Động lực thúc doanh nghiệp Việt sáng tạo

(ĐTCK) Khó khăn chưa qua, trong khi môi trường đầu tư và kinh doanh lại xuất hiện nhiều bất trắc, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
Động lực thúc doanh nghiệp Việt sáng tạo

Tuy nhiên, chia sẻ của các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp tại một diễn đàn do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 3/7 cho thấy, nhiều DN Việt Nam tự tin và bản lĩnh để ứng phó với bất trắc và nắm bắt các cơ hội đang chờ đón phía trước.

Nhiều cơ hội mới đang được tạo ra từ những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách toàn diện nền kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Cuộc sống chỉ còn ý nghĩa khi còn thách thức, còn hoài bão. Cơ hội luôn nằm trong thách thức. Tôi nhận thấy đại đa số các doanh nhân rất say sưa, máu lửa trong kinh doanh không chỉ vì lợi ích cho riêng mình, mà còn mang lại những điều tốt đẹp cho người khác như người lao động và cho xã hội”.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho giai đoạn mới với mục tiêu đề ra là làm sao trong vòng 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm là 8 - 9%, vì nếu tiếp tục với tốc độ 5 - 6% như hiện nay thì Việt Nam khó có thể tiếp tục song hành cùng bạn bè khu vực. Hơn nữa, kinh tế mạnh hơn sẽ giúp bảo vệ độc lập và chủ quyển đất nước thuận lợi hơn. “Các DN cần xem đây là động lực thôi thúc để tìm ra những hướng đi mới và phát triển mạnh mẽ hơn”, ông nói.

Những chia sẻ của Phó Thủ tướng đã thổi vào doanh nghiệp niềm hứng khởi. Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc và là nhà đồng sáng lập ICP nói: “Tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Tôi luôn tràn đầy năng lượng khi ở một vị trí có thể kết hợp được kiến thức quản trị quốc tế mà tôi học được vào môi trường Việt Nam. Trong ngành hàng tiêu dùng, tôi thấy có cơ hội rất lớn”.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Giày Thái Bình và Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam chia sẻ: “Tôi nhìn bức tranh kinh tế theo góc nhìn người lính đã từng tham gia chiến trường. Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. DN Việt Nam phải đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp FDI phát triển mạnh tại Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy điều đó và đã hoà nhập vào môi trường đó. Công ty chúng tôi ban đầu chỉ có 1.000 người, nhưng giờ con số đã lên đến hơn 30.000 người”.

Còn ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Minh Long I quan niệm rằng, việc gì DN khác làm được thì mình cũng làm được. Không nhất thiết DN của mình phải lớn như các cheabol của Hàn Quốc, mà với quy mô vừa và nhỏ như đa số các DN Đức nhưng tham gia thành công vào một công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì DN Việt vẫn có thể mạnh như thường. 

Tin bài liên quan