Những câu hỏi liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động ngành giao thông ngày thêm gay gắt

Những câu hỏi liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động ngành giao thông ngày thêm gay gắt

Đói, no đời sống công nhân ngành giao thông

Nỗi lo cơm áo, việc làm đối với nhiều cán bộ, công nhân ngành giao thông - vận tải lại thêm trĩu nặng trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Gắng… qua đợt này!

Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) buồn bã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về công ăn việc làm, chế độ thưởng tết cho 178 cán bộ kỹ sư đang công tác tại đơn vị từng là chốn mơ ước của các sinh viên giỏi Khoa Công trình Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) hay Đại học Xây dựng.

Từ gần 10 năm nay, khi dòng vốn đầu tư công ngày một hạn hẹp, nhiều dự án lớn được phân quyền cho các địa phương trực tiếp quản lý cũng là lúc các PMU thuộc Bộ GTVT vốn là những đơn vị sự nghiệp có thu, sống bằng nguồn phí quản lý dự án bắt đầu lao dốc. Từng sắm vai “siêu quyền lực” tại các dự án hạ tầng hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng giờ đây, phần lớn các PMU rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Một lãnh đạo ngành giao thông cho biết: “Các PMU tình cảnh đều giống nhau, chẳng qua ai “lương khô” còn nhiều thì đỡ vất vả”.

Đối với PMU2, tiền thân là PMU18 lừng lẫy một thời đang là cái “rốn” khó khăn trong số 13 đơn vị quản lý dự án chuyên nghiệp lớn, nhỏ trong ngành GTVT. Từ gấp hai lần lương cơ bản vào năm 2012, rồi xuống một lần vào năm 2016, thu nhập hàng tháng của người lao động tại PMU2 trong năm 2018 chỉ được tạm ứng 50% lương cơ bản. Thậm chí, từ đầu năm 2018 đến nay, một số cán bộ tại các phòng vãn việc tại PMU2 được động viên nghỉ không lương.

Một trưởng phòng thâm niên 25 năm công tác tại PMU2 cho biết, thu nhập hàng tháng của anh chỉ đủ ăn sáng và xăng xe đi làm. Mọi khoản chi trả trong giai đình, kể cả số tiền đóng học cho con từ nhiều năm nay trông cậy cả vào khoản thu nhập của vợ. Được biết, trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, lãnh đạo PMU2 đang xoay trở các nguồn để có thể trả 50% lương cơ bản còn lại cho cán bộ, công nhân viên và cố gắng thưởng 1 triệu đồng/người tiền Tết Âm lịch.

“Chúng tôi cố gắng động viên mọi người đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Sơn cho biết.

Theo Công đoàn GTVT Việt Nam, trong năm 2018, người lao động tại các cơ quan hành chính trong Bộ GTVT, các PMU; các viện, trường… đều phải “thắt lưng buộc bụng” với khoản thu nhập bình quân khoảng 6,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, ngoài số ít đơn vị có thu nhập của người lao động được cho là cao như Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ GTVT, PMU Hồ Chí Minh đạt từ 7,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng… các đơn vị còn lại cũng chỉ từ 4,2 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tết này, ngay cả khối cơ quan Bộ, dù lãnh đạo Bộ đã  rất cố gắng, nhưng gần 300 lao động tại đây, mỗi người cũng chỉ nhận được khoảng 5 triệu đồng cho khoản “đầy kỳ vọng” là tiền thưởng Tết Âm lịch.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; duy tu, sửa chữa đường bộ; công nghiệp giao thông - lĩnh vực vốn đã gặp nhiều khó khăn, những câu hỏi liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động ngày một thêm gay gắt.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Công đoàn GTVT cho thấy, trong năm 2018, thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối chỉ đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó “đáy” rơi vào những doanh nghiệp sửa chữa đường bộ với mức lương bình quân chỉ đạt vỏn vẹn 4,8 triệu đồng/người.

Tại thời điểm giữa tháng 1/2019, hầu hết các đơn vị trong khối này mới trả lương đến tháng 10/2018, tạm ứng lương đến tháng 11/2018. Một số đơn vị chỉ trả được lương đến tháng 8/2018, thậm chí nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài gây khó khăn cho người lao động như Công ty Xây dựng 123, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121, Công ty cổ phần Cầu 12, Công ty cổ phần Cầu 14 (đều thuộc Cienco1); Công ty cổ phần 504, 505, 507, 508 (thuộc Cienco5); Công ty Vật tư và xây dựng công trình, Công ty 810, 820, 838 (thuộc Cienco8); Công ty cổ phần xây dựng số 8, số 10 (Tổng công ty Thăng Long).

Ngay cả đơn vị có tiếng là “khỏe mạnh” như Tập đoàn Cienco4, thưởng Tết năm 2019 cũng là vấn đề lớn, do hàng loạt công nợ khối lượng lớn, trong đó có Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trị giá hàng trăm tỷ đồng bị chủ đầu tư chậm thanh toán.

Cùng lo Tết cho công nhân

Trong số các đơn vị khối công nghiệp ngành GTVT bị “giáp hạt” việc làm nặng nề nhất trong năm 2018 có lẽ là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Theo ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC, trong bối cảnh thị trường đóng tàu còn khó khăn, khi tiềm lực tài chính, uy tín của SBIC bị bào mòn trong thời gian qua khiến công tác xúc tiến sản phẩm của SBIC năm qua không đạt như kỳ vọng với số lượng hợp đồng ký mới đạt thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2018, SBIC chỉ ký được 74 sản phẩm, với giá trị khoảng 1.682 tỷ đồng để lại nhiều nỗi âu lo cho lãnh đạo đơn vị.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của SBIC trong năm 2018 cũng là một bức tranh với nhiều gam màu tối khi tổng doanh thu toàn tổng công ty chỉ đạt 2.887 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm 2018; lợi nhuận trước thuế là âm 3.624,5 tỷ đồng (chủ yếu là khoản lỗ do chi phí tài chính gồm lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá). Cần phải nói thêm rằng, so với năm 2018, tổng số lao động của SBIC chỉ còn 6.328 người, giảm 1.158 người so với năm 2017, nhưng không vì thế mà thu nhập của người lao động khấm khá hơn bởi mức lương bình quân của SBIC cũng chỉ đạt 7,79 triệu đồng/tháng, không đạt kế hoạch đề ra (8,05 triệu đồng).

Đối với khối các doanh nghiệp đang nằm chờ tái cơ cấu như cổ phần hóa, phá sản, giải thể của SBIC, khó khăn lại càng chồng chất. Tại một số đơn vị, người lao động đi làm trong thời gian dài 1 đến 2 năm nhưng chưa nhận được bất kỳ đồng lương nào dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn và bế tắc. Đặc biệt, do doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội khiến người lao động khi ốm đau không được hưởng chính sách bảo hiểm ngắn hạn và bảo hiểm y tế như quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, năm 2019 tiếp tục là một năm khó khăn với SBIC khi thị trường đóng tàu vẫn chưa khởi sắc. Trong khi đó, SBIC vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, với những thay đổi về nhân sự, thậm chí thiếu cả lãnh đạo cao nhất của đơn vị do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan.

“Năm 2019 thậm chí còn khó khăn hơn những năm trước, nhưng tôi tin tưởng, ngành đóng tàu có cơ hội vượt qua, bởi tôi vẫn còn nhìn thấy những cán bộ, công nhân say nghề, bám trụ với nghề, với tàu. Do đó, lãnh đạo công ty mẹ cũng như các đơn vị thành viên SBIC đặt ra chỉ tiêu và giao kế hoạch phải sát với thực tế, cố gắng tìm kiếm việc làm, chia sẻ việc làm để duy trì công việc, thu nhập cho người lao động”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo.

Được biết, đây cũng là thông điệp chung được đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch Công đoàn GTVT đưa ra hồi cuối năm 2018. Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp chủ động phối hợp với công đoàn đồng cấp tổ chức chăm lo tốt đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

"Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung thanh toán tiền lương, tiền thưởng hết năm 2018, thanh toán và tạm ứng tiền lương những tháng đầu năm 2019 cho công nhân viên chức, lao động trước khi về nghỉ Tết Nguyên đán. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp có lực lượng thường trực làm việc tại các dự án, công trình, trực đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết, cần có kế hoạch kiểm tra, thăm hỏi, động viên, chúc Tết công nhân viên chức, lao động, tổ chức đón Tết trên công trường đảm bảo ấm cúng, tiết kiệm", lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Tin bài liên quan