Động lực vẫn còn, chứng khoán tiếp tục leo dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khởi đầu tuần mới, đà hưng phấn trên thị trường suy giảm song phố Wall vẫn có một phiên giao dịch tích cực vào ngày thứ Hai (30/8), tiếp tục được hỗ trợ bởi những phát biểu mang tính trấn an thị trường hồi cuối tuần trước của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Động lực vẫn còn, chứng khoán tiếp tục leo dốc

Thứ Hai, giới đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu giúp S&P 500 có phiên lập đỉnh thứ 53 trong năm nay. Trong khi đó, Nasdaq Composite vốn thiên về công nghệ cũng có phiên đạt kỷ lục thứ 32 trong năm 2021.

Cổ phiếu Apple tăng 3% trong phiên, lập đỉnh lịch sử mới, trong khi Microsoft Corp, Amazon.com, Alphabet tăng từ 0,4% đến 2,1%.

Thứ Sáu tuần trước (27/8), Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thận trọng trong cách tiếp cận việc giảm bớt các biện kích thích, đồng thời tái khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi ổn định.

Với sự hỗ trợ từ Fed, S&P 500 và Nasdaq Composite đang chuỗi chiến thắng dài nhất kể từ năm 2018 khi các nhà đầu tư bỏ qua các dấu hiệu chậm lại của đà phục hồi kinh tế cũng như việc các ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

Về dữ liệu kinh tế, Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ (NAR) hôm thứ Hai cho biết, doanh số bán nhà đang chờ xử lý của Mỹ trong tháng 7 giảm 1,8% sau khi cũng giảm ở mức tương tự trong tháng 6. Đây là con số thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,5%.

Đêm qua, S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận những kỷ lục đóng cửa mới song Dow Jones kết thúc giảm điểm. Diễn biến tương tự cũng được nhìn thấy trong phiên giao dịch ngoài giờ khi S&P Futures và Nasdaq Futures đang trong xu hướng leo dốc, ngược lại với Dow Futures.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Dow Jones giảm 55,96 điểm (-0,16%), xuống 35.399,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,42 điểm (+0,43%), lên 4.538,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 136,39 điểm (+0,9%), lên 15.265,89 điểm.

Chứng khoán châu Âu đi ngang trong phiên ngày thứ Hai đầu tuần do kỳ nghỉ lễ của Anh khiến giao dịch ảm đạm, song tháng 8 đang trên đường trở thành một tháng giao dịch thăng hoa nhờ kỳ vọng sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương sẽ duy trì sự phục hồi kinh tế trong khu vực.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số DAX tại Đức tăng 25,56 điểm (+0,28%), lên 15.887,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,38 điểm (+0,08%), lên 6.687,30 điểm.

Chứng khoán châu Á được phủ sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng của phiên tích cực trên phố Wall cuối tuần trước sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng cường cấp vốn ngắn hạn để giảm bớt lo lắng về thanh khoản, nhưng sự sụt giảm ở cổ phiếu tài chính, công nghệ và bất động sản đã chặn đà tăng khá nhiều.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ để xem liệu xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế có tiếp diễn hay không.

Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc tăng theo chân phố Wall phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 148,15 điểm (+0,54%), lên 27.789,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,99 điểm (+0,17%), lên 3.528,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,65 điểm (+0,52%), lên 25.539,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 10,29 điểm (+0,33%), lên 3.144,19 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua đi xuống trong bối cảnh dòng tiền đổ vào chứng khoán toàn cầu. Mặt khác, bất chấp việc lãi suất giảm và đồng USD chưa tìm được động lực tăng giá sau phiên suy yếu cuối tuần trước, mặt hàng kim loại quý này vẫn đang loay hoay khi phải đối mặt với một số áp lực bán kỹ thuật sau khi giá tăng vọt qua ngưỡng 1.800 USD/ounce trong tuần trước.

Kết thúc phiên 30/8, giá vàng giao ngay giảm 6,60 USD (-0,36%), xuống 1.810,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 7,40 USD (-0,41%), xuống 1.809,80 USD/ounce.

Dầu tiếp tục tăng giá trong phiên ngày thứ Hai trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu và đường ống ở Bờ Vịnh đang phải vật lộn khởi động lại sau khi cơn bão Ida tàn phá khu vực này vào cuối tuần vừa qua.

Trong vòng 12 giờ sau khi vào bờ, Ida đã suy yếu thành bão cấp 1 trước khi tiếp tục suy yếu thành bão nhiệt đới. Hàng trăm điểm sản xuất dầu đã được sơ tán trước cơn bão và gần như tất cả sản lượng dầu ngoài khơi vùng Vịnh, tương đương 1,74 triệu thùng mỗi ngày đã bị ngưng trệ.

Sau những trận mưa và gió lớn, Louisiana và Mississippi mất điện trên diện rộng khiến các nhà máy lọc dầu chưa thể xác định được mức độ ảnh hưởng sau cơn bão. Tình trạng mất điện dự kiến sẽ còn kéo dài trong vài ngày.

Kết thúc phiên 30/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,47 USD (+0,68%), lên 69,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,71 USD (+0,98%), lên 73,41 USD/thùng.

Tin bài liên quan