Đội bóng, món đồ chơi đắt đỏ của người giàu

Đội bóng, món đồ chơi đắt đỏ của người giàu

(ĐTCK) Giới tài chính giật mình trước thông tin hai nhà tài phiệt Magic Johnson và Mark Walter cùng với một nhóm cộng sự bỏ ra 2,15 tỷ USD để mua đội bóng chày Los Angeles Dodgers.

Mức giá này cao gấp đôi kỷ lục được lập trước đó về giá của một đội thể thao chuyên nghiệp Mỹ, do đội bóng Miami Dolphins lập ra với giá bán 1,1 tỷ USD hồi năm 2009.

Người ta hỏi nhau: làm thế nào để nhóm cá nhân này có thể đủ tiền để chi ra hơn 2 tỷ USD tiền mặt. Thực tế, ngoài Magic đã quá nổi tiếng trong ngành tài chính, cùng với Mark Walter và hãng đầu tư của mình là Guggenheim Partners cũng là cái tên lớn trong ngành, thì những người còn lại là những nhân vật hết sức mờ nhạt trong cả lĩnh vực thể thao lẫn trên phố Wall.

Câu trả lời đơn giản là họ không thể - ít nhất là tự họ - bỏ tiền túi của mình ra để trả cho thương vụ này.

Sự thực là cùng với khoản tiền túi, Walter dự định dùng tiền của các đơn vị thành viên của Guggenheim, gồm các công ty bảo hiểm, để trả phần lớn số tiền mua Dodgers. Guggenheim hiện đang sở hữu chi phối Công ty Bảo hiểm nhân thọ Guggenheim Life và Security Benefit với số tiền quản lý lên tới khoảng 30 tỷ USD, cùng một số đơn vị khác nữa.

Dùng tiền bảo hiểm - loại tiền hầu như chỉ dùng để đầu tư vào các tài sản đơn giản và an toàn - để mua một đội bóng chày, thú chơi xa xỉ của các đại gia, thì có vẻ là một vấn đề lớn về cả mặt pháp lý. Mặc dù Walters đã khá cởi mở chia sẻ về việc ông sẽ dùng tiền của các đơn vị trong Guggenheim, nhưng lại không tiết lộ xem từng cá nhân trong nhóm thực hiện thương vụ này chi ra bao nhiêu tiền.

Vụ giao dịch có vẻ càng khó hiểu hơn khi ngẫm về những lời mà Walter đã phát biểu cách đây hai tuần: “Tôi không muốn tính toán khoản lãi đầu tư vào Dodgers. Tôi muốn thiết lập một mối quan hệ đa hệ có thể làm thay đổi cuộc đời tôi, cuộc đời của Magic, của các cháu Magic và cuộc đời của tất cả chúng tôi”.

Nhưng nói thẳng vào vấn đề, rõ ràng là Walter đang định đổ tiền của những chủ hợp đồng bảo hiểm vào một đội bóng chày. Người ta nói Walter đang chi tiền một cách điên cuồng cho đội bóng.

Giám đốc lâu năm của một ngân hàng, vốn cũng định mua lại Dodgers nhận xét: “Chúng tôi đã tính toán. Mức giá đó không có ý nghĩa gì cả, trừ khi bạn muốn trở thành vua của Los Angeles ”.

Trước kia, cũng có rất nhiều công ty bảo hiểm dùng tiền phí để đầu tư vào các khoản đầu tư góp vốn và các thương vụ mua bán bất động sản, một phần trong số các khoản đầu tư đó mang tính đầu cơ. Miễn là công ty bảo hiểm đạt mức vốn tối thiểu theo một loạt quy định ngặt nghèo đối với ngành bảo hiểm của cơ quan quản lý thì họ không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, hiếm khi một công ty bảo hiểm - thậm chí là một hãng đầu tư - mua lại một đội bóng mà dùng tiền của các khách hàng bảo hiểm hoặc của nhà đầu tư. Khi Tom Hicks, người sáng lập ra hãng đầu tư góp vốn cổ phần Hicks Muse, Tate & Furst, mua Texas Rangers vào năm 1998, ông đã nhận thức rất rõ về việc không được dùng tiền của các khách hàng đầu tư. Ông đã huy động tiền góp của các nhà đầu tư bên ngoài và sau đó, khi đội bóng phá sản, ông cũng đã phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nhóm nhà đầu tư này.

Cho đến giờ, Walter và Guggenheim chưa bình luận gì nhiều về thương vụ, cũng chưa tiết lộ điều gì công khai về quan hệ sở hữu đối với đội bóng. Nhóm nhà đầu tư này mua lại đội bóng từ Frank McCourt, sau khi hãng này gặp khó khăn về mặt tài chính. Trong hồ sơ gửi tới cơ quan pháp lý, không một chi tiết tài chính nào về việc bán đội bóng được nêu ra, trừ việc các khoản thanh toán sẽ được thực hiện bằng tiền mặt.

Guggenheim Partners bắt đầu hoạt động từ năm 2000, quản lý số tài sản khoảng 125 tỷ USD cho những khách hàng rất giàu có. Dưới sự điều hành của Walter, Hãng đã vươn cả sang cả lĩnh vực bảo hiểm.

Những người trong cuộc có quan hệ mật thiết với Guggenheim lại đánh giá khá lạc quan về thương vụ. Họ nói đây là một thương vụ rất tốt, rất đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư, với các chủ hợp đồng bảo hiểm và các nhà đầu tư nên bình tĩnh để đợi kết quả.

Một người trong số đó đã so sánh thương vụ với việc MetLife đã từng chi 400 triệu USD để mua quyền được nêu tên ở Sân vận động Giants Stadium. “Đây là một thương vụ tốt hơn thế rất nhiều”, người này nhận xét. “Trong trường hợp của MetLife, họ không sở hữu gì cả”.

Trả một số tiền kỷ lục để mua một đội bóng chuyên nghiệp đang là mốt của nhiều nhà tài phiệt. Nhưng người ta nói rằng, khi những người giàu muốn mua món đồ chơi xa xỉ của họ, họ nên bỏ tiền túi ra thì hơn.