Doanh nhân Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Doanh nhân Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn Trần Ngọc Nguyên: Không gì có thể quên lãng

Ăn vận giản dị, cách trò chuyện nhỏ nhẹ, khiêm tốn, những ai chưa biết Trần Ngọc Nguyên chắc không hình dung được, đó lại là người đang chèo lái doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực lọc hóa dầu ở Việt Nam với hàng ngàn công nhân, vận hành nhà máy lọc dầu quy mô, hiện đại hàng đầu khu vực.     

Người Bình Sơn thầm lặng

Nói đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), có lẽ nhiều người biết tên nhà máy này hơn doanh nghiệp đang chịu trách nhiệm quản lý, vận hành nhà máy là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Công ty mang tên vùng đất Bình Sơn cằn cỗi bậc nhất xứ Quảng này hiện có tới hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân, đang ngày đêm làm việc để cung ứng 40% nhu cầu xăng dầu cho thị trường.

Có lẽ vì thế, Tổng giám đốc BSR, ông Trần Ngọc Nguyên càng trở nên phù hợp với vai trò thuyền trưởng dẫn dắt con tàu BSR. Có gì đó rất tương đồng giữa sự ít ồn ào của BSR với tính cách nhỏ nhẹ, mềm mỏng mà sâu sắc của doanh nhân vừa bước qua tuổi 40, cái tuổi đang vào độ chín của sự nghiệp này.

Là người con của đất Bình Sơn (Quãng Ngãi), Trần Ngọc Nguyên còn có tới 15 năm gắn bó với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, nên có thể nói, ông là “người Bình Sơn” đúng nghĩa. Từng học Thạc sỹ về lọc hóa dầu ở Pháp, rồi đi khảo sát, học hỏi ở rất nhiều quốc gia phát triển về lọc hóa dầu như Malaysia, Nhật Bản... đến quốc gia có nhà máy lọc dầu đầu tiên trên thế giới cả trăm năm như Rumania, Trần Ngọc Nguyên trở về Việt Nam, tham gia Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngay từ những công đoạn đầu tiên như giám sát, thiết kế...

Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua, ông đã cùng BSR vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đảm bảo an toàn liên tục nhiều năm, mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động…

Thế nhưng, trong câu chuyện về công việc của mình, Trần Ngọc Nguyên vẫn luôn tự nhận rằng, những việc ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ở BSR đang làm “không có gì ghê gớm”, “không có gì mới”.

“Công nghiệp lọc hóa dầu đã có hàng trăm năm. Tôi có may mắn được đi, được học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ nhiều quốc gia mạnh về lọc hóa dầu. Mọi yếu tố về thiết kế, vận hành, bảo dưỡng… được chúng tôi triển khai cho nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam từ kinh nghiệm đó. Chúng tôi không làm gì mới cả”, Trần Ngọc Nguyên từ tốn.

Song, những người hiểu về ngành lọc hóa dầu, tham gia trực tiếp quá trình xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới thấy, đó là cả một khối lượng công việc ngồn ngộn, đòi hỏi kỷ luật rất cao, thậm chí là “kỷ luật thép” để Nhà máy có thể vận hành an toàn. Một nhà máy lọc dầu quy mô như vậy, không có chỗ cho sự sơ sẩy, không có chỗ cho việc “rút kinh nghiệm” của bất kỳ sơ suất nào.

Trước khi lãnh trách nhiệm cao nhất ở BSR, Trần Ngọc Nguyên đã trải qua hầu hết các vị trí công việc trong nhà máy, đã từng đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất, nên hơn ai hết, ông hiểu rõ vai trò của từng khâu, từng cán bộ, kỹ sư, công nhân trong dây chuyền cũng như sự vô giá của tính kỷ luật trong công việc đặc thù này. Chính vì thế, ông dồn hết tâm huyết để xây dựng một đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, làm chủ hệ thống hiện đại, đòi hỏi tính tuân thủ nghiêm ngặt và coi đó là chìa khóa thành công của Nhà máy.

Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi biết rằng, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới đi vào hoạt động, BSR cần đến gần 200 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài giúp đội ngũ cán bộ trong nước vận hành Nhà máy, thì đến nay, hầu hết các vị trí đó đã do cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt tự đảm nhiệm, vận hành Nhà máy trơn tru, an toàn, ngay cả những khi chạy vượt công suất.

Có lẽ, chính sự tự tại, thư thái của người biết làm chủ mình, làm chủ công việc được tích lũy, chắt chiu từ hàng chục năm lăn lộn với Nhà máy, làm việc không kể ngày đêm với công nhân, kỹ sư, khiến Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên có được cách điều hành từ tốn, chính xác, hiệu quả đối với một công việc vốn phức tạp, căng thẳng như vận hành nhà máy lọc dầu.

Cuộc sống “không thể lãng quên”

Có lẽ, ít người đứng đầu doanh nghiệp có điều kiện đi từ những công việc ban đầu đến khi có thành quả như Trần Ngọc Nguyên ở BSR. Chính vì thế, khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc BSR, điều đầu tiên mà doanh nhân này nghĩ tới là những người công nhân, kỹ sư của Nhà máy.

“Trước khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc, tôi là Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất, hiểu chân tơ kẽ tóc việc làm thế nào để vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả; hiểu rõ mỗi suy nghĩ và công việc của từng cán bộ, công nhân, kỹ sư. Họ đã làm việc căng thẳng ở xưởng cả ngày, đòi hỏi sự tập trung và chính xác cao nhất. Vì thế, mơ ước giản dị nhất, đời thường nhất là khi tan ca, họ được trở về nhà với nụ cười thư thái. Được như thế, nghĩa là họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhà máy và được trả công xứng đáng với sức lao động, không phải chật vật lo từng bữa ăn, xoay sở từng đồng chi tiêu sinh hoạt cho gia đình”, Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên nói như tâm tình.

Không nói ra, nhưng có lẽ, đó cũng chính là ước mơ của chàng kỹ sư trẻ Trần Ngọc Nguyên mươi, mười lăm năm trước. Có lẽ cũng vì luôn nhớ đến từng công nhân, từng cán bộ kỹ sư như thế, mà những ai có dịp đến với nhà máy, thăm khu sinh hoạt của công nhân BSR đều không khỏi ngỡ ngàng trước những góc tươi tắn cây cỏ, hoa lá, ngập tràn sự ấm cúng, gần gũi của một không gian gia đình được Tổng giám đốc và lãnh đạo Công ty hết sức chăm chút.

Trần Ngọc Nguyên bảo, thời gian cứ trôi, dòng đời cứ chảy, nhưng có những thứ chẳng bao giờ có thể lãng quên, không bao giờ được quên lãng. Đó là tình người, là giá trị mỗi con người mang lại cho tổ chức, cho doanh nghiệp mình.

“Đó cũng là phương châm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của BSR. Một vị trí lãnh đạo, quản lý dù cao đến đâu cũng không có ý nghĩa nếu người nắm giữ nó không đem lại giá trị nào cho doanh nghiệp. Tôi quan niệm, mỗi người chúng ta làm được gì cho doanh nghiệp khi ở vị trí đó mới là điều quan trọng, mới là điều còn lại sau những gì đã qua, sẽ qua. Cũng chính vì thế, BSR đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đào tạo các thế hệ kế cận. Các thế hệ sẽ nối tiếp nhau là điều tất yếu. Vì vậy, thế hệ đi trước và đội ngũ hiện tại phải để lại gì đó cho thế hệ sau, đặt niềm tin vào thế hệ tiếp theo”, Trần Ngọc Nguyên trải lòng.

Không chỉ đối với cán bộ trong Công ty, phương châm “không gì có thể quên lãng” cũng được Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên và ban lãnh đạo BSR cụ thể hóa trong hoạt động xã hội của Công ty. Những chương trình an sinh xã hội hướng tới người dân Bình Sơn, Quảng Ngãi - những người trước kia đã rời mảnh đất sinh sống nhiều năm, nhiều đời để nhường mặt bằng cho Nhà máy vẫn được BSR đều đặn tổ chức. Trần Ngọc Nguyên bảo, họ chính là ân nhân, là người hàng xóm láng giềng thân thiết với Nhà máy, với mỗi công nhân, kỹ sư. Mọi sự quan tâm đến họ đều là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là đạo đức, là sự cụ thể hóa chân thực nhất, tình người nhất của phương châm xây dựng văn hóa doanh nghiệp “không gì có thể lãng quên” ở BSR.

Đối thoại với Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên

15 năm gắn bó với BSR, điều gì làm ông nhớ nhất?

Tôi không bao giờ quên được những năm 2008 – 2009, thời điểm chuẩn bị cho dòng sản phẩm đầu tiên ra đời. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chạy thử đúng dịp gần Tết cổ truyền. Suốt nhiều tháng, cán bộ, kỹ sư, công nhân của Nhà máy gần như ở trong xưởng cả ngày, không ai biết đến thời gian, kể cả giờ giao thừa sum vầy với gia đình, người thân. Đó là giai đoạn háo hức nhất, nhưng cũng căng thẳng nhất.

Điều gì làm ông hạnh phúc nhất?

Là khi dòng sản phẩm đầu tiên ra đời thành công ngày 22/2/2009. Niềm hạnh phúc như vỡ òa. Đó là dòng dầu đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam, do công sức của người Việt Nam làm ra ngay trên mảnh đất miền Trung còn nghèo khó. Nó vừa thiêng liêng như mỗi người cha, người mẹ chờ đón đứa con đầu lòng chào đời được “mẹ tròn, con vuông”, vừa có niềm tự hào của quốc gia, của người Việt trước một bước tiến mới trong phát triển kinh tế.

Niềm vui của ông sau giờ làm việc?

Trước hết, tôi phải xem khoảng thời gian nào là sau giờ làm việc đã (cười vui). Còn nếu thường xuyên dành 18-20 tiếng ở Nhà máy thì tốt nhất nên tìm niềm vui trong thời gian đó. Tôi có thể dành thời gian chia sẻ với anh em về công nghệ, kiến thức học hỏi được, thậm chí được viết thành quy trình cụ thể để anh em nắm bắt, làm chủ hệ thống, rèn tác phong làm việc chuyên nghiệp. Hoặc cùng anh em chăm chút góc sinh hoạt, tỉa hoa, tưới cây, tạo không gian ấm áp, thân thiện cũng là cách giải trí không tồi.

Tin bài liên quan