Câu chuyện của Minh Phú không chỉ gây chú ý đối với doanh nghiệp và truyền thông trong nước, mà tại Mỹ, đại diện các nhóm quyền lợi khác nhau cũng quan tâm đến vấn đề này. Trên mục The Winding Glass là một cột ý kiến và bình luận của Seafood News - tờ tin tức về ngành thủy sản được đọc nhiều nhất ở Bắc Mỹ, đã có bài bình luận sau sự kiện "Vua tôm" Việt bị cáo buộc né thuế tại Mỹ do John Sackton, người sáng lập Seafood News viết.
Theo vị này, sau các cáo buộc tôm nhập khẩu nhiễm kháng sinh trước đây, các nhà nhập khẩu đã tìm thấy và hợp tác với một số nhà máy chế biến tôm sạch và hiện đại tại một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan...
Các nhà nhập khẩu bắt buộc phải tham gia vào chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu của Hoa Kỳ (SHIMP). Chương trình này yêu cầu truy xuất nguồn gốc đầy đủ trên sản phẩm có nguồn gốc và một loạt thông tin khác về tất cả các sản phẩm tôm được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Đối với một nhà xuất khẩu lớn có cam kết với những người mua tôm lớn nhất Hoa Kỳ, ý tưởng rằng, họ sẽ làm sai lệch hoặc đánh lừa SHIMP, khiến thông tin tại đây trở nên không đáng tin cậy.
Số liệu nhập khẩu tôm mới nhất của Mỹ cho thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Mỹ tăng 14,4%, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm 7,3%. Không có số liệu thống kê thương mại cho thấy, sự gia tăng thương mại tôm với Ấn Độ có nghĩa là tôm Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.
Vấn đề lớn hơn là các cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế đã làm tổn thương ngành thủy sản Hoa Kỳ, khiến cho tất cả các loại hải sản, bao gồm tôm, đắt hơn cho người tiêu dùng Mỹ, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng và chuỗi cung ứng cũng trở nên phức tạp hơn. Theo bài báo này, ngành tôm nước Mỹ chỉ cung cấp khoảng 10% nhu cầu quốc nội, nên nếu có thể tăng chí phí cho đối thủ cạnh tranh thì sẽ có lợi cho các công ty trong nước.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết, ông lo lắng sau thông tin trên, bởi nếu có một cuộc điều tra từ phía Mỹ thì Minh Phú phải lo chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để trả lời - một công việc vốn gây nhiều áp lực. Mặt khác, ông Quang cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn đặt hàng của Minh Phú, vì họ tin tưởng Công ty sẽ vượt qua được các cuộc điều tra nếu có.
Thực tế, ông Quang đã nhiều lần chia sẻ về hệ thống phần mềm mà Minh Phú đang áp dụng. Hệ thống này cho phép các cơ quản lý của Mỹ truy cập để tìm hiểu xuất xứ và các thông tin khác liên quan đến các lô hàng nhập khẩu, nên việc Minh Phú nhập khẩu tôm Ấn Độ chiếm 10% nguyên liệu đầu vào để sản xuất thời điểm trái vụ là bình thường.
Câu chuyện của Minh Phú, một doanh nghiệp đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ cho thấy, thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, Minh Phú đã tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng phân phối tại thị trường nội địa, song rủi ro vẫn hiện hữu. Đó là câu chuyện mà doanh nghiệp phải chấp nhận trong thương mại quốc tế và cũng là rủi ro mà nhà đầu tư cần quan tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chiếm chủ đạo - là những ngành đã và đang “hot” như tôn thép, dệt may...
Đối với ngành tôn thép, những doanh nghiệp xuất khẩu tôn chiếm 50% doanh thu như Hoa Sen hay Nam Kim đang gặp khó khăn bởi công suất lớn, nhưng thị trường bị thu hẹp do nhiều nước châu Á dựng hàng rào thuế quan đối với tôn Việt Nam. Chẳng hạn, doanh thu xuất khẩu của Tôn Đại Thiên Lộc tại thị trường châu Á đã giảm từ 93% trong năm 2017 về 63% như hiện nay.
Chưa hết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tiềm ẩn nguy cơ với các nhà sản xuất không có thương hiệu mạnh ở nội địa. Mới đây, một tập đoàn lớn của Trung Quốc đã khởi công một nhà máy cán nóng công suất lớn tại Indonesia, một trong những nước được miễn thuế nhập khẩu vào Việt Nam. Khi nhà máy này hoàn thành, ngành tôn Việt Nam sẽ bị đe dọa ngay ở trong nước bởi hàng nhập khẩu giá rẻ được nhập về.
Hiện nay, giá thép xây dựng trong nước không những không tăng, mà còn giảm, trong khi giá quặng sắt tăng, một phần là do áp lực hàng nhập khẩu. Lượng phôi thép giá cạnh tranh được nhập khẩu từ Indonesia do nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.
Xu hướng dịch chuyển đầu tư cũng tạo ra nguy cơ với doanh nghiệp dệt may không chỉ ở góc độ cạnh tranh. Đại diện CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho biết, nếu quản lý xuất xứ hàng hóa không tốt thì doanh nghiệp dệt may sẽ bị liên lụy trên con đường vào thị trường Mỹ, nhưng rủi ro này doanh nghiệp khó có thể chủ động phòng ngừa. Bởi vậy, việc nhà đầu tư "bỗng nhiên bị đau tim" vì tin tức đến từ thị trường nước ngoài như câu chuyện của Minh Phú sẽ lại tiếp diễn.