Dồn toàn lực cho bước chạy đà cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Dù phải gia hạn thời gian mở thầu một số gói thầu, nhưng Bộ Giao thông-Vận tải vẫn quyết khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi sang đầu tư công ngay trong tháng 9/2020.
Đẩy nhanh tiến độ thị công tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Thừa Thiên Huế. Ảnh:A.M.

Đẩy nhanh tiến độ thị công tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Thừa Thiên Huế. Ảnh:A.M.

Sàng lọc nhà thầu

Đã xuất hiện diễn biến bất ngờ tại lễ mở thầu 13/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công là Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45, vừa được Ban Quản lý dự án (PMU) Thăng Long và PMU 7 (Bộ Giao thông-Vận tải) tiến hành.

Lễ mở thầu được các doanh nghiệp xây dựng ngành Giao thông-Vận tải đặc biệt trông đợi này đã diễn ra công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu và có sự tham gia chứng kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị, trong đó có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an.

Tuy nhiên, trái với nhận định ban đầu của nhiều người về những cuộc đua kịch tính, số lượng đơn vị nộp hồ sơ tại cả 13 gói thầu này không lớn.

Theo đó, kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu (ngày 6/8/2020) cho đến thời điểm đóng thầu (14h ngày 4/9/2020), tổng số hồ sơ mời thầu được PMU Thăng Long và PMU 7 bán tại 3 dự án lên tới hơn 340 bộ.

Trong đó, Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 gồm 5 gói thầu xây lắp, có 60 đơn vị mua hồ sơ mời thầu với tổng số 140 bộ hồ sơ mời thầu; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ mời thầu; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây gồm 4 gói thầu xây lắp, có 32 đơn vị mua hồ sơ mời thầu với tổng số 74 bộ hồ sơ mời thầu.

Việc mỗi gói thầu xây lắp tại 3 dự án nói trên đã bán được bình quân 26 bộ hồ sơ mời thầu đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp xây dựng.

Tuy nhiên, tại thời điểm đóng thầu, chỉ có 1/13 gói thầu nhận được 4 hồ sơ dự thầu; 9/13 gói thầu nhận được 3 hồ sơ dự thầu.

Đặc biệt, gói thầu 1 - XL thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 1 liên danh nộp hồ sơ dự thầu (liên danh Tự Lập - Đạt Phương - Tổng công ty Xây dựng Thăng Long); gói thầu 2 - XL và 3 - XL thuộc Dự án Phan Thiết - Dầu Giây chỉ có 2 liên danh nộp hồ sơ dự thầu.

Để đảm bảo minh bạch và tăng thêm số lượng nhà thầu tham gia dự thầu, Bộ Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo PMU Thăng Long và PMU 7 hoàn thiện các thủ tục theo quy định, gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày (đóng thầu, mở thầu vào 14h00 ngày 14/9/2020) cho 3 gói thầu 1-XL, 2-XL và 3-XL.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (tham gia nộp hồ sơ dự thầu tại gói thầu 1 - XL thuộc Dự án Dầu Giây - Phan Thiết) cho biết, hồ sơ mời thầu tại cả 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công có yêu cầu rất cao về năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công các công trình tương tự.

“Quy định như vậy có thể giúp chủ đầu tư sàng lọc được các nhà thầu hạng lông, nhưng số lượng các nhà thầu đáp ứng được yêu cầu là không nhiều”, ông Tuyến lý giải.

Trên thực tế, cả 3 gói thầu phải gia hạn thời gian mở thầu đều có quy mô khá lớn, trong đó gói 1- XL Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có dự toán được duyệt là 1.745 tỷ đồng; gói 2 - XL và 3- XL Dự án Dầu Giây - Phan Thiết có dự toán được duyệt lần lượt là 1.967 tỷ đồng và 2.316 tỷ đồng.

Tại Việt Nam hiện không có nhiều nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, đặc biệt là công trình tương tự.

Hiện tại, ngoài 3 gói thầu phải gia hạn thời gian mở thầu với hy vọng có thêm ứng thầu nộp hồ sơ dự thầu, toàn bộ 10 gói thầu xây lắp còn tại đang được các tổ chuyên gia đấu thầu khẩn trương tiến hành chấm thầu.

“Trước mắt, trong khâu chấm thầu, chúng tôi sẽ đánh giá sơ bộ để chọn ra những gói thầu ít vướng mắc nhất, cố gắng mỗi dự án chọn ra một gói thầu để có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của hồ sơ mời thầu, đáp ứng yêu cầu thời gian để khởi công xây dựng tối thiểu 1 gói thầu/dự án vào cuối tháng 9/2020, các gói thầu còn lại trong tháng 10/2020”, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc PMU Thăng Long khẳng định.

Rào giậu chặn sai phạm

Được biết, ngay trước khi tiến hành bán hồ sơ mời thầu cho các gói thầu xây lắp tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công, Bộ Giao thông-Vận tải đã có chỉ thị yêu cầu các PMU liên quan tổ chức đấu thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu và các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, bảo mật thông tin trong đấu thầu theo quy định.

“Chúng tôi đã quán triệt phải thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó, việc lựa chọn các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu phải đáp ứng nhân sự, trình độ, chuyên môn; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ như lắp đặt camera, khóa niêm phong hồ sơ”, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải cũng vừa văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tham gia phối hợp từ đầu tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhằm giám sát, kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản.

“Bộ GTVT nhận thức là cần phải “rào giậu” chặt và sớm, không để sai sót tại đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải cho biết.

Đối với 5 dự án thành phần đầu tư PPP (gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), công tác lựa chọn nhà đầu tư cũng đang bám rất sát kế hoạch đề ra.

Cụ thể, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 117/2020/QH14 điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông-Vận tải đã cập nhật kết quả phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và điều chỉnh phương án tài chính, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng yêu cầu.

Từ ngày 16 đến 20/7/2020, các PMU/bên mời thầu đã thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư qua sơ tuyển, hiện đã có 14/16 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu.

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các nhà đầu tư có thời gian 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến mở thầu từ ngày 17 đến 20/9/2020.

Trong bước đấu thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật trước và trình Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư nào đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở đề xuất tài chính, bên mời thầu đánh giá đề xuất tài chính, trình Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Dự kiến công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020.

Bên cạnh đó, để đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để có thể triển khai thi công các dự án đảm bảo hiệu quả, minh bạch, đúng tiến độ, Bộ Giao thông-Vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để thúc đẩy quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao mặt bằng, công địa sạch cho các nhà thầu thi công, tránh tình trạng “xôi, đỗ”, ảnh hưởng đến tiến độ cũng hiệu quả trong thi công.

Trong công văn hỏa tốc gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai vào cuối tháng 8/2020, Bộ Giao thông-Vận tải muốn lãnh đạo các tỉnh này chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành việc bàn giao toàn bộ mặt bằng 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trước khi các gói thầu được đồng loạt khởi công.

“Để đảm bảo tiến độ khởi công 3 dự án trong tháng 9/2020, Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng Giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 13%), bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 8/2020”, công văn do Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

Cần thêm 113.148 tỷ đồng để nối thông cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo quy hoạch phát triển mạng cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hà Nội đến Cần Thơ có tổng chiều dài 1.799 km. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 356 km, đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm cả 654 km giai đoạn 2017 - 2020).

Như vậy, để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần đầu tư 659 km còn lại. Hiện nay, Bộ Giao thông-Vận tải đã giao các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 10 dự án thành phần/659 km còn lại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ Giao thông-Vận tải, sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư 10 dự án thành phần/659 km là khoảng 113.148 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP, theo quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật PPP thì phần vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Như vậy, phần vốn nhà đầu tư huy động tối thiểu khoảng 56.574 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 20%, khoảng 11.315 tỷ đồng; vốn huy động tín dụng khoảng 45.259 tỷ đồng), phần vốn Nhà nước tham gia tối đa 56.574 tỷ đồng.

Tin bài liên quan