Động lực mới nâng cao chất lượng quản trị công ty

Động lực mới nâng cao chất lượng quản trị công ty

(ĐTCK) Ngày 22/1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ. Theo ông Hoàng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, nguyên tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng Nghị định 05, đây là động lực mới để nâng cao chất lượng quản trị trong cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị công.

Nghị định 05/2019/NĐ-CP ra đời sẽ mang đến những tác động chính như thế nào, thưa ông?

Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý có bao gồm các công ty niêm yết, các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Phạm vi bao trùm như vậy rất rộng, bao gồm cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Kiểm toán nội bộ được biết đến là một chức năng giám sát độc lập cao nhất trong một tổ chức. Tuy nhiên, nhận thức trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp về cách thức tổ chức và thực hiện chức năng này chưa rõ ràng. Do vậy, Nghị định 05 đưa ra một khung pháp lý về cách thức tổ chức, thực hiện kiểm toán nội bộ cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ và các bên liên quan. 

Ông Hoàng Hùng 

Từ khi được Bộ Tài chính bắt đầu xây dựng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cách đây hơn 2 năm cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Nghị định 05 ra đời rất phù hợp với bối cảnh quản trị công ty đang được thúc đẩy mạnh ở Việt Nam.

Cùng với Luật Chứng khoán đang được sửa đổi và bộ nguyên tắc quản trị công ty sẽ được ban hành, Nghị định 05 được coi là một bước tiến lớn về quản trị công ty, hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường, cũng như chuyển đổi mô hình quản trị công ty tiệm cận thông lệ quốc tế.

Đâu là những thách thức có thể lường trước trong quá trình thực hiện nghị định này?

Các đối tượng thực hiện có 24 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết cho chức năng kiểm toán nội bộ. Đây không phải là một khoảng thời gian dài và các doanh nghiệp, tổ chức sẽ phải tăng tốc ngay từ bây giờ. Họ sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề để có thể có đáp ứng được kỳ vọng về một chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả theo thông lệ cũng như theo yêu cầu luật định.

Đầu tiên, các doanh nghiệp, tổ chức cần nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng của kiểm toán nội bộ, cũng như cách thức tổ chức kiểm toán nội bộ hiệu quả trong nội bộ đơn vị mình, đặc biệt từ lãnh đạo cấp cao như hội đồng quản trị và ban điều hành.

Nghị định 05 có đưa ra các yêu cầu đối với công tác kiểm toán nội bộ, nhưng việc xây dựng và vận hành bộ phận kiểm toán nội bộ cụ thể ra sao sẽ là một bài toán lớn mà các đối tượng thực hiện Nghị định sẽ cần giải quyết.  

Thứ hai, về cơ cấu báo cáo, theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ báo cáo cho ủy ban kiểm toán - trực thuộc hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang áp dụng mô hình quản trị công ty có ban kiểm soát và mới có một số chuyển đổi sang mô hình có ủy ban kiểm toán.

Việc thành lập kiểm toán nội bộ sẽ đi cùng với câu hỏi về kênh báo cáo trách nhiệm giải trình cũng như cơ chế để có kênh báo cáo, định hướng, hỗ trợ và giám sát kiểm toán nội bộ đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, về nguồn lực kiểm toán nội bộ, hiện tại số lượng nhân sự trên thị trường có các năng lực, kinh nghiệm và bằng cấp chuyên môn về kiểm toán nội bộ là rất hạn chế, khó có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các đối tượng thực hiện Nghị định.

Để phần nào giải quyết vướng mắc này, Nghị định 05 cho phép các doanh nghiệp, tổ chức thuê ngoài dịch vụ kiểm toán nội bộ. Đồng thời, trên thực tiễn, trước mắt các kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cũng có thể chuyển đổi sang vai trò kiểm toán nội bộ thông qua đào tạo, nâng cao năng lực cần thiết một cách nhanh chóng.

Cuối cùng là thách thức về chuẩn mực. Hiện tại, chưa có quy định rõ ràng về chuẩn mực và thông lệ kiểm toán nội bộ nào được áp dụng. Trong thời gian tới sẽ cần những hướng dẫn cụ thể hơn để các đơn vị thực hiện có thể tuân thủ theo những chuẩn mực một cách nhất quán, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chức năng kiểm toán nội bộ trong các đơn vị triển khai được hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Đồng thời, các cấp quản lý, các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư cũng sẽ có được niềm tin và vào kết quả và chất lượng của hoạt động kiểm toán nội bộ. 

Vậy, ông có kỳ vọng như nào về các nỗ lực tiếp theo để thực thi Nghị định 05?

Với việc Nghị định 05 được ban hành, chắc chắn các doanh nghiệp, tổ chức sẽ đầu tư vào chức năng kiểm toán nội bộ một cách nghiêm túc hơn. Họ sẽ sớm nhận ra được những lợi ích lớn mà nó mang lại, trước hết là cho chính bản thân tổ chức của mình. Kiểm toán nội bộ có vai trò rà soát và đánh giá một cách độc lập đối với ba cấu phần quản trị chính là kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị công ty.

Qua đó, kiểm toán nội bộ có thể hỗ trợ đắc lực, giúp đạt được những mục tiêu hoạt động của các đơn vị với hiệu quả cao nhất. Khi các doanh nghiệp, tổ chức hiệu quả và minh bạch hơn thì đương nhiên các nhà đầu tư, cổ đông, cơ quan quản lý, xã hội cũng sẽ được hưởng lợi.

PwC cam kết cùng với các thành viên thị trường khác tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của kiểm toán nội bộ. Sắp tới, chúng tôi sẽ đóng góp chuyên môn cho nhiều hoạt động, sáng kiến từ các thành viên thị trường như các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp với mục tiêu gần nhất là nâng cao nhận thức về kiểm toán nội bộ và Nghị định 05 về kiểm toán nội bộ.

Chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho việc thực thi Nghị định. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm các thành viên thị trường khác tham gia thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ, để kiểm toán nội bộ có thể đi vào đời sống của đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức.

Nghị định 05/2019/NĐ-CP áp dụng cho các đối tượng sau:

- Doanh nghiệp: gồm các công ty niêm yết, doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ .

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2019.

Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có hiệu lực, các đối tượng áp dụng phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định này.

- Mục tiêu chính của kiểm toán nội bộ: đảm bảo và tư vấn độc lập về hiệu quả và hiệu lực của quản trị công ty, quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ.

Tin bài liên quan