Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Báo Đồng Tháp online
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có Quyết định số 942/QĐ-UBND.HC phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP. Cao Lãnh (giai đoạn 2).
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn nước lũ dâng cao gây ngập lụt, xói lở bờ sông, bảo vệ dân cư đô thị; bảo vệ nhà cửa, tính mạng và tài sản của người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác và các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị của TP. Cao Lãnh.
Đồng thời, sử dụng hệ thống đê bao TP. Cao Lãnh kết hợp làm đường giao thông để cứu nạn và kết nối thông suốt hệ thống giao thông quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; khai thác điều kiện thuận lợi sông nước để giúp TP. Cao Lãnh sớm trở thành đô thị phát triển bền vững ven sông Mê Kông.
Dự án tổng chiều dài khoảng 7,4 km (nối tiếp với tuyến đê bao đã được nâng cấp trong giai đoạn 1, điểm đầu từ chân cầu Cao Lãnh thuộc Phường 6, TP. Cao Lãnh đến nút giao với Quốc lộ 30 thuộc thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh).
Các hạng mục đầu tư của Dự án gồm: Nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ, chống xâm nhập mặn kết hợp đường giao thông, với chiều rộng mặt đê 9 m (chiều rộng phần xe chạy 7 m, chiều rộng phần lề đất 2 m), mái đê: m=2; hệ thống thoát nước và hệ thống chiếu sáng được bố trí dọc theo đường (đoạn qua khu dân cư); xây dựng cầu Doi Me (qua sông Ông Bầu) có tải trọng thiết kế HL93, chiều rộng mặt cầu 10 m (9 m+0,5 m x 2), nhịp 9 x 33 m; và hệ thống cống ngang đường gồm 04 cống hở, 05 cống ngầm, được bố trí tại các vị trí kênh, rạch, khe tụ thủy mà tuyến đê đi qua.
Phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án rộng khoảng từ 22 m đến 29 m (trước mắt đầu tư mặt đê phần xe chạy rộng 7 m, tương lai sẽ nâng cấp, mở rộng mặt đường xe chạy lên 14 m, do đó thực hiện luôn phần giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ mở rộng).
Dự án có tổng mức đầu tư 795,896 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 570 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 225,896 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện dự án: Năm 2021: Công tác chuẩn bị đầu tư; năm 2022-2025: Triển khai thi công, quyết toán vốn đầu tư hoàn thành dự án.
UBND tỉnh Đồng Tháp giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp (đơn vị quản lý dự án) chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư, thực hiện thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành.