N

ăm 1988, trước khi vào làm nhân viên kỹ thuật của Nhựa Bình Minh, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Ngân đã tham gia vài năm trong quân ngũ sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM. Quân đội đã rèn giũa cho ông tính kỷ luật, nói là làm nhưng cũng rất thẳng thắn.

Trải qua các chức vụ Trưởng Phòng Kỹ thuật, Phó giám đốc, Phó tổng Giám đốc, đến cuối năm 2012, ông đảm nhận trọng trách Tổng giám đốc Công ty, là lãnh đạo kế nhiệm thuộc thế hệ thứ 4 của BMP kể từ khi Công ty được thành lập.

Ông Ngân là người am hiểu về kỹ thuật ngành nhựa tại Việt Nam, đã đồng hành cùng Nhựa Bình Minh trong suốt quá trình chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đầu tư thiết bị công nghệ, phát triển mở rộng sản xuất của Công ty.

Hiện Bình Minh chiếm khoảng 50% thị phần ống nhựa tại khu vực miền Nam và chiếm khoảng 25% thị phần ống nhựa trong cả nước với 4 nhà máy sản xuất tại TP. HCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên và gần 1.500 nhà phân phối trên cả nước.

Ngoài ra, Công ty còn tham gia vào các dự án lớn trọng điểm quốc gia, là đơn vị cung cấp sản phẩm ống nhựa cho các doanh nghiệp ngành cấp nước, xây dựng...

Tham gia kiến tạo một doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu trong ngành nhựa vật liệu xây dựng Việt Nam, hiệu quả kinh doanh vượt trội, hơn ai hết, ông Ngân hiểu những thuận lợi và khó khăn mà BMP phải đối mặt trên hành trình suốt 40 năm qua.

Nhưng có lẽ năm 2017 này, khó khăn đang vượt ngoài dự liệu.

Cuộc trò chuyện của Báo Đầu tư Chứng khoán với vị CEO diễn ra sau khi BMP công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Thị trường chứng kiến một sự sụt giảm khá lớn. Hai yếu tố dẫn tới bức tranh kém lạc quan này đã được ông Ngân giải mã.

Trước hết, là biến động giá nguyên liệu đầu vào, khi đến thời điểm này giá tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng hơn 17% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2016.

Mức tăng giá đó nếu tiếp tục duy trì đến cuối năm có thể làm BMP mất khoảng 240 tỷ đồng lợi nhuận. Chưa hết, sức nóng cạnh tranh lại đang hầm hập sau lưng.

Thị trường trong 2 năm trở lại đây có sự gia nhập của nhiều nhà sản xuất mới, họ chấp nhận có thể không có lãi, chiết khấu tới 30 - 40% để giành giật thị phần.

Từ rất lâu, cách đây cả chục năm, BMP chưa phải điều chỉnh chính sách chiết khấu. Vậy mà vào đầu năm 2017, Công ty đã phải quyết định tăng chiết khấu lên 15% (cộng thêm 4%).

Thế nhưng chênh lệch chiết khấu giữa BMP với các doanh nghiệp vẫn rất lớn, ở mức thấp là 6 - 7%, còn ở mức cao lên tới 17 - 18%.

Tăng chiết khấu 4%, BMP mất thêm 160 tỷ đồng lợi nhuận nữa. Sơ bộ 2 khoản trên cũng đã ngốn tới 400 tỷ đồng.

Môi trường kinh doanh của ngành nhựa xây dựng qua những dữ liệu mà vị CEO này cung cấp cho thấy đang vô cùng gay gắt, khốc liệt hơn rất nhiều so với trước đây.

“Có những tác động mang tính khách quan, mình không kiểm soát được như giá nguyên vật liệu, nhưng còn cạnh tranh, rõ ràng anh phải chấp nhận cuộc chơi.

Anh phải làm sao để thích ứng”, ông Ngân chia sẻ về tâm thế của người lãnh đạo trong bối cảnh thị trường mới.

Ông cũng thường xuyên nhận được những câu hỏi, đại loại như “có phải ông không làm được nên bào chữa cho mình như vậy?”.

Ông không né tránh, cũng không nói cho mình, nói cho BMP mà chỉ đưa ra dữ liệu, vẽ ra bức tranh thực tế trên thương trường để cổ đông, người lao động, đối tác hiểu rõ.

Phải chăng thực tế thị trường hiện nay bắt nguồn từ chính câu chuyện của BMP, từ chính hiệu quả kinh doanh mà BMP đã thiết lập ra: Trong 100 đồng doanh thu thuần, thu về 29,1 đồng lợi nhuận ròng - tỷ suất lợi nhuận trong mơ đối với rất nhiều nhà đầu tư khiến cho ngành nhựa xây dựng trở thành miền đất hấp dẫn kích thích nhiều nhà đầu tư mới gia nhập.

Rõ ràng là thành công của BMP đang trở thành thách thức.

Bài toán khó mà ông Ngân và các cộng sự của ông tại BMP phải tìm được lời giải là triển khai các chính sách kinh doanh để giữ vững thị phần.

Khi chiết khấu lên tới 40%, ống nhựa lại là sản phẩm không dễ thấy được hỏng hóc trong ngày một ngày hai, thật khó trách được khách hàng tại sao quay lưng với nhà sản xuất cũ để góp phần tạo ra những cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt.

Vào tháng 11 tới, BMP sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập.

Gắn bó với ngôi nhà thứ hai gần nửa cuộc đời, ông Ngân nói rằng, ông và hàng nghìn người lao động của Công ty sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để duy trì vị thế của BMP.

Tuy nhiên, áp lực cho ban điều hành mà ông là người chèo lái cũng vô cùng nặng nề. Cổ đông của Bình Minh đã quen với hình ảnh một doanh nghiệp có lợi nhuận cao liệu có chấp nhận trong những năm sắp tới, BMP có thể bị giảm lợi nhuận?

Làm sao để cổ đông chấp nhận nếu biên lợi nhuận của BMP lùi về gần với mức trung bình của ngành?

“Áp lực lớn nhất với tôi là các cổ đông lúc nào cũng có câu cửa miệng “Thế mới là Bình Minh” và đặt Bình Minh như một thực thể khác biệt trong bối cảnh kinh doanh chung. Đòi hỏi này quả thực là rất khó thực hiện”, ông Ngân chia sẻ.

Đó là chưa kể áp lực từ người lao động vốn đang hưởng lương, thưởng cao theo hiệu quả kinh doanh từ những năm trước.

Vị CEO cũng không ngần ngại cho biết, ông sẵn sàng tiếp tục cống hiến vì một tương lai bền vững và sự trường tồn của Nhựa Bình Minh.

Song tương lai ấy có được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào bài toán cổ đông khi tới đây Nhà nước thoái vốn tại Công ty.

“Khi thoái vốn, cổ đông nào cũng muốn bán được nhiều tiền nhất, nhưng người mua mới là điều chúng tôi đang rất quan tâm. Liệu cổ đông mới có ủng hộ cho chiến lược mà BMP đang theo đuổi, họ có muốn đồng hành với Công ty hay không? Sau khi Nhà nước bán vốn, với cơ cấu cổ đông mới, liệu BMP có thể tiếp tục hoạt động bền vững, ổn định với lịch sử 40 năm của một thương hiệu hàng đầu mà mình đã tạo ra”.

Đây thực sự là nỗi trăn trở của không chỉ CEO Nguyễn Hoàng Ngân mà của tất cả những người yêu mến thương hiệu Nhựa Bình Minh.

Còn với riêng ông, sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng các cộng sự kích hoạt những năng lực còn ẩn sâu trong mỗi người để cùng chèo lái con tàu Nhựa Bình Minh vững vàng trong mọi thử thách, giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường đang bám đuổi quyết liệt từng mm thị phần.