Dự án Somerset của nhà đầu tư Singapore tại TP.HCM
Dồn dập dự án
Tuần trước, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đã chính thức công bố việc triển khai giai đoạn tiếp theo của Dự án VSIP Quảng Ngãi. Khởi công xây dựng từ cuối năm 2013, cho đến nay, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 132 triệu USD.
Trong khi đó, ngay tại buổi lễ công bố triển khai giai đoạn II, hai nhà đầu tư Properwell (Hồng Kông) và UMW (Singapore) đã chính thức có được cái gật đầu của chính quyền địa phương để xây dựng nhà máy tại đây. Hebei Xindadong (Trung Quốc) cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để tiếp tục mở rộng nhà máy dệt đang hoạt động tại VSIP Quảng Ngãi.
Một xu hướng tích cực, dự báo một triển vọng lạc quan và thành công của VSIP Quảng Ngãi, giống như các khu VSIP đã được triển khai ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng. Tương tự như vậy, nhiều kỳ vọng cũng đã được đặt ra ở hai khu VSIP mới ở Nghệ An và Hải Dương mà VSIP quyết định đầu tư cách đây chưa lâu.
Với VSIP, câu chuyện không chỉ nằm ở những khoản vốn đầu tư của chính VSIP, mà quan trọng hơn, nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp này đã tạo dựng được hình mẫu mới trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Việt Nam. Chưa một nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp nào ở Việt Nam có được thành công như VSIP. Chưa kể, với uy tín và kinh nghiệm của mình, VSIP đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư thứ cấp.
“Hiện các khu VSIP đã thu hút được 7,8 tỷ USD vốn FDI. Các dự án trong VSIP đã tạo ra hơn 155.000 việc làm cho người lao động”, ông Kelvin Teo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sembcorp, đồng Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore nói.
Mapletree, công ty con của Tập đoàn Temasek Holdings, cũng đồng thời là nhà đầu tư đồng hành với VSIP ngay từ khi triển khai dự án ở Bình Dương, cách đây chưa lâu đã khẳng định cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án khu kho vận, khu công nghiệp, văn phòng, khu bán lẻ và khu chung cư tại Việt Nam. Chưa kể, còn những cái tên như Banyan Tree với Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô với tổng vốn 875 triệu USD; VinaCapital với Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD; hay Keppel Land, CapitaLand với hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam…
Ngoài những cái tên đình đám nói trên, còn có thể kể đến KinderWorld với loạt các trường quốc tế ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và vẫn đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới.
Trong khi đó, Công ty Freight Link Capital (Singapore) hồi đầu tháng 5/2015 đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép đầu tư 2 cầu cảng liền bờ tại vị trí bến số 5 và số 6 tại khu vực cảng Vũng Áng (Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án có vốn đầu tư khoảng 114 triệu USD này đã được Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trước đó hai tháng, Brookline Medical là nhà đầu tư nước ngoài sớm nhất đăng ký là đối tác chiến lược ngay khi Bệnh viện Giao thông - Vận tải Trung ương - cơ sở khám chữa bệnh công lập đầu tiên - được chọn thí điểm cổ phần hóa.
Singapore đã ngày càng chứng tỏ là đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Bởi ngày càng nhiều nhà đầu tư từ đảo quốc Sư tử chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư kinh doanh. Số liệu thống kê cho thấy, hơn 33 tỷ USD đã được các nhà đầu tư Singapore đổ vào Việt Nam. Singapore hiện đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Singapore chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, bất động sản… Các dự án trong các lĩnh vực giáo dục, giải trí cũng đang được đẩy mạnh.
Cơ hội trong tầm tay
Cơ hội thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Singapore đang ngày càng được mở rộng, không chỉ vì quan hệ Việt Nam - Singapore hợp tác song phương ngày càng tốt đẹp, mà còn vì các cam kết đa phương mà cả Việt Nam và Singapore đều là thành viên, như TPP, AEC...
Trên thực tế, kể từ năm 2005, khi Việt Nam và Singapore ký kết Hiệp định khung kết nối kinh tế nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, tập trung vào 6 lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo, tài chính, viễn thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ và giao thông, thì hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia đã được đẩy mạnh.
Kể từ đó đến nay, đặc biệt với vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chương trình kết nối hai nền kinh tế đã liên tục được thực hiện. Tháng 4 vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, tổ chức tại Việt Nam, sau các thỏa thuận được ký kết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã một lần nữa khẳng định quan điểm và mối quan tâm của Việt Nam trong hợp tác kinh tế với Singapore.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị phía Singapore nỗ lực phối hợp đề xuất, triển khai, thực hiện các sang kiến mới trong khuôn khổ Hiệp định kết nối, khuyến khích doanh nghiệp Singapore tăng cường đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.