Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng .

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng .

Dồn lực cho chất lượng tăng trưởng

Sau mức tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, cần tập trung hơn cho nâng cao chất lượng tăng trưởng vào năm 2018, để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững.

Một trong những câu hỏi luôn được đặt ra vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, đó là các đại biểu sẽ quyết nghị thế nào về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới. Kỳ này cũng vậy và câu hỏi là, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% mà Chính phủ đề xuất, liệu có được chấp nhận?

Năm nay, câu hỏi đó được đặt ra ráo riết hơn, bởi nhiều khả năng, tăng trưởng GDP 2017 sẽ đạt khoảng 6,7%, thậm chí cao hơn cả mục tiêu mà năm ngoái Quốc hội đã quyết nghị. Đó là cơ sở để kỳ vọng rằng, năm 2018, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức cao hơn.

Tuy nhiên, cuối cùng, mục tiêu đặt ra chỉ là 6,5 - 6,7%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là con số hợp lý, bởi dù kinh tế 2017 đang diễn biến tích cực, đà phục hồi đang được duy trì, song những thách thức, khó khăn phía trước là khó lường.

Nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước có thể tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam, chưa kể kinh tế trong nước còn khó khăn, do ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm, một số động lực cho tăng trưởng đã tới hạn và mô hình kinh tế chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu.

“Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao, thì các ngành, lĩnh vực sẽ phải gắng gượng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, đây là sự thận trọng cần thiết để không thiên lệch tăng trưởng về số lượng, mà hướng tới mục tiêu cao hơn là cải thiện chất lượng tăng trưởng. Việc Chính phủ xác định mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 6,7% và lấy phương án tăng trưởng GDP là 6,5% làm cơ sở để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước 2018 sẽ tạo điều kiện “chủ động và an toàn hơn” trong điều hành cân đối thu, chi ngân sách.

“Trường hợp tăng trưởng cao hơn, sẽ tạo dư địa để sử dụng nguồn lực tăng thêm cho đầu tư phát triển, giảm bội chi, để góp phần lành mạnh nền tài chính quốc gia”, ông Toàn nói.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng, dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển còn khó khăn, thuế nhập khẩu giảm nhiều, nhiều mặt hàng bằng 0%, cạnh tranh trong ASEAN cao, gây áp lực cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018, một trong những giải pháp quan trọng là tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

“Doanh nghiệp nhà nước hiện đóng góp gần 30% GDP, trong đó các tập đoàn, tổng công ty là chính. Các đơn vị này tăng trưởng cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và tạo tính lan tỏa, kéo các doanh nghiệp nhỏ phát triển”, ông Toản nói và cho rằng, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phải quan tâm cân bằng giữa hai yếu tố tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Bởi dù nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng môi trường lại xuống cấp, thì “dễ bị trả giá đắt trong tương lai”.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, thất nghiệp, giải quyết việc làm đang là gánh nặng làm ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. “Tôi đề nghị bổ sung chỉ tiêu thất nghiệp trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 để có giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành và nâng cao chất lượng nền kinh tế”, bà Tuyết nói.

Tin bài liên quan