Dốc Lết và chuyện gia hạn thực hiện quyền mua

Dốc Lết và chuyện gia hạn thực hiện quyền mua

(ĐTCK) TTCK gặp khó khăn, việc gia hạn thời gian thực hiện quyền mua cổ phần không quá xa lạ. Nhưng, có những cách gia hạn phải đặt dấu hỏi về tính pháp lý như tại CTCP Du lịch Dốc Lết.

Hết thời gian thì… xin chậm

Ngày 11/9/2013, CTCP Du lịch Dốc Lết đã có văn bản công bố thông tin về việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Theo phương án này, cổ đông sở hữu một cổ phần sẽ tương ứng được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới, với mức giá 14.200 đồng/cổ phần. Ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền mua cổ phần là 16/9/2013, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua là 21/10/2013.

Mục đích của việc huy động vốn là đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu du lịch Dốc Lết hiện hữu, với cơ cấu vốn bao gồm 30% vốn từ có (gồm nguồn vốn phát hành cổ phiếu và vốn khác), 70% là vốn vay ngân hàng.

Trước đó, Nghị quyết HĐQT của Dốc Lết ngày 6/9/2013 ghi rõ: “thời hạn đăng ký nộp tiền mua cổ phiếu là từ ngày 17/10 đến 21/10 (hạn chót là 17 giờ ngày 21/10/2013). Sau thời hạn trên, cổ đông không đăng ký nộp tiền mua cổ phiếu tăng thêm thì coi như cổ đông đó đã bỏ quyền mua”.

Cổ đông lớn của Dốc Lết là Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa, sở hữu 51% vốn của Dốc Lết không thực hiện quyền mua cổ phần tại đây, và thực hiện bán đấu giá quyền mua cổ phần mới qua CTCP Chứng khoán Bảo Việt. Người trúng đấu giá toàn bộ quyền mua đấu giá là bà Nguyễn Thị Kim Phượng, đã hoàn thành toàn bộ thủ tục mua quyền mua, nhưng đến ngày nộp tiền mua cổ phần thì phát sinh vấn đề.

Theo đó, để thực hiện đầy đủ số quyền mua cổ phần của mình, bà Phượng lẽ ra phải nộp gần 14,5 tỷ đồng cho phía Dốc Lết, nhưng hết thời hạn thực hiện quyền mua, bà Phượng chỉ nộp vào 1 tỷ đồng và sau đó là 1 đơn xin gia hạn thời gian thực hiện quyền đến 31/10/2013, trong khi các cổ đông còn lại đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Việc mua chậm này được sự ủng hộ của cổ đông lớn, là Du lịch Khánh Hòa, đơn vị đã bán quyền mua cho bà Phượng, nhưng vấp phải sự phản đối của các cổ đông còn lại, do cho rằng, quyết định này vi phạm những quy định đã đề ra, và gây bất bình đẳng giữa các cổ đông.

Theo một số cổ đông, việc kéo dài thời gian thực hiện quyền của NĐT Phượng, trước hết vi phạm nguyên tắc thực hiện quyền mua phát hành cổ phần đã được các cổ đông thông qua từ trước đó, tức là, đến hết 17 giờ ngày 21/10/2013, người có quyền mua cổ phần không nộp tiền thì coi như mất quyền.

Điều thứ hai là bất bình đẳng giữa các cổ đông do mức độ tuân thủ khác nhau, dẫn đến thời hạn nộp tiền khác nhau. Các cổ đông khác cho rằng, nếu muốn kéo dài thời gian thực hiện quyền, thì HĐQT của Dốc Lết phải được biết và thực hiện gia hạn trước khi kết thúc đợt chào mua, như thông lệ chung của các DN niêm yết.

Điểm thứ ba là, việc Du lịch Khánh Hòa, đơn vị trong trường hợp này, là có liên quan đến bà Phượng, vì đã chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho NĐT này, lẽ ra không được tham gia biểu quyết việc gia hạn thời gian thực hiện quyền cho bà Phượng, kể cả trong trường hợp việc gia hạn này diễn ra trước ngày 21/10/2013 và hợp pháp.

Dấu hỏi về lùi thời gian thực hiện quyền mua cổ phần

Trong trường hợp Dốc Lết gặp khó khăn về huy động vốn, thì việc linh hoạt kéo dài thời gian mua cổ phần của NĐT có thể sẽ gặp đồng thuận chung của các cổ đông. Nhưng, ở đây lại khác. Các văn bản của Dốc Lết liên quan đến đợt chào bán này cũng ghi rõ, HĐQT được ủy quyền phân phối số cổ phần cổ đông không thực hiện hết quyền, trên cơ sở ưu tiên cổ đông hiện hữu, với giá bán không thấp hơn giá thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu.

Như vậy, việc linh hoạt cho bà Phương trong trường hợp này rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền mua cổ phần của các cổ đông còn lại, ít nhất là những cổ đông đang muốn mua thêm cổ phiếu (không bao gồm Du lịch Khánh Hòa).

Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là, việc gia hạn thời gian thực hiện mua cổ phần sau khi đã kết thúc đợt chào bán, có được coi là hợp pháp?

Tổng giám đốc 1 CTCK chuyên thực hiện tư vấn phát hành, đấu giá cổ phần cho các DN niêm yết cho biết: thông lệ chung đối với các DN niêm yết, thì việc xin kéo dài thời gian thực hiện quyền phải được HĐQT cân nhắc, báo cáo UBCK và công bố ra công chúng trước khi kết thúc thời gian thực hiện quyền mua của đợt chào bán cổ phần. Tuy nhiên, đó là với DN niêm yết. Với trường hợp Dốc Lết, do là DN chưa niêm yết, thì quy định pháp luật vẫn bỏ ngỏ, nhưng việc kéo dài như vậy là không công bằng với các cổ đông hiện hữu, nhất là việc kéo dài đó còn kéo theo việc giảm quyền mua có thể có của các cổ đông khác, theo cách phân tỷ lệ mua bổ sung số cổ phần bị từ chối mua.