Trông cậy vào đâu?
Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại trong quý I/2019. Có thể nhận định điều này khi nhìn vào dự báo tăng trưởng GDP quý I/2019 chỉ 6,58% so với cùng kỳ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mới đây.
Con số này thậm chí thấp hơn cả mức tăng trưởng quý I của kịch bản tăng trưởng kinh tế theo phương án thấp (6,76%) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm.
Chưa có con số thống kê chính thức của quý I/2019, song diễn biến kinh tế 2 tháng đầu năm cho thấy, dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chính xác. Chỉ đơn cử một ví dụ, 2 tháng đầu năm ngoái, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng tới 13,7%, trong khi 2 tháng đầu năm nay, mức tăng chỉ là 9,2%.
Quý I, sản xuất chậm có thể là do các đơn hàng muộn, hoặc các hợp đồng xuất khẩu lùi ngày. Con số 6 tháng mới phản ánh rõ xu thế của nền kinh tế
- chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh
Hai tháng đầu năm ngoái, IIP của Bắc Ninh tăng tới 45,1%; của Thái Nguyên tăng 9,1%, do đóng góp của Samsung; của Hà Tĩnh tăng 164,4%, do có sự đóng góp của Formosa. Trong khi đó, 2 tháng năm nay, IIP của Bắc Ninh chỉ tăng 2,2%; Thái Nguyên tăng 3,8%; còn Hà Tĩnh tăng 46,2%.
Có một sự khác biệt khá lớn so với năm trước, đó là với việc Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ giữa năm 2018, thì IIP của Thanh Hóa đã tăng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, không nằm ngoài dự báo, tăng trưởng IIP ở Bắc Ninh và Thái Nguyên bắt đầu chậm lại, do sản xuất của Samsung đã tới hạn.
“Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể sẽ dịch chuyển vào miền Trung, khu vực có Formosa và Lọc hóa dầu Nghi Sơn”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Tuy vậy, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, vẫn khẳng định rằng, các nhà sản xuất lớn như Samsung sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam, cho dù tốc độ tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của họ không còn lớn như trước.
“Bên cạnh sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo, thì động lực tăng trưởng tới đây vẫn phải trông vào tiêu dùng của dân cư và xã hội, vào những động lực được tạo ra từ một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, góp phần thu hút nguồn lực xã hội vào tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế”, ông Ân nói và bày tỏ quan điểm rằng, nếu Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề về thị trường cho xuất khẩu, thì đây cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong năm nay.
Trong khi đó, báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, động lực tăng trưởng kinh tế 2019 sẽ đến từ đà tăng trưởng kinh tế cao và toàn diện trong năm 2018; từ môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; từ kết quả đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; từ việc nền kinh tế đã, đang và tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới; từ hoạt động thương mại quốc tế đang tiếp tục được mở rộng; cũng như từ các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cơ hội nào cho nền kinh tế trong năm 2019?
Mặc dù tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Viết Sinh cho rằng, con số của quý I “chưa nói lên điều gì”.
“Quý I, sản xuất chậm có thể là do các đơn hàng muộn, hoặc các hợp đồng xuất khẩu lùi ngày. Con số 6 tháng mới phản ánh rõ xu thế của nền kinh tế”, ông Cao Viết Sinh nói và cho rằng, kinh tế 2019 vẫn đang tiếp tục xu thế tích cực trong năm 2018, vì thế, nếu nỗ lực, mức tăng trưởng trên dưới 7% trong năm nay là có thể đạt được.
Sẽ không dễ dàng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, bởi đang có quá nhiều rủi ro, thách thức ở phía trước. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu xuống chỉ còn 3,3% trong năm nay. Trong khi đó, tiến trình Brexit có nhiều dấu hiệu không tích cực, Ngân hàngtrung ương Anh cảnh báo về một cú sốc trên thị trường tài chính nếu nước này và EU không thể đạt được thỏa thuận.
Bên cạnh đó, thương mại và đầu tư toàn cầu đều có dấu hiệu tiếp tục suy giảm. Những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng đã khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019 kém lạc quan. Điều này sẽ tác động không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam.
Chưa kể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến những thách thức liên quan đến nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; sự thay đổi chuỗi cung ứng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng; hay công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn gặp rất nhiều thách thức lớn…
“Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% như đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh để các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Cập nhật kịch bản tăng trưởng 2019
(1) Phương án cao: GDP tăng 6,8% so với năm 2018, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), khu vực dịch vụ (khu vực III) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý II tăng 9,11%; quý III tăng 9,28%; quý IV tăng 8,02% để cả năm tăng 8,57% như kịch bản lần 1 đã đặt ra. GDP quý II, III và IV tăng lần lượt là 6,77%; 7,13% và 6,7%.
(2) Phương án thấp: GDP tăng 6,6% so với năm 2018, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), khu vực dịch vụ (khu vực III) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1; khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý II tăng 8,75%; quý III tăng 8,91%; quý IV tăng 7,63% để cả năm tăng 8,26% như kịch bản lần 1. GDP quý II, III và IV tăng lần lượt là 6,55%; 6,89% và 6,4%.