Tạo ra sự thay đổi

Tạo ra sự thay đổi

(ĐTCK) Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi Báo chí viết về phát triển bền vững năm 2019 tập trung vào chủ đề giới, trong đó đề cao sự đóng góp của phụ nữ vào việc tạo ra sự thay đổi trong mọi mặt của đời sống, kinh tế.

Ðại sứ quán Canada tại Việt Nam là nhà tài trợ tích cực cho chương trình này không phải bởi tân Ðại sứ Deborah Paul là nữ giới mà bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ có vai trò lớn trong sự phát triển bền vững.

Các thống kê cho thấy, trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng đầu thập kỷ này, những doanh nghiệp do nữ giới làm chủ duy trì được sự tồn tại, đảm bảo tốt các nghĩa vụ và vươn lên mạnh mẽ sau khủng hoảng.

Khác với xã hội xưa, người phụ nữ giờ đây không chỉ đóng vai trò người vợ đảm, người mẹ hiền, người con ngoan trong gia đình, mà còn gánh vác những trọng trách quan trọng khác trong xã hội.

Họ là những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lý, lãnh đạo tài ba và cả những lãnh đạo quốc gia..., đóng góp không nhỏ vào hạnh phúc mỗi gia đình, sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và sự phồn thịnh của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang tăng lên và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Ở Việt Nam, hiện nữ doanh nhân chiếm 27,8% tổng số doanh nhân, cao nhất khu vực Ðông Nam Á, đứng thứ 7/54 quốc gia có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Một báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ có tỷ lệ thành công cao hơn, ít bị phá sản, đình trệ hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Tuy người phụ nữ hiện nay đã có vị thế, vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế đất nước, nhưng để phụ nữ phát huy năng lực, phẩm chất và vai trò của mình hơn nữa, vẫn cần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về những gì người phụ nữ có thể làm được, từ đó có sự chia sẻ gánh nặng trong công việc gia đình cũng như xã hội, để hỗ trợ họ phát huy năng lực vốn có của bản thân.

Thực tế, thành tựu của phụ nữ được công nhận ngày càng nhiều, nhưng định kiến cản trở người phụ nữ thành đạt vẫn chưa hề giảm từ những yếu tố khách quan như quan niệm xã hội, gia đình và thái độ của đồng nghiệp.

“Những nàng dâu ăn cơm đứng”, chùm bài viết đạt giải Báo chí viết về phát triển bền vững năm 2018 đã phản ánh thân phận vất vả của phụ nữ Hà Nhì (Hà Giang), họ là những lao động chính trong gia đình, lại phải lo toan chăm sóc con cái nhưng vẫn phải chịu các hủ tục như không được phép ngồi ăn cùng mâm với gia đình.

Phụ nữ do vậy cần sự tôn trọng và được tạo cơ hội hơn nữa để phát triển, để tạo ra sự thay đổi. Người phụ nữ muốn thực sự phát triển trong thời kỳ hiện đại, ngoài việc học tập để tiếp thu những tri thức, kỹ năng, công nghệ tiên tiến, còn phải làm tròn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đầy sự khó khăn và hy sinh.

Vì thế, một xã hội mà ở đó sự phấn đấu của người phụ nữ không những được chấp nhận, tôn trọng mà còn được tạo điều kiện ngang bằng với các cơ hội trong cuộc sống là mong muốn của nhiều chị em.

Với riêng mình, nhiều phụ nữ đã tận dụng sự mạnh mẽ, kiên định, cùng với sự mềm mỏng, chu đáo, tinh tế đặc trưng của phái nữ để vươn tới những thành công trong sự nghiệp cũng như cân bằng được cuộc sống gia đình.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, sự nhanh nhạy và tinh tế của nữ giới được nhìn nhận sẽ giúp chị em rất nhiều trong việc nắm bắt các cơ hội, hợp tác và học hỏi từ bạn bè quốc tế, để từ đó chung tay, đóng góp cho công cuộc phát triển phụ nữ nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Tin bài liên quan