Dòng thác vốn đổ vào ETF

Dòng thác vốn đổ vào ETF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại Mỹ từ đầu năm 2021 đến nay thu hút được lượng tiền mới kỷ lục, 488,5 tỷ USD, sắp sửa phá vỡ mức kỷ lục cũ là 497 tỷ USD của cả năm 2020.

Thể hiện của dòng tiền

Các nhà đầu tư từ lâu đã chuyển hướng sang các công cụ rẻ hơn, dễ trao đổi hơn và mang hiệu quả sau thuế cao hơn như ETF. Bây giờ, thậm chí một số nhà quản lý tiền tệ khó tính nhất cũng đưa một ít vốn vào ETF.

Theo Bloomberg Intelligence, gần như tất cả 25 nhà quản lý tài sản lớn nhất tại Mỹ đã và đang có kế hoạch tham gia vào ETF.

Eric Balchunas, nhà phân tích ETF tại Bloomberg Intelligence cho biết: “Có một sự thay đổi trong hình thức. Giống như cách mà mọi người mua nhạc điện tử trực tuyến thay vì mua đĩa CD, hay như cách mà Uber dần thay thế taxi truyền thống”.

Các quỹ ETF là một công cụ thu hút tiền đầu tư, giống như các quỹ tương hỗ truyền thống. Điểm khác biệt là các quỹ ETF có thể được giao dịch trong suốt các phiên giao dịch như cổ phiếu và với việc ETF cho phép hoán đổi tài sản với một bên trung gian, các khoản nợ thuế có thể được hoãn.

Được tạo ra vào 30 năm trước, sự phổ biến của ETF đã tăng mạnh kể từ sau khủng hoảng năm 2008. Trong một cuộc suy thoái thảm họa, sự thiếu tin tưởng đối với các nhà quản lý tiền tệ gia tăng và các nhà đầu tư ưu tiên dịch chuyển về các quỹ ETF, khiến cho giá trị tài sản trong các quỹ tăng gấp đôi, lên mức 1.000 tỷ USD vào năm 2010.

Lịch sử đang lặp lại và cú sốc dịch Covid-19 năm ngoái một lần nữa kích hoạt sự dịch chuyển dòng tiền về các quỹ ETF.

Tài sản các quỹ ETF tại Mỹ hiện đạt mức kỷ lục mới là 6.600 tỷ USD, tăng 3.700 tỷ USD so với mức kỷ lục trong năm ngoái. Các quỹ ETF có thêm 497 tỷ USD vốn vào ròng trong năm 2020, trong khi các quỹ truyền thống ghi nhận 506 tỷ USD bị rút ra.

Cuộc chiến cho tài sản

Năm 2020, trong bảng xếp hạng về thu hút dòng vốn, Vanguard S&P 500 ETF dẫn đầu với 29 tỷ USD, nâng quy mô vốn lên 239 tỷ USD; Vanguard Total Stock Market ETF đứng thứ hai với 21,5 tỷ USD, nâng quy mô vốn lên 256 tỷ USD.

Thành công của Vanguard tới từ mức giá rẻ và sự phổ biến trong các nền tảng giao dịch, bên cạnh đó phản ánh một sự dời chuyển nội bộ. Các tài sản đang dần chuyển từ các quỹ tương hỗ của Vanguard sang các quỹ ETF rẻ hơn. Trong tổng cộng 173,3 tỷ USD vốn mới của các quỹ ETF tại Mỹ trong tháng 6/2021, có 10 tỷ USD tới từ việc chuyển dịch từ quỹ tương hỗ sang.

Quá trình chuyển đổi đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2021, khởi nguồn từ một công ty nhỏ và nhanh chóng gia tăng với sự dẫn đầu của ông lớn Dimensional Fund Advisors. Công ty có trụ sở tại Austin, Texas với 637 tỷ USD đang quản lý đã chuyển 29 tỷ USD vào các quỹ ETF và dự định sẽ tiếp tục rót thêm tiền. Sự chuyển dịch nối tiếp sự thành lập của 3 quỹ ETF vào cuối năm ngoái, thu hút 1 tỷ USD.

Nate Geraci, Giám đốc ETF Store (một công ty tư vấn) nhận xét: “Việc có một chiến thuật hợp lý cho các quỹ ETF sẽ vô cùng quan trọng với các nhà quản lý tài sản trong thời gian tới. Các nhà quản lý tài sản gần đây mới tham gia vào quỹ ETF là khá muộn, nhưng vẫn có những cơ hội. Xu hướng này càng diễn ra lâu hơn, cơ hội sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

Đáng chú ý, Dimensional là một trong các nhà quản lý tại phố Wall đã tiếp cận các quỹ ETF, sau một sự thay đổi luật trong năm 2019 khiến việc ra mắt đơn giản hơn và mở đường cho các cấu trúc cho phép ẩn chiến lược. Xu hướng này tiếp tục trong năm 2021, với công ty của nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Ryan jacob - Jacob Asset Management là thành viên mới nhất gia nhập hệ thống.

Tuy nhiên, có thể có một giới hạn với xu hướng dịch chuyển này. Toàn bộ hệ thống hưu trí của Mỹ được xây dựng xung quanh các quỹ, đồng nghĩa với việc nhiều danh mục đầu tư không thể chuyển đổi. Bên cạnh đó, các quỹ tương hỗ vẫn đang quản lý lượng vốn lớn, khoảng 20.000 tỷ USD.

Ba ông lớn ETF

BlackRock, Vanguard và State Street đang chiếm khoảng 80% thị phần khối ETF. Theo như số liệu của Bloomberg, ba “ông lớn” sở hữu khoảng 22% Công ty S&P 500, tăng từ mức 13,5% trong năm 2008. Điều này thu hút sự chú ý của các nhà làm luật và làm xuất hiện các câu hỏi về ý nghĩa của sự thống trị này.

Các quỹ ETF lớn hơn có xu hướng thu hút phần lớn dòng tiền và ngày càng gia tăng. Các quỹ ETF đã phá vỡ kỷ lục lợi nhuận, thu về 372 tỷ USD so với mức 333 tỷ USD tốt nhất trước đó vào năm 2017. Kỳ tích này là nhờ sự tăng giá cổ phiếu: thước đo điểm chuẩn của Mỹ, S&P 500, đã nhiều lần thiết lập mức cao nhất mọi thời đại.

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index cho biết: “Thị trường chứng khoán đã có một hành trình đáng kinh ngạc. Cảm giác muốn tham gia và nỗi sợ bỏ lỡ là động lực lớn để đầu tư tiền vào thị trường”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, 8 quỹ ETF tại Ark Investment Management do Cathie Wood sáng lập đã thu hút được 15,3 tỷ USD với các cơn sốt đầu tư theo chủ đề liên quan tới các xu hướng như robot hoặc xe điện. Năm ngoái, các quỹ của Cathie Wood nằm trong số những quỹ đầu tư tốt, thành công trong việc thu hút vốn khiến cô trở thành “áp phích” cho các nhà quản lý tích cực trong các quỹ ETF.

Hiệu ứng Cathie

Số lượng các quỹ chủ động được thành lập đang gia tăng nhanh chóng, từ đầu năm 2021 đến nay đạt 142 so với con số 65 quỹ bị động. Khả năng cao là các quỹ ETF sẽ tiếp tục thu hút vốn trong thời gian tới.

Ben Johnson, Giám đốc quốc tế về ETF tại Morningstar nhận xét: “Các quỹ ETF giống như một nút bấm cho phép các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tới nhiều mảng khác nhau của thị trường chứng khoán, điều này giúp thu hút một lượng nhà đầu tư đông đảo hơn nhiều so với các quỹ tương hỗ”.

Tin bài liên quan