Nền tảng vĩ mô
Từ phía nền tảng kinh tế vĩ mô, một số yếu tố ảnh hưởng lên TTCK 6 tháng cuối năm 2019 là diễn biến tiếp theo xung quanh căng thẳng thương mại và các ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu, trong đó đặc biệt phải kể đến lo ngại xung quanh việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.
Cùng với đó, khả năng hiện thực hóa việc cắt giảm lãi suất của Fed cũng như cách điều hành của Fed là yếu tố quan trọng có thể gây ảnh hưởng lên thị trường.
Trong khi đó, từ phía trong nước, dù bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm có gam màu sáng chủ đạo, VCBS cũng lưu ý đến xu hướng tăng lên của lãi suất huy động từ nay đến cuối năm, kèm theo việc lạm phát có thể tăng nhanh hơn ngay trong quý III/2019. Mặc dù vậy, trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi sản xuất trên thế giới, VCBS tiếp tục kỳ vọng Việt Nam được hưởng lợi từ cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp đầu tư vào Việt Nam.
Ông Trần Minh Hoàng
Trong bức tranh chung nhiều sắc màu, VCBS chưa nhận thấy động lực rõ ràng giúp cho VN-Index vứt phá vượt ngưỡng 1.000 điểm trong quý III năm nay. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc giải quyết tranh chấp thương mại sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6/2019, nhưng triển vọng về một thỏa thuận cuối cùng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn tương đối xa. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận mặt bằng lãi suất huy động vẫn sẽ giữ xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2019, yếu tố này có thể gây sụt giảm mức định giá các tài sản trên TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng các chỉ số chứng khoán sẽ có diễn biến lạc quan hơn trong quý cuối cùng của năm nay sau khi mức chi phí vốn cao hơn đã được phản ánh vào mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường.
Thị trường nhiều khả năng cũng được sự hỗ trợ nhờ các thông tin về kết quả kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp niêm yết - với trọng điểm thường rơi vào quý IV. VN-Index có thể kết thúc năm trong khoảng 1.000 - 1.050 điểm, còn HNX- Index sẽ kết thúc năm trong khoảng 110 - 115 điểm.
Mặc dù lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, nhưng cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam vẫn đang trong quá trình “thích nghi” với sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất trên thế giới, do đó, khó có thể kỳ vọng một mức tăng trưởng đột phá trong tương lai gần.
Việc thị trường có thêm chứng quyền có đảm bảo (CW) và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là một động lực mới trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Dù chưa thể kết luận sản phẩm mới có thể kích thích thị trường đi lên hay không, nhưng có thêm CW và sản phẩm phái sinh cũng khiến thị trường sôi động hơn và tiến gần hơn với chuẩn quốc tế.
Diễn biến giá cả thị trường hàng hóa cũng có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nhóm ngành, doanh nghiệp. Trong đó chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến giá dầu thô và giá cao su.
Cụ thể, nửa đầu năm 2019, giá dầu ghi nhận xu hướng tăng khá mạnh, chủ yếu do các yếu tố địa chính trị và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu. Một số tổ chức quốc tế như Goldman Sachs, Morgan Stanley… đã dự báo rằng, giá dầu có thể dao động trong biên độ từ 55 - 75 USD/thùng. Trong khi đó, giá cao su tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm do các yếu tố địa chính trị và yếu tố mùa vụ.
Dự báo, giá cao su có thể tiếp tục gia tăng trong nửa cuối năm 2019. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị hạn chế, chủ yếu do vấn đề dư cung. Giá thép Trung Quốc giao ngay tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019, chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
VCBS cũng dành sự chú ý đến những doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Với định hướng xây dựng "Chính phủ kiến tạo" của Nhà nước, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang liên tục được cải thiện và các doanh nghiệp cũng được khuyến khích mở rộng hoạt động kinh doanh hơn khi các thủ tục hành chính và rào cản quản lý ngày càng được đơn giản hóa, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, nhóm các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế mũi nhọn với nguồn lực và tầm nhìn kinh doanh dài hạn được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới, cụ thể là nhóm các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Viettel, nhóm các công ty trong hệ sinh thái Vingroup...
Cùng với đó là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác (CPTPP, EVFTA…), trong đó đáng chú ý là những doanh nghiệp thủy sản, dệt may, đồ gỗ, da giày… có quy trình sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu từ phía đối tác.
Ngoài ra, không thể không kể đến một số doanh nghiệp khác với "câu chuyện riêng" liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới…
Triển vọng của một số nhóm ngành chính
Ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2019 phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) chỉ có thể được cải thiện tại một số ngân hàng có khả năng mở rộng danh mục tín dụng tới những phân khúc có lợi suất cho vay cao hơn hoặc có chi phí vốn thấp.
Mặt khác, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục phân hóa ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II còn nhiều động lực tăng trưởng; các tổ chức tín dụng tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh vào tài chính tiêu dùng dễ bị tổn thương khi kinh tế vĩ mô biến động. Các ngân hàng còn lại sẽ tiếp tục quá trình tái cơ cấu.
Bất động sản: 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng ổn định, nhưng tốc độ tăng trưởng có sự sụt giảm so với các năm trước. Phân khúc trung cấp của thị trường chung cư vẫn giao dịch sôi động. Nguồn cung tại TP.HCM có sự sụt giảm do khó khăn trong thủ tục cấp phép dự án mới. Thị trường văn phòng, đất nền và bất động sản khu công nghiệp tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng, đặc biệt ở những khu vực hạ tầng hoàn thiện và vùng ven các thành phố lớn.
6 tháng cuối năm 2019 và 2020, chúng tôi dự đoán thị trường vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Thị trường chung cư phân khúc trung cấp vẫn sẽ giao dịch tốt do phù hợp với thu nhập và nhu cầu mua nhà để ở của phần lớn người dân. Đất nền, văn phòng, bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ là điểm sáng của ngành với yếu tố hỗ trợ là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng.
Hàng không: Ngành hàng không vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đã cho thấy dấu hiệu chậm lại so với giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh có chiều hướng tăng lên ở nhiều phân khúc, đi cùng với quá trình xã hội hóa trong ngành. Chúng tôi ưa thích các doanh nghiệp có vị thế và lợi thế cạnh tranh rõ nét trong giai đoạn này.
Vật liệu xây dựng: Trong thời gian gần đây, toàn ngành mở rộng công suất với với mức độ cạnh tranh tăng cao. Cấu trúc ngành có sự thay đổi theo hướng phân mảnh hơn. Các doanh nghiệp đầu ngành phải hy sinh biên lợi nhuận để có thể giữ được thị phần. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu quặng sắt, than, điện tăng khiến chi phí đầu vào tăng nhanh chóng.
Theo đó, chúng tôi đánh giá cao triển vọng của các doanh nghiệp sở hữu những yếu tố: sản phẩm có khả năng xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa; chi phí đầu vào đang ở mặt bằng thấp hơn cùng kỳ tạo ra biên lợi nhuận cao.
Bán lẻ: Theo đánh giá của Tổ chức ATKearny, năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 6 trong 30 thị trường hấp dẫn cho hoạt động đầu tư ngành bán lẻ. Tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tay chơi quốc tế và các doanh nghiệp Việt am hiểu thị trường.
Trong tương lai, triển vọng tăng trưởng ngành bán lẻ dự báo đến từ một số yếu tố như dư địa mở rộng các chuỗi bán lẻ hiện đại vẫn còn; thu nhập bình quân người dân tiếp tục tăng qua các năm và xu hướng phát triển của hoạt động tín dụng tiêu dùng và các công cụ thanh toán điện tử.
Dầu khí: VCBS tiếp tục giữ mức dự phóng giá dầu Brent trung bình ở mức 73 USD/thùng trong năm 2019 dựa trên các luận điểm chính: (1) Mỹ tiếp tục sử dụng giá dầu như vũ khí để kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc; (2) Mỹ và Arab Saudi tiếp tục là đồng minh thân cận trong việc điều hành giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, với mức độ biến động mạnh của giá dầu trong thời gian gần đây, VCBS hạ mức khuyến nghị từ “khả quan” xuống “thận trọng” cho triển vọng ngành dầu khí Việt Nam. Chúng tôi lựa chọn những có phiếu có hoạt động kinh doanh cũng như giá cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu thế giới, đó là các công ty hoạt động trong phân khúc “thượng nguồn” trong chuỗi giá trị dầu khí.