1. Đầu năm 2012, dư luận xôn xao trước thông tin nhiều hộ nuôi cá giăng biểu ngữ đòi doanh nhân Diệu Hiền và Công ty Thủy sản Bình An phải thanh toán các khoản nợ mua cá hàng trăm tỷ đồng. Thông tin một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thủy sản rơi vào tình trạng mất khả năng kiểm soát dòng tiền đã khiến không ít người bất ngờ.
Những tin tức tiếp theo đó cho thấy doanh nghiệp này đang gánh những khoản nợ có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng. Những người nông dân, chủ nợ của Công ty tố cáo bà Diệu Hiền lừa đảo, nhất là chỉ trước đó không lâu, bà tổ chức đám cưới linh đình cho con trai với dàn siêu xe đón dâu kéo dài cả ki lô mét. Thời điểm đó, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm pháp lý của bà Diệu Hiền.
Có thể nói, trên bước đường kinh doanh, có rất nhiều rủi ro có thể xảy đến với doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro pháp lý.
May thay, một ngân hàng chủ nợ đã quyết định tham gia vào cuộc tái cấu trúc Thủy sản Bình An, bơm vốn cho Công ty trả nợ và vực dậy tình hình sản xuất – kinh doanh. Rút chân ra khỏi doanh nghiệp mà một đời tâm huyết gây dựng, về dưỡng bệnh và vui thú điền viên, bà Diệu Hiền phần nào được nhẹ nhõm khi có người đưa vai đỡ gánh cho mình trong lúc cam go nhất. Đến nay, sau mấy năm tái cấu trúc, Thủy sản Bình An về cơ bản đã ổn định hoạt động...
Thương trường khắc nghiệt, một doanh nghiệp ăn nên làm ra hôm qua có thể đứng bên bờ vực đổ vỡ hôm nay nếu người đứng đầu có quyết sách kinh doanh sai lầm hoặc lĩnh vực kinh doanh gặp khó. Khi đó, người đứng đầu ngoài trách nhiệm kinh tế, có thể sẽ còn phải đứng trước trách nhiệm pháp lý. Không phải doanh nhân nào cũng có may mắn thoát khỏi áp lực nợ nần như cựu Chủ tịch Thủy sản Bình An.
2. Mới đây, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các giao dịch vay vốn giữa CTCP Tập đoàn Vina Megastar và một ngân hàng.
Theo cáo buộc ban đầu, Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Vina Megastar đã móc nối với giám đốc các công ty thành viên của tập đoàn này và thông đồng với giám đốc và nhân viên chi nhánh ngân hàng ký hợp đồng mua bán sắt thép khống để thế chấp vay vốn rồi chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của ngân hàng.
Tuy nhiên, tiến trình xét xử vụ án, luật sư Hoàng Văn Hướng, tham gia bào chữa cho một số bị cáo đã trình tòa các tài liệu cho thấy, mặc dù có chuyện ký hợp đồng khống mua bán sắt thép, song sau đó, Nguyễn Hoàng Long và một bị cáo khác đã bổ sung tài sản bảo đảm trước khi hợp đồng tín dụng hết hạn và phía ngân hàng có đơn thư tố cáo ra cơ quan điều tra.
Vụ án vẫn còn trong giai đoạn xét xử, nhưng rủi ro đảo nợ là rủi ro hiện hữu với rất nhiều doanh nghiệp. Không ít vụ án, các giám đốc doanh nghiệp bị truy tố bởi hành vi đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng các hợp đồng kinh tế giả, chứng từ giả để hợp thức. Sau đó, ngân hàng đã giải ngân, tiền được sử dụng trả cho khoản vay trước đó, vốn có hồ sơ trung thực, đúng với thực tế hoạt động kinh doanh. Đến khi không trả được nợ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xem xét điều tra thì hồ sơ vay vốn rõ ràng là hồ sơ ngụy tạo, không có thật.
Theo dõi nhiều phiên xử vụ án kinh tế, người viết được chứng kiến cảnh nhiều bị cáo từng là chủ doanh nghiệp trần tình với hội đồng xét xử rằng, họ không hề có ý định lừa đảo ngân hàng. Chỉ vì đến hạn trả nợ, vì không muốn doanh nghiệp bị đánh tụt hạng tín dụng và vì bản thân cán bộ ngân hàng không muốn bị nợ xấu, nên họ mới làm hồ sơ khống để vay vốn, tiền giải ngân xong lại quay về chính ngân hàng.
Luật sư Bùi Thị Mai (Công ty Luật Basico) nhìn nhận, thực chất các khoản vay này nhằm mục đích đảo nợ. Tức là khi khoản vay cũ đến hạn, doanh nghiệp không có nguồn trả nợ. Để khoản nợ không bị đẩy xuống nhóm 2, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều mong muốn giải ngân khế ước mới để trả nợ cũ. Khi thiệt hại xảy ra thì chủ doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng đều có nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự.
Có thể nói, trên bước đường kinh doanh, có rất nhiều rủi ro có thể xảy đến với doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro pháp lý. Ai cũng biết điều này, ai cũng sợ hãi nguy cơ phải đối mặt với các cơ quan tố tụng, với trách nhiệm hình sự. Nhưng không phải lúc nào, họ cũng lựa chọn được con đường đúng đắn và may mắn.
3. Nghề kinh doanh không trải đầy hoa hồng, chắc chắn là như vậy. Và cái giá phải trả cho những doanh nhân kiếm tiền nhanh chóng bằng những thủ đoạn phi pháp không bao giờ là rẻ. Câu chuyện của doanh nhân Châu Thị Thu Nga là một ví dụ.
Năm 2015, bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó, bà Nga là cổ đông nắm quyền chi phối và điều hành Housing Group, đơn vị đang tham gia liên doanh để đầu tư thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn. Kết quả điều tra cho thấy, dự án này đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì bà Nga, với tư cách đại diện Housing Group đã huy động hàng trăm tỷ đồng của khách hàng. Nhưng sau đó, nhiều năm, dự án vẫn không triển khai được.
Đến nay, cơ quan công tố đã ban hành cáo trạng, nhưng vụ án chưa được đưa xét xử. Dù vậy, tại phiên tòa xét xử vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra ở Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC)”, bà Nga vẫn bị triệu tập. Thực chất, Công ty HAIC mới là chủ đầu tư của Dự án B5 Cầu Diễn, giữa HAIC và Housing Group có thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án này.
Tại các phiên tòa xét xử vụ án nói trên, bà Nga thừa nhận có việc huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện. Việc huy động vốn khi dự án chưa có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, chưa xây dựng xong phần móng của nhà ở là việc “ai cũng làm”.
Quả là có thời “ai cũng làm” như vậy, việc chủ đầu tư huy động vốn khi dự án chưa xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư không hiếm. Vấn đề là dự án có triển khai được không, có nhà để bàn giao cho khách hàng hay không. Nếu không thể đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì chắc chắn câu chuyện trách nhiệm không dễ thoái thác.