Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 27 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ, sử dụng 3,6 triệu lao động làm việc trong các nhà máy. Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid đến nay, ngành dệt may qua 3 cung bậc khác nhau.
Ông Giang cho biết, quý I/2020, đại dịch bùng phát, ngành dệt may Việt Nam đối diện nguồn cung thiếu hụt, tắc nghẽn từ nhà sản xuất trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạo ra thách thức rất lớn. Nhiều lô vải phải bay đường vòng mới về Việt Nam khiến chi phí dội lên.
Cung bậc thứ 2 là sau quý I/2020, hàng loạt đơn hàng bị giảm xuống sâu, đặc biệt sản phẩm chủ lực, chiến lược, có giá trị gia tăng như vest, sơ mi nam nữ, váy nữ… đến nay toàn bộ đơn hàng vest, sơ mi vẫn giảm 80% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các đơn vị trong ngành vẫn phải đảm bảo sự ổn định, duy trì đội ngũ 3,6 triệu lao động, giải pháp được áp dụng là giảm giờ làm trong tuần, có đơn vị phải giảm nhiều nhất 15 ngày để tìm cách cân đối nguyên phụ liệu.
Giai đoạn tiếp theo là tái khởi đông lại và phát sinh cơ hội như sản xuất khẩu trang y tế. Trong quý II-III, đơn hàng khẩu trang y tế ở EU, Nhật, Mỹ vẫn còn khả quan, còn đơn hàng quần áo trong nhà, thể thao thì thị trường quay lại rất nhanh. Các đơn vị làm mặt hàng này đang có cơ hội tốt để tái khởi động, có nhiều đơn hàng thể thao tăng 140%, đặc biệt là hàng Nike.
Ông Giang cho rằng, trải qua những tháng chống chọi với dịch bệnh, ngành dệt may Việt Nam rút ra được 5 bài học lớn.
Thứ nhất là áp lực thiếu hụt nguồn cung trong ngành khi các nhà cung cấp trong khu vực không xuất hàng được, “rất đau đớn cho ngành”, ông Giang nói.
Thứ hai, từ đó, tạo ra thách thức và cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành thích ứng với thị trường đang thay đổi nhanh, từ các dòng sản phẩm somi, vest… chuyển sang khẩu trang, quần áo nỉ, quần áo trong nhà…
Thứ ba là về phương thức mua bán hàng thay đổi 180 độ. Trước đây, doanh nghiệp đàm phán với người mua trực tiếp, nay chuyển qua hình thức online thông qua viber, zalo, zoom…Song song đó, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận những đòi hỏi, đánh giá của nhà nhập khẩu về chính sách với người lao động - doanh nghiệp cũng phải vượt qua.
Thứ năm là phương thức thanh toán của ngành dệt may Việt Nam. Mới đây, thông tin về tổng số tiền các nhà nhập khẩu không thanh toán do phá sản đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp đang chờ luật sư ở EU, Mỹ để hỗ trợ có thể đòi tiền từ các bên mua. Đây là vấn đề thanh toán liên quan đến trả chậm 30-60 ngày, thậm chí có khách đòi trả chậm 180 ngày. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Giang cũng đánh giá, ngành cũng có nhiều cơ hội để áp dụng công nghệ trong sản xuất, có cơ hổi để thích ứng với tiêu dùng trong nước.
Trong 9 tháng, xuất khẩu dệt may giảm 11%, nhưng ước cả năm 2020, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ giảm khoảng 6% so với năm 2019.