Lợi nhuận tập trung vào quý IV
9 tháng đầu năm 2016, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) đạt hơn 803 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so cùng kỳ và bằng 35% kế hoạch cả năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 80 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch năm.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Chu Tuấn Anh, Kế toán trưởng HDG cho biết, lợi nhuận sẽ tập trung trong quý IV/2016, ước đạt hơn 120 tỷ đồng, nên Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Với HDG, lợi nhuận thường tập trung vào quý cuối năm do đây là thời điểm tập hợp doanh thu từ nhiều mảng như thủy điện, xây lắp và ghi nhận doanh thu của nhiều dự án, trong đó có dự án Hà Đô Centrosa Garden (TP. HCM).
Dự án này hiện đã mở bán 1.500 căn chung cư, nên một phần lợi nhuận sẽ được hạch toán trong quý IV, còn lại sẽ đưa vào lợi nhuận trong năm 2017. Ngoài ra, HDG còn tiếp tục ghi nhận doanh thu từ dự án Hà Đô Villa Sư Vạn Hạnh (TP. HCM). Bên cạnh đó, HDG cũng đang đẩy mạnh công tác bán hàng và thu hồi các khoản đầu tư.
Tại báo cáo phân tích về cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản, CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) dự phóng về lợi nhuận của nhiều “ông lớn”. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2016 của Tập đoàn Vingroup (VIC) đạt 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lợi nhuận vẫn chủ yếu nhờ việc bán căn hộ, tiêu biểu là các dự án Central Park, Park Hill (Times City), Nguyễn Chí Thanh và Vinpearl Villas. Về mảng bán lẻ của VIC, BSC cũng phân tích, lỗ từ mảng này có thể sẽ không tăng nhanh, khi VIC đã chủ động điều chỉnh tốc độ mở mới cửa hàng để chuyển sang tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống hiện tại.
Trong khi đó, CTCP Địa ốc Sài gòn Thương Tín – Sacomreal (SCR) lại gây bất ngờ với khoản lợi nhuận sau thuế quý III/2016 lên tới 123,9 tỷ đồng, cao gấp 25 lần cùng kỳ, kéo lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm lên 161,6 tỷ đồng, gần như hoàn thành kế hoạch năm 2016. SCR dự báo, với đà thuận lợi này, lợi nhuận quý IV/2016 sẽ khả quan, khi các dự án được phân phối ổn định.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, lợi nhuận có sự đột biến thường là do thực hiện chuyển nhượng dự án, hoặc tập trung ghi nhận doanh thu từ việc phân phối bất động sản.
Cổ phiếu bất động sản: tiền vào chọn lọc
Thực tế cho thấy, từ quý III/2016, dòng tiền đã bắt đầu “để ý” đến một số cổ phiếu bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, xu hướng dòng tiền thường vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu này do kỳ vọng về lợi thế hiện tại của ngành sẽ có tiến triển tốt, nhất là kỳ vọng vào sự khả quan của lợi nhuận trong quý IV.
Nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2017-2018 và quý IV là thời điểm phản ánh kết quả vào báo cáo tài chính.
Lợi nhuận tăng mạnh, nhưng cổ phiếu SCR trong 1 tháng qua chỉ loanh quanh mức 8.000-9.000 đồng/CP
Tại Báo cáo, BSC vẫn duy trì đánh giá khả quan với ngành bất động sản do kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên đà cán đích. Trong đó, BSC có lưu ý về nhóm doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận do bán hàng tốt như VIC, DXG, HDG, KDH… nhờ thành công ở những dự án lớn. Đây cũng là các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và có nhiều dự án đang triển khai trên thị trường.
Trong khi đó, tại nhóm có chiết khấu cao so với giá trị sổ sách như ITC, SCR…, BSC cho biết, đây là các doanh nghiệp sở hữu dự án ở những vị trí tốt, nhưng do vướng thủ tục pháp lý trong quá khứ khiến tiến độ triển khai không đạt như mong muốn, hàng tồn kho lớn, dẫn đến chiết khấu cao.
Hiện tại, sau khi đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhóm doanh nghiệp này đang tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng và mở bán những dự án còn tồn đọng để xoay vòng vốn, đồng thời ký kết thêm các dự án nhằm bắt kịp xu hướng chung của thị trường.
Dù được kỳ vọng sẽ tạo được sự đột phá vào giai đoạn cuối năm, song không phải cứ cổ phiếu bất động sản là có thể tăng “nóng”, mà còn phụ thuộc vào tính thanh khoản của cổ phiếu, mức độ giảm so với thời điểm đầu năm, cũng như chỉ tiêu tài chính ở ngưỡng nào so với trung bình ngành.