Đằng sau những lát cắt đẹp
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa cập nhật triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%. Con số này tăng khá cao so với dự báo 6,82% được chính CIEM đưa ra 3 tháng trước.
Nhưng xu hướng không lặp lại trong dự báo năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ được đưa ra ở mức 6,72%.
Thực ra, dự báo sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 so với năm 2019 của Việt Nam không phải là tin mới. Trước đó, trong các lần cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra mức thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5 - 6,7% so với 6,6% và 6,8%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng vừa hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ trong lần cập nhật vào tháng 1/2020, do kinh tế thế giới chưa giảm bất định, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang bước vào chu kỳ suy giảm, thậm chí là suy thoái.
Nhưng, cái khó của kinh tế Việt Nam năm 2020 không chỉ đến từ các yếu tố kém thuận lợi từ bên ngoài. Ngay trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý III/2019, CIEM đã nhắc đến những bất ổn bên trong những động lực góp phần chính cho tăng trưởng trong 9 tháng qua.
“Công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng tính theo điểm phần trăm, nhưng tôi nhìn thấy vai trò của khai khoáng đã trở lại đáng kể sau 3 năm tăng trưởng âm và tồn kho đang tăng nhanh. Có nghĩa là, các doanh nghiệp sản xuất nhiều, nhưng chưa tạo thành sức mua trên thị trường. Như vậy, tốc độ tăng trưởng nhanh chưa có nhiều dấu ấn từ gia tăng chất lượng”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), tác giả chính của Báo cáo chia sẻ.
Đặc biệt, theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cả ba động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư nhà nước và đầu tư nước ngoài đều đang bộc lộ những mối lo, thậm chí là bất ổn.
“Xuất khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng, thặng dự thương mại vượt hơn cùng kỳ năm 2018 và Mỹ là thị trường cứu cánh cho xuất khẩu Việt Nam, khi có mức tăng 26,6%; trong khi thị trường EU giảm 1,9%; Trung Quốc giảm 2,9%... Nhưng đây là chỗ đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định và rủi ro nhất. Khi phân tích xuất khẩu, không thể nhìn chung chung, mà phải nhìn rõ vào từng thị trường để thấy, tình trạng này không thể kéo dài”, ông Cung nói.
Cũng phải nhắc lại, trong báo cáo của CIEM, điều đầu tiên được nhắc tới để lý giải cho những cải thiện của nền kinh tế Việt Nam vừa qua là sự kiên trì của Chính phủ trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với cải cách vi mô, cải thiện môi trường kinh doanh. Khung chính sách này được kéo dài suốt 3 năm qua bằng sự quyết tâm và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Những cái giá phải tính đến
Đặt câu hỏi, tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt được mức tăng cao hơn, đến 7% như dự báo của năm 2019 hay không, TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra góc nhìn khả quan.
“Hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể tăng hơn nữa trong trung và dài hạn. Vấn đề là hành động của Chính phủ. Nếu muốn 6%, có thể chỉ cần giữ nguyên mọi thứ như hiện tại. Nếu muốn 7%, hành động phải thay đổi; còn nếu muốn 8 - 9%, hành động phải khác”, ông Cung đặt vấn đề một cách thẳng thắn.
Nhưng thay đổi hành động hay hành động khác mà ông Cung nhắc tới lại đang đối mặt với khá nhiều lực cản. Giải ngân đầu tư công quá chậm và chưa có dấu hiệu cải thiện đang làm giảm hiệu quả và tăng chi phí vốn. Các dự án FDI quy mô nhỏ xuất hiện quá nhiều. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm vừa qua không đạt kế hoạch. Xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa như kỳ vọng.
“Có cảm giác như áp lực cải cách từ bên ngoài, ở bên trong các bộ, ngành, địa phương mà chúng ta nhìn thấy ở giai đoạn 2017 - 2018 đang trùng xuống. Phải chăng, kết quả bước đầu đã khiến các bộ, ngành hài lòng?”, ông Cung nói.
Trong số các động lực tăng trưởng còn giữ được sức sống đều đặn, thì đầu tư của khu vực ngoài nhà nước là điểm sáng gần như duy nhất. Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng đầy hứng khởi. Tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân đang vượt qua khá xa so với đầu tư của khu vực nhà nước và FDI trong tổng đầu tư toàn xã hội, trở thành động lực tăng trưởng chính. Thậm chí, sự tham gia và thành công của doanh nghiệp tư nhân ở các dự án hạ tầng lớn đang tạo niềm tin cho việc tham gia của khu vực này vào các dự án hạ tầng lớn, siêu lớn trong tương lai có thể rộng rãi hơn.
Nhưng, câu hỏi khu vực tư nhân đã thực sự có cơ hội để “cháy” hết mình chưa lại chưa có câu trả lời.
“Tôi đã đến các vùng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về thủy sản, nói chuyện với các doanh nghiệp về CPTPP, họ nói cái đó thực sự quan trọng, nhưng sẽ để nhân viên học, còn các ông giám đốc đang lo làm thế nào để gỡ rào cản xuất khẩu vào Trung Quốc, gỡ các khó khăn trong tuân thủ quy định hiện hành, tính toán khi chi phí logistics đang tăng nhanh...”, ông Dương cho biết.
Thực tế này lý giải vì sao trong báo cáo của Bộ Công thương, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Australia, New Zealand sử dụng hồ sơ xuất khẩu theo CPTPP rất ít, chủ yếu vẫn khai form theo Hiệp định ASEAN với hai nền kinh tế này (AANZFTA). Điều này có nghĩa là, cơ hội được kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vẫn đang ở bên ngoài các kế hoạch, chiến lược kinh doanh của không ít doanh nghiệp.
Đây là một ví dụ nhỏ để thấy cái giá phải tính ở đây không chỉ là chi phí cơ hội của doanh nghiệp, mà còn chính là cơ hội bứt phá của nền kinh tế khi năng lực sản xuất, kinh doanh mới của khu vực tư nhân bị kìm hãm bởi các rào cản, thủ tục, quy định bất hợp lý.
Đặt thực trạng này trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi tốc độ sẽ quyết định người nắm giữ cơ hội, thì cái giá của nền kinh tế phải tính đến sẽ lớn hơn nhiều nếu không duy trì và thúc đẩy áp lực buộc phải cải cách.
Tuần trước, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam. Theo đó, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm và 7 - 8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực khi bước vào năm 2045. Cơ hội đuổi kịp chỉ được nhìn thấy khi tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2012 - 2015 đạt 7 - 8%/năm và tăng lên 9 - 10%/năm trong giai đoạn 2026 - 2045.
Đề cập các kịch bản này, TS. Đặng Đức Đạm, chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi, liệu chúng ta có đạt được kịch bản đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực trong thực trạng hiện nay không? “Câu trả lời là không khi so sánh suất đầu tư tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 so với Hàn Quốc (1961 - 2000) và Nhật Bản (1953 - 1973). Theo đó, chúng ta phải mất 6 đồng đầu tư để có 1 điểm tăng trưởng, trong khi Hàn Quốc chỉ mất 4 đồng, Nhật Bản mất 3 đồng. Cộng với đó, chi phí logistics của Việt Nam cũng đang trong nhóm nhất thế giới. Cái giá phải trả cho tăng trưởng đang quá đắt”, ông Đạm phân tích.
Nhưng điều này cũng có nghĩa, nếu tăng được hiệu quả sử dụng nguồn lực, thì cơ hội hiện thực hóa các kịch bản đuổi kịp có nhiều dư địa. “Quan điểm của tôi là phải tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ, chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường, nếu không thì ngay cả kịch bản thấp nhất là duy trì tốc độ tăng trưởng 6 - 7% cũng khó đạt”, ông Cung khuyến nghị.
Nhưng điều giới chuyên gia mong muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ ngay vào lúc này là phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn tinh thần cải cách.
“Có lẽ, chúng ta phải nói đến cải cách lần thứ hai, với mục tiêu phải đạt 8 - 9%, thay vì các bước thỏa hiệp như hiện tại. Khi đó, động lực tăng trưởng mới xuất hiện, đảm bảo cho phát triển trong dài hạn”, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói.
Khuyến nghị lập tổ liên ngành giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bổ sung, sửa đổi ngay các quy định hiện hành trong phạm vi thẩm quyền để tạo thuận lợi bước đầu cho đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, nên thành lập Tổ công tác liên ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng Chính phủ. Tổ này sẽ thực hiện việc rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi bãi bỏ hết các rào cản bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng… trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất soạn thảo một luật sửa đổi bổ sung các điều khoản chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, làm phát sinh quy trình, thủ tục hành chính bất hợp lý... ở lĩnh vực đầu tư xây dựng trong tất cả các luật có liên quan; trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất có thể.