Đây là những nội dung chính được các Bộ trưởng ASEAN và đại diện thương mại Hoa Kỳ thống nhất tại buổi đối thoại trực tuyến với các đối tác ngoại khối, bao gồm Hoa Kỳ diễn ra ngày 27/8 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52).
Buổi đối thoại do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đồng chủ trì theo hình thức trực tuyến.
Tại buổi đối thoại, các Bộ trưởng ghi nhận, tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Hoa Kỳ đã tăng trưởng 12% trong năm 2019.
Theo thống kê từ phía ASEAN, thương mại hai chiều giữa đạt 294,6 nghìn tỷ USD, trong khi FDI từ Hoa Kỳ vào ASEAN đạt 24,5 nghìn tỷ USD. Những con số này đã đưa Hoa Kỳ lên hàng thứ 2 trong số các đối tác thương mại của ASEAN và là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong các đối tác đầu tư của ASEAN trong năm 2019.
Các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển quan trọng trong quá trình triển khai Thỏa thuận Khung về thương mại và đầu tư giai đoạn 2019-2020 giữa ASEAN và Hoa Kỳ (TIFA) và Kế hoạch Hành động thực hiện Sáng kiến Hợp tác Thương mại mở rộng (E3) giữa hai Bên.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh những kế hoạch hợp tác nhằm tiếp tục triển khai nội hàm của Sáng kiến này trong giai đoạn 2020 – 2021, tập trung vào một số nội dung như: Thương mại số, các Thông lệ tốt về cải tổ cơ chế chính sách và minh bạch hóa, thương mại và môi trường, thuận lợi hóa thương mại, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, nông nghiệp...
Các Bộ trưởng hoan nghênh đề xuất tổ chức Đối thoại Hoa Kỳ - ASEAN về quyền lao động và thương mại trong năm 2020 nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và trao đổi quan điểm về vấn đề quyền lao động trong các hiệp định thương mại tự do.
Buổi đối thoại này được coi là hoạt động tiếp nối cuộc Đối thoại Cấp cao ASEAN về các vấn đề Lao động và Môi trường trong Hiệp định thương mại tự do được Ban Thư ký ASEAN tổ chức vào ngày 15-16/8/2019.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực như sáng tạo, thương mại điện tử...
Các Bộ trưởng của hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về đại dịch Covid-19, đại dịch thực sự có ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân cũng như sự tăng trưởng kinh tế khắp nơi trên thế giới; đặc biệt, các ngành du lịch, vận tải, sản xuất, bán lẻ và các ngành dịch vụ khác là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất; hơn nữa, các ngành cung ứng và thị trường tài chính cũng không tránh khỏi bị tác động một cách tiêu cực từ đại dịch.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch và duy trì luồng chu chuyển của hàng hóa và dịch vụ giữa hai Bên. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ cố gắng không áp dụng các biện pháp hạn chế luồng chu chuyển của các hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả các biện pháp phi thuế quan nhằm giải quyết những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại.
Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm đẩy mạnh khả năng phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid 19.
Các Bộ trưởng đánh giá cao việc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh Báo cáo Thương mại điện tử của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và ghi nhận các sáng kiến đề xuất được nêu trong báo cáo nhằm giúp các nước ASEAN phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử cũng như cho phép các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra xuyên suốt.