lợi nhuận quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 2 - 3 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, cảng biển và một số mã ở các ngành khác ghi nhận mức tăng cao hơn nhiều chỉ số chung.

Ở nhóm cảng biển, giá cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept tăng khoảng 28% trong 1 tháng qua.

Lãnh đạo Gemadept cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty ước đạt doanh thu 1.439 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận 388 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Đề phòng những biến động bất định, Gemadept thận trong đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo hai kịch bản. Ở kịch bản lạc quan, doanh thu hợp nhất dự kiến 2.800 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020. Với kịch bản trung bình, doanh thu tăng 4%, đạt 2.700 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 23%, đạt 630 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức ngày 30/6, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gemadept chia sẻ, Chính phủ xác định lĩnh vực hoạt động của Công ty là một trong 9 ngành chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong điều kiện khó khăn, nhưng Gemadept và thành viên vẫn kinh doanh có lãi.

Đặc biệt, cảng nước sâu Gemalink đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ trong quý I/2021. Trong quý đầu năm, cảng Gemalink khai thác lỗ, nhưng quý II đã có lãi.

Cùng ngành cảng biển, cổ phiếu VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam trong tuần qua giảm giá, sau khi thiết lập chuỗi 10 phiên tăng trần, với lượng dư mua lớn.

Được biết, năm 2020, VOS đạt doanh thu 1.362 tỷ đồng, lỗ 187 tỷ đồng, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới đây, Công ty đặt mục tiêu năm 2021 với sản lượng vận tải đạt 5 triệu tấn, doanh thu đạt doanh thu 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận 30 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2021, VOS ghi nhận lỗ luỹ kế 940,7 tỷ đồng, bằng 67,2% vốn điều lệ (1.400 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021 - 2025, VOS dự kiến sẽ thanh lý 3 tàu Đại Nam, Đại Minh và Neptune Star, trong đó, Công ty đã bán thành công tàu Đại Nam trong tháng 4/2021, hạch toán một phần lợi nhuận trong quý II/2021. Ngoài ra, Công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng.

Nhờ tăng giá cước vận tải biển, VOS được xem như cổ phiếu “xác ướp sống dậy”, khi kinh doanh lỗ kéo dài chuyển sang có lãi trở lại từ hoạt động vận tải và có thể ghi nhận lãi từ thanh lý tàu.

Đáng chú ý, cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có mức tăng gần 19% trong 1 tháng qua, tính trong 1 năm thì mức tăng là 3 lần, thuộc nhóm ít cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường.

Sáu tháng đầu năm 2021, BSR ước đạt doanh thu 49.483 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 70% kế hoạch năm (70.661 tỷ đồng); lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 864 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR, biến động tích cực của giá dầu (tăng từ hơn 40 USD/thùng lên trên 70 USD/thùng) trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ năm 2021 dự báo tăng 6,6% so với năm 2020 là yếu tố chính giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận khả quan.

Ở nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, những con số lợi nhuận ban đầu cũng cho thấy bức tranh lạc quan. Trong đó, lợi nhuận của nhóm chứng khoán đến từ chỉ số và thanh khoản cao kỷ lục; lợi nhuận nhóm ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng tăng trưởng, không ít ngân hàng đã gần sử dụng hết hạn mức cả năm và xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức.

Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho hay, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.800 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, riêng quý II đạt 1.650 tỷ đồng, lập kỷ lục mới.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) dự kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (1.004 tỷ đồng).

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) chia sẻ, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay ước đạt 13.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 8%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng có sự cải thiện tích cực so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng tăng 4,8% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 1%), lên 1,06 triệu tỷ đồng; huy động vốn tăng 3,4%, đạt 1,2 triệu tỷ đồng.

Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Tháng 7 này là mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2021, các nhóm ngành được kỳ vọng cao là ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, phân bón...

Mặc dù giá cổ phiếu đã “chạy” từ trước, nhưng hiệu ứng kết quả kinh doanh trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán dồi dào và tình trạng nghẽn lệnh dự kiến được giải quyết từ ngày 5/7/2021 được nhìn nhận tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực.

Một số nhóm ngành khác dự kiến sẽ thu hút nhà đầu tư với kỳ vọng khởi sắc sau khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được khống chế là bất động sản, hàng không, dịch vụ, bán lẻ, thực phẩm, đồ uống.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco

Traphaco ước đạt 1.030 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 124 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2021, lần lượt tăng xấp xỉ 22% và 38% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý thứ sáu, Công ty có lợi nhuận tăng trưởng tốt.

Trong bối cảnh sức mua trên kênh OTC giảm sút do thu nhập của người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kênh ETC cũng sụt giảm, Traphaco đã áp dụng các giải pháp quản trị sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là cá nhân hóa hành vi khách hàng để thúc đẩy bán hàng, gia tăng hàng tự sản xuất.

Công ty đã thay đổi cách giao và đánh giá mục tiêu công việc theo KPI. Theo đó, đánh giá dựa trên kết quả thực tế hoàn thành, tạo điều kiện cho người lao động hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu. Quy trình mới gắn chặt với lợi ích, trách nhiệm của từng người lao động ở mỗi bộ phận, đồng thời đề cao hiệu quả làm việc nhóm, sự phối hợp giữa các bộ phận để hướng đến kết quả cao nhất.

Chỉ tiêu năm được bóc tách, cụ thể hóa đến từng bộ phận, từng tháng. Việc đánh giá, rà soát kết quả hoàn thành công việc được thực hiện thường xuyên, theo từng tháng, không chỉ với cán bộ, nhân viên, mà ngay cả Ban lãnh đạo Công ty cũng có KPI.

Chúng tôi quán triệt tới toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp là không chờ đợi, co cụm, sẵn sàng tìm kiếm những giải pháp, cách làm mới để hoàn thành tốt nhất các con số mục tiêu đã đặt ra cho từng tháng trên bản đồ KPI cả năm.

Ông Nguyễn văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG):

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty ước đạt 2.366 tỷ đồng doanh thu, tăng 29%; 80 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Dựa trên các đơn hàng đã thực hiện, dự kiến doanh thu tiêu thụ tháng 7 của Công ty đạt 625 tỷ đồng.

Năm 2021, TNG đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 14% so với năm 2020. Đây là kế hoạch kinh doanh thận trọng, nếu tình hình thị trường duy trì như hiện nay, Công ty có thể đạt kết quả kinh doanh cao hơn.

Về mảng bất động sản công nghiệp, TNG đang tập trung hoàn thiện dự án Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 và nghiên cứu 2 - 3 dự án bất động sản tiềm năng khác tại Thái Nguyên. Kế hoạch lợi nhuận nói trên chưa tính đến phần lợi nhuận của các dự án bất động sản.

Hiện cả ba nhà máy của TNG đều chạy hết công suất để kịp trả hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Đơn hàng hiện rất dồi dào, giá tốt. Thị trường đã trở lại tốt như thời kỳ năm 2019.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG):

Kế hoạch lãi 800 tỷ đồng năm 2021 của BCG sẽ hoàn thành khi hai dự án bất động sản được bàn giao và ghi nhận doanh thu trong năm nay và tổng công suất đang phát điện là 500 MW và được mua khoảng 98%...

Ba lĩnh vực làm trụ cột phát triển cho Công ty là năng lượng tái tạo, bất động sản và xây dựng đang phát triển theo kế hoạch đề ra.

Mục tiêu doanh thu 5.375 tỷ đồng của BCG trong năm nay được xây dựng trên dự tính đạt 4.030 tỷ đồng doanh thu trong lĩnh vực bất động sản (BCG Land), 3.203,5 tỷ đồng từ lĩnh vực xây dựng và thương mại (Tracodi), ghi nhận 1.156,6 tỷ đồng từ lĩnh vực năng lượng (BCG Energy), 300 tỷ đồng từ lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp (Nguyễn Hoàng) và 323,7 tỷ đồng từ các lĩnh vực khác; các khoản giảm trừ doanh thu là 3.638,7 tỷ đồng.

BCG sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng năng lượng để tăng tổng tài sản Tập đoàn, hướng tới mục tiêu đạt sản lượng phát điện 2,5 GW vào năm 2025; chú trọng phát triển các dự án bất động sản có vị trí đắc địa của BCG Land; tái cấu trúc Tracodi thành tổng thầu xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông.

Trong năm nay, BCG Land sẽ hoàn thiện dự án King Crown Village, Mailibu Hội An. Với Tracodi, ngoài việc đảm nhận vai trò tổng thầu các dự án của BCG, thành viên này sẽ mở rộng sang lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Tin bài liên quan