Tâm thế ngồi hai “ghế nóng” của nữ Chủ tịch IBSC

Tâm thế ngồi hai “ghế nóng” của nữ Chủ tịch IBSC

(ĐTCK) Là doanh nhân thế hệ 8X “đời đầu”, điều hành công ty chứng khoán có vốn gần 900 tỷ đồng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO) CTCP Chứng khoán IB (IBSC, mã VIX) chia sẻ về áp lực của việc ngồi hai “ghế nóng”, cũng như ấp ủ tâm huyết muốn lấp đầy những dịch vụ còn vơi trên thị trường. 

Nếu được bình chọn một dấu ấn nổi bật nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm đến nay, bà chọn điều gì?

Diễn biến đáng chú ý nhất là TTCK Việt Nam vượt mốc 800 điểm, lập đỉnh 9 năm trở lại đây và trở thành điểm nóng nhất của các TTCK châu Á, hút ròng vốn nước ngoài liên tục 8 tháng đầu năm 2017. Sự ra đời của những sản phẩm chứng khoán mới như phái sinh và sắp tới là chứng quyền có bảo đảm đang tạo ra cơ hội mới cho các công ty chứng khoán.

Sau khi lập đỉnh 9 năm, liệu xu hướng vận động tích cực của TTCK có còn tiếp diễn, theo bà?

Triển vọng của TTCK Việt Nam trong những năm tới là tích cực. Có nhiều động lực quan trọng để duy trì và thúc đẩy sự sôi động trên thị trường.

Đó là tiến trình IPO và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh; Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào năm 2018 theo hướng tập trung vào minh bạch hóa và củng cố niềm tin của nhà đầu tư; môi trường kinh doanh đang được được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; các sản phẩm mới nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của nhiều nhà đầu tư…

Thực tế thị trường đang cho thấy lợi thế nghiêng về các công ty chứng khoán lớn, họ có thị phần ngày càng lớn hơn, vô tình tạo nên sức ép “xóa tên” các công ty chứng khoán vừa và nhỏ. IBSC là công ty chứng khoán có quy mô vừa, vậy trên cương vị “thuyền trưởng” của IBSC, bà “lái” Công ty theo hướng nào?

Đứng trước những cơ hội lớn của TTCK, các công ty chứng khoán có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có thể tận dụng được những cơ hội này, mà giữa các công ty sẽ có sự phân hóa.

Những công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính lớn, đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, dịch vụ khách hàng tốt, hệ thống công nghệ thông tin hoàn thiện, quản trị rủi ro tốt, sẽ là những công ty có lợi thế và nắm bắt được cơ hội của thị trường. Ngoài ra, những công ty chứng khoán tìm được thị trường ngách cho riêng mình cũng có thể nắm bắt được cơ hội để thành công.

IBSC chưa thể triển khai hoạt động tạo lập thị trường

Là một công ty chứng khoán có quy mô vừa, IBSC chọn cách đi riêng. Theo đó, IBSC sẽ tập trung sâu hơn vào mảng môi giới thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhất cho khách hàng trên cơ sở nguồn lực của mình, đồng thời xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự môi giới có kinh nghiệm, có mạng lưới khách hàng phù hợp với văn hóa của IBSC để đồng hành phát triển bền vững.

Điều gì giúp IBSC trụ vững trong những năm gần đây?

Sự phát triển bền vững của IBSC trong những năm qua dựa vào 2 mảng trụ cột: Môi giới và ngân hàng đầu tư.

Có 3 yếu tố giúp chúng tôi trụ vững trong những năm qua là: Bản sắc văn hóa của IBSC, chất lượng dịch vụ cung cấp và quản trị rủi ro tốt.

Những điều bà vừa chia sẻ có mang lại điểm gì khác biệt trong đường hướng phát triển của IBSC?

Là một công ty chứng khoán có quy mô vừa, IBSC không chọn cách cạnh tranh trực tiếp với các công ty chứng khoán lớn ở mọi phân khúc thị trường.

Thay vào đó, chúng tôi nghiên cứu để tìm ra những phân khúc mà các công ty chứng khoán lớn chưa chiếm lĩnh thị trường, hoặc chưa phục vụ hết các yêu cầu của khách hàng. Từ đó, chúng tôi sẽ lập ra những chiến lược và kế hoạch cụ thể để phát triển những phân khúc này.

Ngoài việc cung cấp các sản phẩm tư vấn đầu tư trọn gói, với nhiều giá trị gia tăng, IBSC sẽ tập trung mạnh vào các sản phẩm mới trên thị trường.

Việc IBSC là công ty chứng khoán đầu tiên làm thành viên tạo lập thị trường trên TTCK Việt Nam, có phải là bước đi cụ thể hóa chiến lược tìm phân khúc thị trường riêng trên con đường tương lai của IBSC?

Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với đối tác để hoàn tất các điều kiện triển khai là thành viên tạo lập thị trường. Hoạt động này cùng với các sản phẩm phái sinh, chứng quyền có đảm bảo… sẽ tạo tính đột phá, mang lại các giá trị gia tăng khác cho IBSC trong giai đoạn tới.

Tâm thế ngồi hai “ghế nóng” của nữ Chủ tịch IBSC ảnh 2

Sau thời gian ngắn đảm đương vị trí Chủ tịch HĐQT của IBSC, mới đây, bà kiêm giữ vị trí Tổng giám đốc. Là phụ nữ có tuổi đời và tuổi nghề trẻ, bà có thấy áp lực khi ngồi hai “ghế nóng” này?

Đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh các công ty chứng khoán lớn có nhiều lợi thế, IBSC buộc phải có những quyết sách mạnh mẽ và triển khai kịp thời, nếu chậm trễ có thể lỡ mất cơ hội kinh doanh.

Mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm CEO giúp cho việc hoạch định chiến lược và việc thực thi chiến lược bằng những kế hoạch, hành động cụ thể một cách nhanh chóng. Thực tế đã chứng minh, trên thế giới có nhiều doanh nghiệp thành công với mô hình “hai trong một” này.

Do vậy, mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm CEO là phù hợp với bối cảnh của IBSC trong giai đoạn hiện nay, khi mà Công ty đang phải ra những quyết sách kịp thời để nắm bắt những cơ hội, cũng như vượt qua thách thức trong kinh doanh.

TTCK Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, hiện tại đã khác rất nhiều so với quá khứ và tương lai sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa. Do vậy, “kinh nghiệm quá khứ” trên TTCK của vị trí người đứng đầu không hẳn đã là yếu tố quyết định để có thể dẫn dắt một công ty chứng khoán tiến tới thành công.

Việc đánh giá được đúng những xu thế phát triển của TTCK và xác định được những yếu tố đặc thù sẽ là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh của IBSC trong giai đoạn hiện nay. Ở IBSC, đang có đội ngũ cộng sự năng động cùng tôi hoạch định và thực thi chiến lược kinh doanh.

Với mô hình hoạt động mới tinh gọn, năng động, IBSC sẽ thích ứng nhanh chóng hơn với những biến động của thị trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, các sản phẩm như tạo lập thị trường, chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm… là những sản phẩm mới, phức tạp, nhưng cũng đồng thời tạo ra cơ hội mới cho tất cả. IBSC đã nắm bắt được các cơ hội này bằng việc trở thành nhà tạo lập thị trường đầu tiên.

Nhưng Nghị định 71/2017/NĐ-CP và những thông lệ quản trị công ty tốt nhất đều hướng các doanh nghiệp đến việc tách bạch vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc để tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. IBSC có cân nhắc điểm này không?

Tôi cho rằng, mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm hay không kiêm nhiệm CEO đều có những ưu và nhược điểm riêng, đều có khả năng tạo được sự chuyên nghiệp trong hoạch định chiến lược và điều hành doanh nghiệp. Khía cạnh tích cực của mô hình kiêm nhiệm thể hiện ở chỗ, trong một môi trường thay đổi nhanh như TTCK Việt Nam, CEO sẽ nhanh chóng nắm bắt được những thay đổi của thị trường qua công việc điều hành trực tiếp để kịp thời đưa ra những chiến lược kinh doanh.

Thêm vào đó, việc người nắm quyền sở hữu đồng thời quản lý doanh nghiệp giúp họ toàn tâm, toàn ý bảo vệ lợi ích của cổ đông, giám sát Ban điều hành và thực hiện tốt công tác quản trị. Trên thế giới, mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm CEO đã giúp cho nhiều doanh nghiệp thành công. Ví dụ, gần 80% trên tổng số 500 công ty trong danh sách của Standard & Poors (Mỹ) trong vòng 15 năm qua đã kết hợp hai vị trí này làm một.

Nhược điểm của mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm và CEO là cơ chế giám sát của HĐQT đối với Ban điều hành trở nên yếu hơn. Để khắc phục nhược điểm này, cần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của HĐQT và Ban điều hành, đồng thời xây dựng những kênh kết nối mạnh hơn giữa cổ đông và hoạt động của công ty, thuê các công ty kiểm toán lớn thường xuyên kiểm toán hoạt động của công ty.

Sau khi phân tích kỹ ưu, nhược điểm của từng mô hình và áp dụng vào tình hình thực tế tại IBSC, chúng tôi nhận thấy, mô hình Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm CEO là phù hợp với bối cảnh của IBSC hiện nay. Dẫu vậy, IBSC luôn chú tâm vào quy hoạch, đào tạo nhân sự phù hợp để tiến tới tách bạch hai vị trí này theo lộ trình được quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Bà hình dung 3-5 năm nữa IBSC sẽ ra sao?

Hiện các nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam chiếm khoảng 80% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, thông tin trên thị trường khá nhiễu hoặc không đầy đủ, nên gây khó khăn cho nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư. Trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ, nhiều công ty chứng khoán chưa tìm ra cách để khắc phục. Do vậy, chiến lược mà chúng tôi hướng tới sẽ là khai thác các phân khúc thị trường này để lấp đầy dịch vụ còn khiếm khuyết.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu để tham gia cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh, cũng như chứng quyền có bảo đảm.

Mong muốn của chúng tôi là 3-5 năm tới, IBSC sẽ trở thành một trong các công ty chứng khoán có thương hiệu mạnh trên thị trường và có sự phát triển bền vững, ổn định, đồng đều giữa các lĩnh vực hoạt động.

Để đạt được mục tiêu đó, triết lý phát triển của IBSC là gì? 

Niềm tin tạo lập giá trị mới.

Tin bài liên quan