Thời gian qua, các nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm rào cản kinh doanh liên tiếp được ban hành: Nnăm 2017, Nghị quyết 83 và nghị Quyết 98 được đưa ra chỉ cách nhau 2 tháng, tới đầu năm 2018 là Nghị quyết 01 và giờ đây là Nghị quyết 139, thậm chí là nhắc đi nhắc lại hàng năm như Nghị quyết 19... dù vậy, kết quả đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chính phủ, chứ chưa nói tới thỏa mãn kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm (từ 2014 đến nay), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, kết quả rất thấp so với mục tiêu đặt ra, chất lượng cắt giảm cũng chưa đảm bảo yêu cầu.
“Dù theo báo cáo là cắt giảm điều kiện, giấy phép kinh doanh, song các chứng chỉ, quy định đào tạo, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu quản lý chuyên ngành vẫn rất phổ biến, thậm chí còn gia tăng sự biến tướng. Nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong văn bản luật chưa thấy có biểu hiện rà soát cắt giảm. Thực tế này cho thấy, con số 50% được cắt giảm chỉ là trên hình thức...”, ông Cung bình luận.
Đáng chú ý, xét về mặt tác động thể hiện chất lượng cắt giảm, theo Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, bên cạnh số ít điều kiện kinh doanh cắt giảm có tác động thực chất như điều kiện kinh doanh về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số điều kiện kinh doanh đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút gọn, thì phần lớn những điều kiện kinh doanh được sửa đổi có mức độ tác động thấp, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chẳng hạn, về điều kiện kinh doanh đối với cá nhân được hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, việc bãi bỏ quy định 'có năng lực, hành vi dân sự' gần như không có tác động...”, ông Hiếu dẫn chứng.
Điều quan ngại nhất, theo ông Hiếu là vẫn "mọc" ra điều kiện kinh doanh mới làm khó doanh nghiệp như tại Nghị định 49/2018/NĐ-CP trong lĩnh vực giáo dục, điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là phải có trụ sở ổn định trong 2 năm, có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu 8 m2/người, có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian…
"Thực tế này cho thấy, rào cản kinh doanh vẫn còn khá phổ biến. Bãi bỏ điều kiện kinh doanh chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là chất lượng sửa đổi. Đây là vấn đề cần giải quyết triệt để trong thời gian tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần phải có quy trình mới trong ban hành điều kiện kinh doanh, kiểm soát văn bản. Theo đó, bên cạnh đơn vị ban hành điều kiện kinh doanh, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát điều kiện kinh doanh và đơn vị này nên là đơn vị độc lập trong các bộ, ngành, chẳng hạn như Cục Pháp chế của các bộ. Cùng với đó, việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải được thẩm định tác động về kinh tế...
“Các doanh nghiệp khi sáp nhập còn phải làm thủ tục về đánh giá hạn chế cạnh tranh, trong khi một quy định tác động đến cả ngành hàng, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh lại không thẩm định tác động là không ổn...” ông Tuấn nói.
Mặt khác, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh, điều kiện kinh doanh nhiều không lo ngại bằng cách áp dụng không minh bạch, không tin cậy. Do đó, cần phải có bộ phận chuẩn hoá về điều kiện kinh doanh trong các cơ quan Chính phủ.
Số liệu rà soát của CIEM về cắt giảm điều kiện kinh doanh được công bố tại Hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” vừa diễn ra mới đây cho thấy, đến nay đã có 90 nghị định về điều kiện kinh doanh được sửa đổi.
Tuy nhiên, sau khi rà soát các điều kiện kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được sửa đổi, cũng như rà soát các nghị định về sửa đổi điều kiện kinh doanh mới ban hành cho thấy, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771 điều kiện, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu.