Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), do nằm trong khu vực châu Á và là thị trường cận biên, gián tiếp chịu ảnh hưởng từ động thái rút vốn của nhà đầu tư ngoại tương tự như các thị trường lân cận trong 6 tháng đầu năm, TTCK Việt Nam đã biến động đồng pha với các thị trường mới nổi, thị trường châu Á.
Dù vậy, các điều kiện vĩ mô của Việt Nam vẫn đang tốt và định giá trên TTCK dần hấp dẫn trở lại. Sau đợt giảm mạnh của TTCK trong quý II/2018, trường hợp các yếu tố bên ngoài không quá xấu, thì cổ phiếu Việt Nam có khả năng phục hồi theo kết quả kinh doanh.
Dựa trên các yếu tố vĩ mô và nội tại từ phía doanh nghiệp, cùng lộ trình thoái vốn nhà nước và niêm yết…, BSC có đánh giá khả quan đối với cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí, điện, công nghệ, bảo hiểm phi nhân thọ và bất động sản.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng
Kết quả kinh doanh lõi được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi, mảnh đất nhiều tiềm năng mà các ngân hàng Việt Nam chưa khai phá hết. Xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém được đẩy mạnh. Hoạt động của các ngân hàng lành mạnh hơn, tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.
Nhiều ngân hàng được kỳ vọng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro thấp hơn trong năm 2018 và ghi nhận hoàn nhập dự phòng hoặc thu nhập khác từ xử lý nợ xấu như VCB, ACB, MBB, TCB. Việc tăng vốn theo yêu cầu của Basel II cũng sẽ làm tăng quy mô, trọng số của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ chỉ số thị trường.
Nhóm cổ phiếu dầu khí
Giá dầu tăng trở lại là một trong những yếu tố tích cực khiến cổ phiếu dầu khí hồi phục. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dầu khí khác lại chịu ảnh hưởng từ việc dự án mới chậm được triển khai, bởi vậy so với thế giới, ngành dầu khí Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định.
Nhóm cổ phiếu ngành điện
Các doanh nghiệp điện có tính ổn định cao, cổ tức đều đặn, beta (mức độ rủi ro) ngành ở mức thấp, vì vậy đều là các cổ phiếu có tính phòng thủ. Nhu cầu điện tiếp tục gia tăng, giá bán điện được cải thiện sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp điện trong thời gian tới. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ được hưởng lợi trong khoảng cuối năm 2018 khi giá dầu và giá khí dự kiến sẽ ổn định, nhưng các doanh nghiệp thủy điện có thể gặp khó khăn vì thời tiết.
Nhóm cổ phiếu công nghệ
Thị trường công nghệ thông tin trên toàn thế giới được dự đoán đạt 3,7 nghìn tỷ USD, tăng 6,2% trong năm 2018, theo dự báo mới nhất của Gartner. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất mà Gartner đã dự báo từ năm 2007, có thể là dấu hiệu của một chu kỳ phát triển công nghệ thông tin mới. Hoạt động xuất khẩu phần mềm là mũi nhọn tăng trưởng giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam duy trì kết quả kinh doanh tích cực.
Nhóm cổ phiếu bất động sản
Cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản nhiều khả năng là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền trong nửa cuối năm 2018 nhờ vào việc các doanh nghiệp đang trong chu kỳ bàn giao nhà và hạch toán lợi nhuận.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ
Ngành bảo hiểm phi nhân thọ dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 10% nhờ vào tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đặc biệt là mảng bảo hiểm sức khỏe, tài chính với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Cổ phiếu các doanh nghiệp bảo hiểm đang được giao dịch với mức giá tương đương, hoặc thấp hơn giá trị sổ sách. Việc thoái vốn và nới “room” của các doanh nghiệp đầu ngành như PVI và BMI dự kiến sẽ được triển khai cũng sẽ là động lực thúc đẩy giá của các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.
Về phía thị trường hiện tại, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, TTCK trong tuần qua đã mạnh lên không chỉ về điểm số, thanh khoản, mà còn có xu hướng đi ngược lại các thị trường trong khu vực. Điều này cho thấy, thị trường hoặc đã bỏ qua, hoặc đã chiết khấu những thông tin bất lợi cả trong và ngoài nước để “lầm lũi” đi lên theo kịch bản riêng.
Thị trường đang đi đến giai đoạn cuối của mùa báo cáo bán niên. Năm nay, câu chuyện tăng trưởng của nhóm vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ được duy trì và là động lực hỗ trợ cho TTCK đi lên.