Dồn lực phục vụ thị trường gần 100 triệu dân

Thị trường trong nước là khu vực kinh doanh quan trọng để doanh nghiệp “tăng tốc”, đưa ra các sản phẩm mới nhằm tăng doanh số bán hàng trong bối cảnh xuất khẩu chịu nhiều hệ lụy từ Covid-19.
Thị trường trong nước chính là không gian kinh tế mà Việt Nam có thể chủ động điều tiết, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động sản xuất, phục hồi doanh số.

Thị trường trong nước chính là không gian kinh tế mà Việt Nam có thể chủ động điều tiết, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động sản xuất, phục hồi doanh số.

Hàng tiêu dùng có đất diễn

Sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, xuất khẩu giảm sút, nhưng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân vẫn được nhận định là khu vực hỗ trợ đầu ra đáng kể cho các doanh nghiệp.

Quý I/2020, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An công bố doanh thu 1.043 tỷ đồng, tăng 23,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này cho biết, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty đã lên kế hoạch nguyên vật liệu, điều tiết nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, tối ưu hóa hàng tồn kho, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện khai thác kênh bán hàng hiện đại, gia tăng độ phủ sản phẩm trên các kênh truyền thống. Nhờ đó, doanh số và lợi nhuận của Tường An đều gia tăng.

Lĩnh vực hóa mỹ phẩm cũng gặt hái kết quả kinh doanh hơn mong đợi. Công ty cổ phần Bột giặt Lix xác nhận, khoản doanh thu 880 tỷ đồng thu về trong quý I/2020 là mức tăng khủng tới 54% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, mức tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội địa khi đạt 775,7 tỷ đồng, tăng 64%. Lợi nhuận sau thuế Công ty đạt hơn 64,1 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và là quý có lãi nhiều nhất trong 4 năm gần đây.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, xuất khẩu bị ảnh hưởng do thị trường chủ lực giảm nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xoay xở, tìm kiếm khách hàng, dồn lực đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua từng địa bàn để tăng doanh số.

“Dù người dân sẽ giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ, nhưng nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng, bởi nhu cầu tiêu dùng không giảm nhiều, nên vẫn tạo dư địa cho các ngành hàng như thực phẩm chế biến, lương thực, thủy sản… đẩy mạnh tiêu thụ. Các sản phẩm chế biến dự báo tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới”, ông Đỗ Thắng Hải nhận định.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.519.000 tỷ đồng. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đạt 1.224.000 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ 0,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 4,48%.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, thị trường trong nước chính là không gian kinh tế mà Việt Nam có thể chủ động điều tiết, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động sản xuất, phục hồi doanh số.

Thị trường nội tiêu thụ hàng tỷ USD thủy, hải sản

Năm 2019, xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu sẽ khó tăng trưởng trong năm nay. Để hạn chế sụt giảm doanh số, các doanh nghiệp trông vào thị trường nội địa.

Thị trường tiêu thụ thủy, hải sản Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng bởi nhiều yếu tố: sự phát triển nhanh chóng của hệ thống nhà hàng, khách sạn; dân số trong độ tuổi tiêu dùng cao, mức thu nhập bình quân của người dân tăng mạnh, tạo nên một thị trường tiêu thụ đa dạng, nhiều phân khúc, là cơ hội cho doanh nghiệp tăng chế biến để đáp ứng nhu cầu.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản của người tiêu dùng trong nước năm 2019 lên đến 22.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1 tỷ USD) và mức tiêu thụ bình quân của người Việt Nam ước khoảng 35 kg thủy, hải sản/năm. Dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng đến 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, việc đẩy mạnh kinh doanh và tiêu thụ thủy, hải sản ở thị trường nội địa là vô cùng quan trọng, để đảm bảo tính ổn định cho các doanh nghiệp, nhất là trong hoàn cảnh đầu ra từ kênh xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng bởi Covid-19.  Vì vậy, bên cạnh xuất khẩu, hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước cần đầu tư mạnh hơn cho phát triển thị trường nội địa, đưa ra sản phẩm mới hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

Trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) đã chế biến thêm sản phẩm mới là ruốc ngao hai cùi để phục vụ thị trường trong nước. Bà Phạm Thị Thu Hiền, CEO Bavabi cho biết, ban đầu là hỗ trợ các hộ nuôi ngao, nhưng nhờ đó mà Công ty có thể tăng nguồn thu từ thị trường trong dài hạn nhờ danh mục sản phẩm có thêm hàng mới, cũng là thêm sự lựa chọn cho khách hàng.

Doanh thu từ bán sản phẩm ruốc hải sản đã qua chế biến lên tới 50 tỷ đồng/năm, Bavabi khẳng định, thế mạnh của Công ty là chuyên sản xuất các sản phẩm ruốc hàu, ruốc trai, ruốc bề, ruốc tép, ruốc cá… nên Công ty tin tưởng sẽ có phản hồi thị trường tốt với sản phẩm này.

Tin bài liên quan