Kết quả phân tích mới đây của các chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình USAID, trong khuôn khổ Dự án quản lý Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam, đối với các chỉ số đưa ra tại Báo cáo Kinh doanh 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đã cho thấy, nhiều con số và khuyến nghị rất đáng quan tâm nhằm cải thiện tích cực môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Theo đại diện phụ trách về môi trường phát triển kinh doanh thuộc USAID, so với năm 2013, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ tích cực và có nhiều hạng mục đã cải thiện được thứ hạng một cách khả quan, song vẫn còn một số hạng mục có xếp hạng khá cao, như nộp thuế, thương mại qua biên giới, tiếp cận nguồn điện, khởi sự doanh nghiệp. Theo khuyến nghị của chuyên gia này, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách để có được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, trong hạng mục nộp thuế, Việt Nam đứng thứ 149 trên tổng số 189 quốc gia trong bảng xếp hạng với những chỉ số không mấy tích cực. Chẳng hạn, tổng thời gian nộp thuế lên tới 872h/năm với 32 loại thủ tục. Trong đó, riêng đóng BHXH mất 335h/năm, nộp thuế VAT mất 320h/năm, nộp thuế TNDN mất 217h/năm. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, nếu có thể tự động hóa quy trình nộp BHXH, sẽ giảm đáng kể thời gian và quy trình thủ tục cho việc này.
Đối với hạng mục khởi sự doanh nghiệp, Việt Nam đứng thứ 109 với tổng cộng 20 ngày để hoàn tất 10 loại thủ tục, trong đó có nhiều thủ tục khá phức tạp như đăng ký con dấu với cơ quan công an, công bố nội dung đăng ký trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia...
“Đối với các quốc gia có xếp hạng đứng đầu thường chỉ cần thực hiện các thủ tục kiểm tra mã số đăng ký doanh nghiệp và con dấu của doanh nghiệp, còn tại Việt Nam, vẫn còn khá nhiều thủ tục rườm rà, với quy trình phức tạp, trong đó có những quy trình gần như trùng lặp có thể giảm bớt để rút ngắn số ngày và số thủ tục thực hiện”, đại diện USAID khuyến nghị.
Về hạng mục thương mại qua biên giới, Việt Nam đứng thứ 65 với thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu là 21 ngày với 5 loại chứng từ cho thủ tục xuất khẩu và 8 loại thủ tục cho nhập khẩu. Theo đánh giá của các chuyên gia USAID, ở hạng mục này, Việt Nam đã có sự cải thiện khá tích cực so với trước đây.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể giảm số ngày thực hiện xuống còn 7 ngày và 5 ngày, thì trong thời gian không xa, Việt Nam hoàn toàn có khả năng lọt vào Top 10 nước có xếp hạng thương mại cao nhất trên thế giới. Nhưng quan trọng hơn, các chuyên gia cho rằng, điều đó có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm gần 30%, đồng thời có thể tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm mới cho lực lượng lao động kém kỹ năng.
Về chỉ số tiếp cận nguồn điện, Việt Nam đứng thứ 156 với 6 loại thủ tục, thực hiện trong thời gian 115 ngày. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu các thủ tục xin cấp điện được xem xét giảm bớt một cách hợp lý, thì số thủ tục sẽ giảm đi ít nhất 3 loại, thời gian thực hiện còn khoảng 40 ngày, chi phí cũng sẽ giảm ít nhất một nửa và như vậy, thứ hạng của Việt Nam có thể lên thứ 37.
Đối với hạng mục cấp phép xây dựng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong việc cải thiện các thủ tục xin cấp phép, theo đó, Việt Nam đứng thứ 29 với 11 loại thủ tục, thực hiện trong vòng 114 ngày.
Theo đánh giá của các chuyên gia USAID, Việt Nam hoàn toàn có thể có được những kết quả khả quan hơn, bởi đang có nhiều lợi thế quốc gia để cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh của mình, đó là môi trường xã hội khá ổn định, quyết tâm cao của Chính phủ trong việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ rất quyết tâm đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh và điều đó đã thể hiện qua việc ban hành riêng Nghị quyết số 19 về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo ông Cung, tác động của việc cải cách các thủ tục trong các lĩnh vực đối với Việt Nam sẽ là rất lớn.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hàng năm lên tới gần 300 tỷ USD, do đó, nếu giảm bớt được các chi phí, thời gian và thủ tục hành chính sẽ có tác động rất lớn, đặc biệt đối với hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại. Nếu quyết tâm làm thì thực sự cải cách không phải là việc quá khó khăn. Vấn đề là cần làm ngay và làm một cách đồng bộ”, ông Cung nhấn mạnh.