NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các NHTM trước, trong và sau Tết đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, nhưng không chi các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Tuy nhiên, khảo sát của ĐTCK tại khu vực chùa Hà và Phủ Tây Hồ (Hà Nội), lượng tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống rất nhiều. Với số lượng đông đảo các quầy đổi tiền lẻ ở đây thì “khách cần bao nhiêu, đáp ứng đủ bấy nhiêu”. Mệnh giá tiền đổi được người dân quan tâm nhất đó là 500 đồng, với mức 10 “ăn” 5 (khách trả 100.000 đồng để lấy 1 “tép” 500 đồng mới, trị giá 50.000 đồng).
Thực tế, NHNN đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý, đúng chức năng khi tham gia lễ hội, đền, chùa...
Thậm chí, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với các đơn vị tại địa phương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, Công an, nếu cần thiết đề nghị thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và xử lý nghiêm (theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ) các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích đền, chùa, lễ hội, hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ, đến văn hóa và hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.
Tuy vậy, với khảo sát tại các địa điểm trên cho thấy, việc thay đổi thói quen khó có thể sớm trong ngày một, ngày hai…
Với số lượng đông đảo các quầy đổi tiền lẻ thì khách cần bao nhiêu, đáp ứng đủ bấy nhiêu
Các quầy bán hoa quả, vàng mã thường kèm dịch vụ đổi tiền lẻ
Tỷ lệ đổi tiền có thể chỉ là 10 “ăn” 5
Các quầy dịch vụ đổi tiền lẻ xuất hiện khắp nơi
Một khách nữ đang phân vân đổi tiền vì thấy quá thiệt
Các quầy bán vật phẩm cầu may ngày Tết cũng thường có dịch vụ đổi tiền lẻ