Tâm thái khởi nghiệp của Chủ tịch HVC Group

Tâm thái khởi nghiệp của Chủ tịch HVC Group

(ĐTCK) “Con người làm trọng tâm, thứ hai là tầm nhìn. Nếu không có 2 điều này, một doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại”, ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC - HVC Group chia sẻ và cho rằng, ở tuổi lên 9, HVC vẫn đang “khởi nghiệp”.

8 năm khởi nghiệp gây dựng HVC Group

Xuất hiện sau một buổi họp đột xuất thảo luận về dự án mới gấp rút mà Công ty nhận được thời gian gần đây, ông Trần Hữu Ðông - Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và Công nghệ HVC - HVC Group (mã chứng khoán HVH - HOSE) cởi mở chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán về sự nghiệp cá nhân, cũng như chiến lược của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhìn vào vị trí hiện nay của cá nhân người lãnh đạo và vị thế của HVC Group, có thể nói ông Ðông đã xây dựng được một sự nghiệp đáng tự hào, tuy nhiên, vị doanh nhân này lại rất khiêm tốn khi nhắc đến "thì hiện tại".

Sinh năm 1982, tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Ðại học Quốc gia Hà Nội), cùng chứng chỉ học thêm là Xuất nhập khẩu, ông Ðông được giới thiệu vào CTCP Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech (Tập đoàn Detech).

Sau hơn 5 năm làm việc, thậm chí đã trở thành Phó giám đốc tại một công ty con của Tập đoàn, ông Ðông vẫn quyết định "ra riêng" khởi nghiệp. Ông chia sẻ, những ngày tại Detech, mặc dù được ban lãnh đạo ủng hộ và có phần ưu ái, nhưng khát vọng bứt phá, phát triển hơn nữa luôn thôi thúc ông dấn thân vào việc tự tìm con đường cho chính mình. Và chặng đường này bắt đầu với Hưng Phát.

CTCP Dịch vụ kỹ thuật và Giải pháp công nghệ Hưng Phát được thành lập từ tháng 4/2010, ban đầu làm về thương mại, buôn bán thiết bị điện nhỏ lẻ, sau gần 2 năm hoạt động tốt không tốt, ông Ðông cùng các cộng sự đã mua lại và đổi tên thành CTCP Ðầu tư Công nghệ HVC.

Từ đó đến nay, chỉ trong vòng 8 năm, đội ngũ ban lãnh đạo doanh nghiệp đã biến HVC từ một công ty non trẻ, chưa có tên tuổi trở thành nhà thầu lớn nhất tại Việt Nam về thiết kế, lắp đặt các thiết bị vui chơi giải trí cao cấp như bể bơi, công viên nước, thủy cung đại dương, sân băng nghệ thuật...

Với số tiền ban đầu chỉ vài chục triệu để mua lại một công ty mà lợi nhuận mang về chỉ vài triệu đồng/năm, hiện nay, HVC đã phát triển với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, tổng tài sản trên 318 tỷ đồng. Năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 491 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Giải thích ý nghĩa tên doanh nghiệp, ông Ðông cho biết H - V - C là Human - Vision - Company (Con người - Tầm nhìn - Doanh nghiệp). Ðây là cái tên được hình thành từ ban đầu khi đội ngũ sáng lập đặt ra mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, thứ hai là tầm nhìn. Nếu không có 2 điều này, một doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại được.

Trong bất cứ trường hợp nào, để có một doanh nghiệp thành công, cần phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và cốt lõi nhất là yếu tố con người .

Vẫn chưa xem mình là một doanh nhân lớn, ông Ðông cho rằng, với bất cứ trường hợp nào, để có một doanh nghiệp thành công thì cần phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và cốt lõi nhất là yếu tố con người. Cụ thể là một nhóm hoạt động ăn ý với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể hiệu quả. Ngoài ra, cần nhìn nhận được thị trường, tìm ra hướng đi đúng đắn. Ðể làm được điều này, hơn ai hết, người sáng lập phải xác định ngay từ đầu về việc chấp nhận bận rộn, không được chủ quan, bởi quá trình để tạo dựng và phát triển không phải là chuyện ngày một ngày hai. 

Ði nhanh nhưng không vội

Luôn khiêm tốn khi nói về vị thế hiện tại của HVC, ông Ðông cho rằng, thời điểm này Công ty vẫn đang trong quá trình khởi nghiệp.

“Tính ra đến nay HVC mới hoạt động được 8 năm và còn đang trong giai đoạn thử thách”, ông Ðông nói.

Trên chặng đường đã qua, từng bước từng bước, HVC dần mở rộng quy mô trong lĩnh vực hoạt động. Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi Công ty Hưng Phát sang HVC, đội ngũ lãnh đạo đã nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh sang mảng thiết bị, lắp đặt, thi công bể bơi. Ông Ðông nhớ lại, dự án đầu tiên mà HVC thi công chính là một cụm bể bơi tại Nhà thiếu nhi tỉnh Hải Dương qua giới thiệu của một mối quan hệ trước đó.

 Doanh nhân Trần Hữu Đông

Ban đầu khi làm bể bơi, một phần rất nhỏ trong dự án công viên giải trí lớn, ông Ðông và các cộng sự phải tìm hiểu cặn kẽ các hạng mục có liên quan khác để mở rộng thêm hoạt động. Thời gian đầu, HVC thuê đối tác nước ngoài để cùng thực hiện các dự án đầu tiên nhằm học hỏi công nghệ, cũng như thu nhận kinh nghiệm. Dần dần, Công ty có cơ hội triển khai các dự án lớn hơn như thủy cung, sân trượt băng, công viên nước, sắp tới sẽ là thiết bị trò chơi mạo hiểm.

Hiện nay, các công viên vui chơi giải trí trong nước chọn cách nhập khẩu thiết bị trò chơi từ các doanh nghiệp nước ngoài về, sau đó công tác bảo dưỡng bảo trì sẽ được chuyển giao lại cho phía người mua. Tuy nhiên, HVC lại cung cấp trọn gói, từ thiết bị, lắp đặt, cho tới vận hành, bảo dưỡng, bảo trì. Trò chơi mạo hiểm cần độ an toàn lớn và yêu cầu bảo trì thường xuyên, lợi thế của HVC là sẵn nhân sự lành nghề và nhanh chóng đáp ứng khi có yêu cầu. Chưa kể, nếu có vấn đề thì việc di chuyển nhân sự trong nước sẽ thuận tiện hơn cho công tác này hơn là đối tác nước ngoài.

Dần nắm được thị phần ổn định tại thị trường thiết bị vui chơi giải trí tại Việt Nam, bài toán đặt ra sau khi niêm yết với HVC là duy trì được tốc độ tăng trưởng, mở rộng hơn nữa hoạt động. Nhận thấy lĩnh vực cơ điện là gần nhất với công việc kinh doanh của mình, HVC đã chính thức lấn sân sang lĩnh vực này.

Từ đầu năm 2012, HVC bắt đầu hợp tác với Vingroup để thi công dự án Royal City. Sau khi chứng minh được năng lực cũng như có tầm nhìn phát triển bền vững, HVC trở thành nhà thầu “thân thiết” khi liên tục đồng hành thi công các hạng mục lớn trong các đại dự án của Vingroup.

Mới đây, Công ty nhận được gói thầu cơ điện tại dự án Vincity bao gồm rất nhiều phần việc. HVC đã bắt tay vào triển khai và công việc sẽ dồn dập hơn nữa trong thời gian tới. Theo kế hoạch, tất cả các hạng mục sẽ được hoàn thiện vào cuối quý III/2020. Chia sẻ về khối lượng công việc hiện tại, vị chủ tịch cho biết, HVC vừa nhận một phần việc từ ngày 6/3 với yêu cầu phải hoàn thiện hạ tầng 1 khu dài gần 5.000m vào ngày 30/3. Chỉ 24 ngày để thi công là khoảng thời gian vô cùng gấp gáp, song điều này càng thúc đẩy tinh thần và ý chí của các công nhân viên tại Công ty.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Ðông đánh giá, việc lên sàn là bước ngoặt lớn nhất của HVC từ trước tới nay. Trước khi niêm yết, đội ngũ lãnh đạo đã phần nào hình dung tới các kịch bản phát triển tiếp theo, tuy nhiên, khi chính thức lên sàn, áp lực về doanh thu cũng như quản trị doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều và HVC vẫn đang tích cực thay đổi để phù hợp với mô hình hoạt động mới.

Trên thực tế, nhu cầu của nhà đầu tư còn nhỏ (tỷ trọng cổ phần nắm giữ của các nhà đầu tư bên ngoài hiện không lớn), trong khi nhu cầu thực tế của việc phát triển doanh nghiệp lại rất lớn. Do đó, mọi vấn đề về vốn hóa, kết quả sản xuất kinh doanh, khối lượng công việc, nhân sự… đang được ông Ðông cân nhắc kỹ lưỡng.

“Bản thân tôi vừa là nhà đầu tư lớn nhất vừa là lãnh đạo doanh nghiệp nên luôn tìm cách giữ Công ty tăng trưởng tương đối nhanh, nhưng không nóng”, ông Ðông nói và cho biết thêm, trong 3 - 5 năm tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn tiếp tục “bùng nổ”. Nhờ vậy, HVC sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển, khi chiếm một phần tương đối lớn của “miếng bánh” về thiết bị vui chơi, công viên giải trí… Hiện tại, Công ty đã có những mục tiêu mới, có những dự án nghìn tỷ đang chờ ngày thi công.

Cơ hội trong 3 năm tới rất nhiều, nhưng thị trường luôn có giới hạn. Chẳng hạn, nếu đặt ra mục tiêu tăng trưởng 50%/năm, phải tới năm 2022, HVC mới đạt đến con số doanh thu 2.000 tỷ đồng. Sau thời gian đó, tăng trưởng chỉ ở ngưỡng 10 - 20%/năm. Do đó, ông Ðông nói rằng, HVC phải cố gắng tận dụng thời điểm hiện tại.

Nói về kế hoạch năm 2019, ông Ðông cho biết, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 50%. Ðiều này được đảm bảo nhờ doanh thu đến từ các dự án đã ký năm 2018 chuyển sang, cũng như một số dự án mới mà Công ty sắp sửa ký kết.

Tin bài liên quan