Ông Nguyễn Xuân Thành

Ông Nguyễn Xuân Thành

“Dọn dẹp” những khoản nợ xấu

(ĐTCK) “Để xử lý các ngân hàng yếu kém, vấn đề đầu tiên là ‘dọn dẹp’ tất cả những khoản nợ xấu”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright chia sẻ quan điểm với ĐTCK.

Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang thiên về xử lý số lượng hơn là chất lượng. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Đúng là khi nhìn vào đề án tái cơ cấu cũng như những động thái đã triển khai, chúng ta thấy chuyện sắp xếp lại, hợp nhất, sáp nhập hay thâu tóm cũng chỉ nhằm mục đích làm giảm số lượng ngân hàng. Nghĩa là mới chủ yếu chú ý đến số lượng, chứ chưa đi vào thực chất.

Ví dụ như hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua, đâu phải cứ hợp nhất xong là xong, mà trong đề án hợp nhất nêu rõ: hợp nhất xong, SCB sẽ tái cấu trúc với sự tham gia của BIDV. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, mặc dù vừa mới hợp nhất xong đã có thông tin SCB hoạt động bình thường, đi vào ổn định. Thông tin như vậy liệu có phải là không phải tái cơ cấu nữa? Thực tế, SCB vẫn đang nợ BIDV, cũng như nợ nhiều ngân hàng khác, nên vẫn cần phải tái cơ cấu. Do vậy, vấn đề là phải tái cơ cấu ngân hàng vừa hợp nhất như thế nào?

 

Theo quan điểm của ông, mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng là gì?

Trước mắt, phải xử lý những ngân hàng yếu kém, vì hiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa ổn định, mọi người không thể yên tâm, doanh nghiệp không thể hết khó khăn nếu như vẫn còn những ngân hàng yếu kém. Về lâu dài, phải xây dựng được một hệ thống ngân hàng lành mạnh và loại bỏ được những nguyên nhân sâu xa dẫn tới yếu kém của hệ thống, những trục trặc trong thời gian vừa qua, trong đó bao gồm hệ thống quản lý rủi ro chỉ là hình thức, sở hữu chéo, vốn chủ sở hữu ảo…

 

Vậy làm thế nào để xử lý các ngân hàng yếu kém, thưa ông?

Vấn đề đầu tiên là “dọn dẹp” tất cả những khoản nợ xấu để làm sạch bảng cân đối tài sản. Tiếp đó, cần cải thiện năng lực quản trị, điều hành và tái cơ cấu hoạt động theo hướng lành mạnh, hiệu quả. Để làm được điều đó, có thể do tự thân các ngân hàng, hoặc thông qua mua bán, sáp nhập.

 

Mặc dù NHNN chủ trương khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất theo hướng tự nguyện, nhưng có vẻ như các ngân hàng không mặn mà?

Đúng là như vậy. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề lợi ích của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Chỉ cần ảnh hưởng đến lợi ích của họ là họ phản ứng, trong khi việc sáp nhập có thể khiến họ bị mất chức. Tuy nhiên, bản thân thị trường tự vận động khi các đợt thâu tóm ngầm đã diễn ra. Nhưng bên cạnh mặt tích cực thì cũng tồn tại những mặt không tích cực. Bởi khi diễn ra như vậy, hệ thống ngân hàng không được tái cấu trúc theo hướng hiện đại, lành mạnh như mong muốn, có khi còn khiến mức độ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng trầm trọng hơn. Vì vậy, NHNN cũng như UBCK cần nghiên cứu mở rộng giới hạn về tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược trong ngân hàng và buộc hoạt động thâu tóm phải minh bạch, đúng luật.

 

Có nghĩa là ông không ủng hộ quan điểm sáp nhập tự nguyện?

Như trên tôi đã nói, để cho tự nguyện là rất khó, vì vấp phải rào cản lợi ích của các cổ đông lớn. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng lại yếu kém theo một hình thức khác nhau, nên việc sáp nhập, hợp nhất hai ngân hàng yếu khó có thể trở thành một ngân hàng mạnh, nếu không có sự biến đổi về chất trong năng lực quản trị, điều hành. Nhưng cũng rất khó để một ngân hàng mạnh tự nguyện “gánh vác” một ngân hàng yếu.

 

Vậy theo ông nên làm thế nào?

Nhất thiết NHNN phải tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua bán các ngân hàng yếu kém thì quá trình này mới đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi chỉ có NHNN mới hiểu rõ nhất những ngân hàng yếu kém như thế nào và cần phải sáp nhập với ngân hàng nào, sau quá trình sáp nhập cần phải làm gì để mạnh lên. Với những ngân hàng quá yếu, đến mức không một đối tác nào muốn thâu tóm, thì NHNN phải đứng ra mua lại. Sau khi cơ cấu lại để những ngân hàng này lành mạnh hơn sẽ bán lại cho ngân hàng, nhà đầu tư khác.

 

Tại sao phải làm như vậy? Phải chăng vì Nhà nước đã cam kết trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ “không để một người dân nào mất tiền” hay “không để một ngân hàng nào đổ vỡ”?

Đúng là như vậy. Việc không để người dân mất tiền hay không để ngân hàng đổ vỡ chỉ là chuyện câu chữ, bản chất cuối cùng vẫn là không để người dân nào mất tiền. Nhà nước đã cam kết không để ngân hàng nào sụp đổ, tức là đảm bảo tiền gửi sẽ hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền, thì Nhà nước phải lĩnh trách nhiệm mua lại.

Nhưng theo tôi, nói “không để người dân nào mất tiền” thì hay hơn, vì khi nói “không để ngân hàng nào đổ vỡ” là tạo kỳ vọng rằng, một ngân hàng dù làm ăn thế nào cũng được Nhà nước đỡ. Như thế là một cách làm không công bằng, sẽ tạo ra những hệ lụy, rủi ro đạo đức trong tương lai.

 

Cũng có nhiều ý kiến nhận xét, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang tập trung vào NHTMCP, mà lơi lỏng NHTM quốc doanh?

Thứ nhất, vấn đề tái cấu trúc NHTM quốc doanh đã được xem là một phần quan trọng trong đề án tái cấu trúc. Đứng về mặt nội dung trên văn bản thì không có chuyện lơ là. Trong phần phân tích hiện trạng khi soạn thảo đề án cũng phân tích rất rõ những nguyên nhân dẫn đến yếu kém của các NHTM quốc doanh. Tuy nhiên, hiện ngoại trừ MHB, những NHTM quốc doanh khác đều có quy mô rất lớn, có mạng lưới giao dịch và cơ sở tiền gửi rất rộng, nên cho dù yếu kém nhưng thanh khoản vẫn được đảm bảo. Chính vì thế, sức ép để tái cấu trúc các ngân hàng này ngay là chưa lớn so với khối NHTMCP, những ngân hàng yếu kém đều nằm trong khối này.

Thứ hai, hiện hầu hết DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty là khách hàng của các NHTM quốc doanh. Dư nợ của khối này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ của các NHTM quốc doanh. Vì vậy, việc tái cấu trúc các NHTM quốc doanh không thể tách rời quá trình tái cấu trúc DNNN và đầu tư công.

Một điểm nữa cũng rất quan trọng trước khi tái cơ cấu các NHTM quốc doanh là phải thay đổi quan điểm xem các ngân hàng này là cơ quan tài chính thứ hai của Chính phủ. Hiện tại, mặc dù mang danh là NHTM, song tính thương mại của các NHTM quốc doanh là không đầy đủ, khi phần nào đó vẫn phải thực hiện hoạt động cho vay và đầu tư theo chỉ định đối với các dự án của Nhà nước hay được các cơ quan nhà nước bảo trợ.

Tóm lại, việc tái cấu trúc các NHTM quốc doanh phải giải quyết được 3 vấn đề. Một là, các NHTM quốc doanh không còn là cơ quan tài chính của Chính phủ, không chỉ trên giấy tờ, mà là thực chất. Hai là, làm rõ đại diện vốn chủ sở hữu trong các NHTM quốc doanh là như thế nào, trách nhiệm giải trình ra sao? Ba là, gắn kết tái cơ cấu NHTM quốc doanh với tái cơ cấu DNNN và đầu tư công.