Tâm lý thận trọng, lo ngại của giới đầu tư
Nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao dịch bất động sản gặp trở ngại nên tôi đã tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường biến động liên tục, đặc biệt là hoạt động bán cổ phiếu mà không đăng ký trước của lãnh đạo một số doanh nghiệp cuối năm 2021, cho thấy kênh đầu tư này thiếu ổn định so với đầu tư bất động sản. Chính vì vậy, sau Tết Nguyên đán 2022, tôi đã rút bớt tiền từ tài khoản chứng khoán chuyển sang đầu tư đất nền, mặc dù thanh khoản thấp nhưng giảm áp lực biến động khó lường”.
Anh Nam là một trong những nhà đầu tư chứng khoán theo phong trào giai đoạn 2020 - 2021, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp và hoạt động giao dịch bất động sản kém sôi động do giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch.
Từ cuối năm 2021, khi nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường mới, không ít nhà đầu tư trước đó chuyên đầu tư vào bất động sản dần quay trở lại kênh đầu tư cũ. Động thái này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, bởi thị trường địa ốc sôi động trở lại ở nhiều phân khúc.
Hiện tượng đẩy giá bất động sản đang và tiếp tục có thể diễn ra khi kinh tế Việt Nam hồi phục ở mức cao hơn.
Nhìn lại thị trường chứng khoán những năm gần đây, khi thị trường bùng nổ đều thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia. Tuy nhiên, kết thúc mỗi đợt sóng tăng lại xuất hiện một làn sóng nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.
Trong đó, không ít nhà đầu tư chịu cảnh thua lỗ do mua phải các cổ phiếu đầu cơ, giá cổ phiếu không tăng, dẫn tới mất niềm tin vào kênh chứng khoán.
Tình trạng này có thể lặp lại sau cơn sốt cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp giai đoạn cuối năm 2021, các nhà đầu tư mới bị hút vào cơn sốt này. Thực tế, không ít nhà đầu tư đang thua lỗ khi mua ở vùng giá cao và không kịp thoát hàng sớm trong đợt bán tháo thời gian cận Tết Âm lịch 2022, trong khi mức độ tăng giá trở lại 2 tuần sau Tết không nhiều.
Trong đợt bán tháo trước Tết, nhóm cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp có mức giảm giá mạnh nhất. Được biết, đây là nhóm mà nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường ưa thích, muốn nắm giữ dài hạn giống sở hữu bất động sản và chờ thời gian cho giá tăng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hoàn toàn khác với thị trường bất động sản, nhà đầu tư nắm giữ sai mã cổ phiếu có thể thua lỗ lớn. Trong khi đó, với bất động sản, nhà đầu tư chỉ cần nắm giữ đủ lâu là có thể hưởng lợi từ đà tăng giá chung của thị trường.
Mặc dù thị trường chứng khoán hồi phục, nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu thận trọng. Thống kê trên sàn HOSE, kể từ ngày 1/1 đến 16/2/2022, giá trị khớp lệnh liên tục bình quân là 23.962,2 tỷ đồng/phiên, giảm 6,3% so với mức bình quân quý IV/2021. Khối nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 3.408,7 tỷ đồng, sau khi cả năm 2021 rút ròng 58.051,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 1/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 194.515 tài khoản, giảm hơn 32.000 tài khoản so với tháng liền trước. Như vậy, sau 2 tháng cuối năm 2021 liên tiếp lập kỷ lục, trên 200.000 tài khoản mới/tháng, thì bước năm 2022, số lượng mở nhà đầu tư mới có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhà đầu tư sẽ tập trung vào kết quả kinh doanh quý I và mùa đại hội đồng cổ đông thường niên để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Nhà đầu tư đang và tiếp tục có khả năng chịu tác động tâm lý từ sự trồi sụt thất thường của thị trường chứng khoán toàn cầu, với nhiều mối lo ngại.
Trong đó, lo ngại lớn nhất của giới đầu tư toàn cầu hiện nay là lạm phát tăng vọt, khiến đa số ngân hàng trung ương phải thay đổi quan điểm từ lạm phát chỉ là tạm thời sang mối lo, dẫn tới kịch bản sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại Mỹ, lạm phát tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên tới 7,5%, cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Trong khi đó, các quốc gia phát triển thường đặt mục tiêu lạm phát là 2%/năm.
Đáng lưu ý, căng thẳng giữa Nga - Ukraine thúc đẩy giá dầu tăng cao, nhiều chuyên gia và ngân hàng đầu tư lớn dự báo, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng trong năm nay, có thể gây sức ép lạm phát chi phí đẩy và ảnh hưởng tới sức tiêu thụ toàn cầu trong tương lai gần.
Nếu như thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục chao đảo, điều này sẽ tác động mạnh hơn tới tâm lý nhà đầu tư trong nước và sự thận trọng có thể kéo dài.
Năm 2022 được dự báo là năm phân hoá mạnh
Trong Báo cáo triển vọng ngành năm 2022, Công ty Chứng khoán BDIV (BSC) đưa ra quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhưng nhấn mạnh, sự phân hoá sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2021. Do đó, khả năng lựa chọn các cổ phiếu và nguyên tắc quản trị rủi ro sẽ là “kim chỉ nam” để nhà đầu tư có thể vượt qua các biến động trong năm nay.
BSC cho rằng, nhóm ngành hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 bao gồm cao su, săm lốp, thuỷ sản, tiêu dùng, bán lẻ, dệt may, dầu khí, ngân hàng… Nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng và thu hút FDI gồm bất động sản thương mại và khu công nghiệp, xây dựng, đá, cảng biển…
Công ty Chứng khoán SSI cũng có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán năm 2022, nhưng dự báo thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và khả năng tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Thực tế, thị trường hồi phục sau Tết, nhưng thanh khoản có dấu hiệu suy giảm, không ít nhà đầu tư vẫn đang thua lỗ sau đợt lao dốc giữa tháng 1/2022, tình trạng “kẹp hàng” khiến việc thực hiện mua mới gặp khó khăn.
Ngoài ra, một bộ phận nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin rõ ràng ở mùa đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới để xem xét, đánh giá và lựa chọn lại danh mục đầu tư cho năm tài chính mới. Ở thời điểm hiện tại, đa số doanh nghiệp vẫn chưa công bố tài liệu đại hội, mới có một số doanh nghiệp công bố kế hoạch tổ chức họp vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022.
Dòng tiền được kỳ vọng sẽ quay trở lại, tập trung vào các doanh nghiệp hội tụ triển vọng ngành khả quan, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng khả thi và có kế hoạch cụ thể để tận dụng cơ hội từ thị trường.