Phân hóa
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết đã công bố, khoản thu ngoài lãi duy trì đà tăng nhẹ, nhưng có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MB trong quý I/2025 đạt 1.235 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; kinh doanh ngoại hối đạt 537 tỷ đồng, tăng 16%; đầu tư chứng khoán ghi nhận 509 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ; hoạt động khác đóng góp 1.179 tỷ đồng, tăng 3,2 lần. Nhờ đó, MB ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2025 đạt 6.674 tỷ đồng, tăng mạnh 46,15% so với cùng kỳ năm 2024.
Với ACB, trong quý I/2025, thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng tăng 7,52%, thu về 1.556 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ. Trong đó, mảng hoạt động dịch vụ, mang về 872 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ, mảng kinh doanh ngoại hối thu về 476 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng ba chữ số, lên 182 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần hoạt động chứng khoán kinh doanh giảm 87,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 24 tỷ đồng, thậm chí lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 204 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần cũng ghi nhận kết quả không mấy khả quan, tuy nhiên đóng góp của các hoạt động này không lớn vào cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI).
Một trong những ngân hàng có mức tăng nguồn thu từ dịch vụ ấn tượng trong quý I/2025 phải kể đến HDBank với mức tăng tới 105,5%, đạt 733,3 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh số của HDBank tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, với số lượng khách hàng cá nhân tăng 38%, số lượng giao dịch tài chính qua nền tảng số tăng 55% so với cùng kỳ. Tăng tốc số hóa cũng là động lực để HDBank tiếp tục tối ưu hóa vận hành, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống còn 27,4%, đồng thời nâng cao trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình khách hàng.
Trong khi đó, một số ngân hàng top đầu lại có hoạt động kinh doanh ngoài lãi sụt giảm trong quý đầu năm 2025. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh ngoài lãi của Techcombank giảm 12,1%, chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 15,8%, còn 1.828 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận giảm lần lượt 16,5% và 58%, thu về lần lượt 455 tỷ đồng và 450 tỷ đồng. Ở diễn biến ngược lại, chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác ghi nhận kết quả khởi sắc thu về lần lượt 178 tỷ đồng và 394 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Hoạt động góp vốn mua cổ phần cũng tăng trưởng trong kỳ, tuy nhiên đóng góp không lớn vào cơ cấu tổng thu nhập hoạt động Techcombank.
Tương tự, VietinBank báo lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9%, xuống 1.611 tỷ đồng, của BIDV giảm 9%, xuống 1.539 tỷ đồng, của VPBank thậm chí giảm 25%, xuống 1.169 tỷ đồng…
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính cho rằng, NIM (biên lợi nhuận thuần) của các nhà băng tiếp tục gặp nhiều thách thức, do ngành ngân hàng phải nỗ lực giảm lãi suất cho vay, chia sẻ với khách hàng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để bù đắp, các ngân hàng đã có những giải pháp để chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận, gia tăng các nguồn thu ngoài lãi để phấn đấu đạt mục tiêu đưa ra.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, hiện phần lớn TOI của các ngân hàng Việt Nam vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Các mảng ngoài lãi chỉ chiếm khoảng 20% và khó có thể tăng mạnh trong ngắn hạn, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia phát triển trên thế giới cao hơn đáng kể. Để tăng lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí quản lý, chi phí vận hành để tối ưu CIR. Đồng thời, ngân hàng phải tăng sản phẩm số, đẩy mạnh dịch vụ số, thay cho dịch vụ truyền thống, từ đó giúp thúc đẩy tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) để giảm chi phí vốn.
Gia tăng lợi nhuận bền vững
Để thúc đẩy nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng tăng bền vững, Chính phủ cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các ngân hàng thúc đẩy mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, nhất là dịch vụ ngân hàng số.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính
Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí và chấp nhận giảm NIM để đưa nguồn vốn giá rẻ ra thị trường. Không chỉ do chính sách điều hành, mà thực tế hiện nay, ngân hàng nào cũng phải cạnh tranh giữ thị phần tín dụng, đặc biệt là khách hàng tốt, nên rất khó áp dụng lãi suất cao. Điều này phần nào tác động lên kết quả hoạt động, ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, theo đó giúp các ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm khác để tăng nguồn thu ngoài lãi, góp phần gia tăng lợi nhuận. Vì thế, theo ông Hải, tín dụng phải vào thị trường càng sớm mới thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2025, dù lãi suất cho vay khó tăng, nhưng tín dụng được nhận định tích cực hơn (tín dụng tăng trưởng từ 16 - 24%) khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ khác, nên các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao, từ 10 - 15%.
Theo đánh giá của PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM, tăng trưởng tín dụng được dự báo vẫn sẽ là động lực chính cho lợi nhuận của ngân hàng năm 2025 chứ không phải biên lãi thuần. Hiện tại, thu nhập từ hoạt động ngoài lãi của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với thu nhập từ hoạt động tín dụng (năm 2024, hoạt động tín dụng chiếm trên 78% tổng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết). Động lực tăng trưởng thu nhập từ hoạt động tín dụng chủ yếu đến từ hai yếu tố là biên lãi thuần và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất ít biến động và chủ trương không tăng lãi suất cho vay từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, NIM sẽ khó có khả năng tăng mạnh. Vì thế, trong hai yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng, thì tăng trưởng tín dụng sẽ là yếu tố mấu chốt trong năm 2025.
Còn theo quan điểm của TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, dù hoạt động tín dụng đóng góp một nguồn thu rất lớn, nhưng kéo theo rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay. Do đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh thu ngoài lãi, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Theo ông Linh, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, việc tăng thu từ dịch vụ là xu hướng tất yếu, nằm trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng để giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận bền vững. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng năm 2025 cũng đặt ra mục tiêu tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ tăng lên mức 16 - 17% và mức cao hơn đến năm 2030.
Tuy nhiên, lựa chọn gia tăng thu ngoài lãi bằng cách nào sẽ tùy thuộc vào chiến lược của mỗi nhà băng. Mỗi ngân hàng cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu mà mình hướng tới, từ đó “may đo” các dịch vụ, sản phẩm theo đúng đặc điểm của khách hàng. Theo ông Linh, trong quá trình “may đo” sản phẩm cho khách hàng, ngân hàng cần chú trọng đến việc tập hợp nhiều dịch vụ tài chính trong một gói sản phẩm, chứ không phát triển các dịch vụ riêng lẻ. Đồng thời, ngân hàng cần chuyển dịch cơ cấu doanh thu, lồng ghép việc tăng thu ngoài lãi vào mục tiêu chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin sẵn có, phát triển ứng dụng mới và tăng cường phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất mà ngân hàng xây dựng, phát triển các sản phẩm trong tương lai, đó là luôn lấy khách hàng làm trung tâm.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc các nhà băng tích cực đẩy mạnh tăng thu ngoài lãi, hướng thu nhập bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thúc đẩy nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng tăng bền vững, Chính phủ cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các ngân hàng thúc đẩy mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, nhất là dịch vụ ngân hàng số…