Phố Wall kéo dài chuỗi phiên tăng điểm sang ngày thứ Năm (6/5) nhờ dữ liệu lạc quan trên thị trường lao động.
Thư Năm, thị trường hào hứng đón báo cáo thất nghiệp hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống dưới 500.000 vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn một năm trước, báo hiệu sự phục hồi của thị trường lao động đã bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm 92.000 đơn, xuống còn 498.000 đơn trong tuần kết thúc vào 1/5, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng nguy hiểm với khoảng 16,2 triệu người vẫn đang rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp toàn diện hơn vào thứ Sáu để biết khẳng định sức mạnh của thị trường lao động và có khả năng trở thành lập trường chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ.
Mặt khác, chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 5/5 thông báo ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 để thúc đẩy chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.
Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khen ngợi quyết định của Mỹ là "quyết định lịch sử" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, quyết định ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính quyền ông Biden vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, gồm các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones tăng 318,19 điểm (+0,93%), lên 34.548,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,03 điểm (+0,82%), lên 4.201,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 34,03 điểm (+0,82%), lên 13.632,84 điểm.
Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng tích cực trong phiên ngày thứ năm, với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống sau màu báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan.
Hơn một nửa trong số 600 công ty STOXX đã báo cáo thu nhập cho đến nay và 73% trong số đó đạt kỳ vọng về lợi nhuận, theo dữ liệu của Refinitiv.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,87 điểm (+0,52%), lên 7.076,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 25,96 điểm (+0,17%), lên 15.196,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 17,62 điểm (+0,28%), lên 6.357,09 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh sau ba ngày nghỉ lễ trong bối cảnh giới đầu tư ồ ạt gom mua nhóm cổ phiếu chu kỳ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do căng thẳng với EU gia tăng và cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe sụt giảm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm, nhờ sự trợ giúp của các công ty năng lượng, mặc dù đà tăng bị chặn lại khá nhiều bởi căng thẳng giữa Trung Quốc và EU.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ sự lạc quan về kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp cả ở phố Wall và trong nước.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 518,74 điểm (+1,80%), lên 29.331,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,57 điểm (-0,16%), xuống 3.441,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 219,48 điểm (+0,77%), lên 28.637,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,37 điểm (+1,00%), lên 3.178,74 điểm.
Giá vàng phiên đêm qua tăng mạnh, vượt mốc 1.800 USD/ounce khi USD tiếp tục giảm sâu, bất chấp thị trường chứng khoán tăng điểm.
Kết thúc phiên 6/5, giá vàng giao ngay tăng 28,10 USD (+1,57%), lên 1.814,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 31,40 USD (+1,76%), lên 1.815,70 USD/ounce.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên đêm qua trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới tiếp tục tăng,dù mức giảm giá được hạn chế bởi tồn kho dầu thô ở Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.
Ấn Độ mỗi ngày đều ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm và tử vong do Covid-19. Dịch bệnh đã lây lan ra khắp quốc gia đông dân thứ hai thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Kết thúc phiên 6/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,92 USD (-1, %), xuống 64,71 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,87 USD (-1,3%), xuống 68,09 USD/thùng.