Sophia Amoruso: Từ bới rác, ăn cắp vặt trở thành “hiện tượng” doanh nhân Mỹ

Sophia Amoruso: Từ bới rác, ăn cắp vặt trở thành “hiện tượng” doanh nhân Mỹ

(ĐTCK) Khởi nghiệp từ một gian hàng bán quần áo cũ trên Ebay với cái tên nghịch ngợm Nasty Gal, hành trình vươn lên trở thành một CEO quyền lực của Sophia Amoruso là một câu chuyện đầy cảm hứng về một doanh nhân với ý chí mạnh mẽ, đầu óc đổi mới, bản lĩnh để vươn tới ước mơ.

Cơ hội có ở mọi nơi

Sinh năm 1984 tại California (Mỹ), Sophia Amoruso buộc phải tự lập kiếm sống ở tuổi 15 khi bố mẹ ly hôn. Cô có một tuổi trẻ nổi loạn, sống nay đây mai đó, bới rác kiếm ăn, ăn trộm đồ trong siêu thị và liên tục nhảy việc.

“Tôi đã thử đi những con đường truyền thống. Trong một khoảng thời gian rất dài, tôi được hướng dẫn rằng, con đường dẫn đến thành công phải bắt đầu bằng việc có một tấm bằng đại học và kiếm việc làm.

Nhưng những việc đó chưa bao giờ dành cho tôi, tôi càng cố lại càng thất bại. Có phải số phận đã an bài cho tôi là một kẻ thất bại? Không, tôi luôn nghi ngờ điều đó và tin rằng mình có thể làm những việc to tát hơn”, Sophia chia sẻ.

Sophia đã mua cuốn sách “Khởi nghiệp kinh doanh trên Ebay dành cho kẻ ngốc”. Cuốn sách dạy cô cách lập gian hàng trên Ebay. Ưa thích quần áo cũ hơn quần áo mới, Sophia đã quyết định dấn thân vào thế giới đồ cũ.

Tự lựa đồ, kiếm người mẫu, chụp ảnh, miêu tả sản phẩm, các phiên đấu giá của Sophia ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút đông đảo khách hàng. Nguyên lý kinh doanh của cô thật đơn giản: Hàng nào bán tốt, cô sẽ ngay lập tức kiếm thêm những đồ tương tự, hàng nào không bán được, có chết cô cũng không sờ vào.

Mạng xã hội như My Space cũng hữu dụng vô cùng với cô gái trẻ khi cô lập ra chuyên mục và viết blog về từng phiên đấu giá, dù rằng cô không hiểu những việc đang làm chứa đựng 2 bí quyết dẫn lối thành công: Hiểu khách hàng và biết cách marketing miễn phí. Sophia đã trả lời từng bình luận mà bất kỳ ai đăng trên trang của cô và luôn tin rằng, đối xử với khách hàng như với bạn bè, người thân sẽ được đối đáp lại như vậy.

Sở thích chụp ảnh, phối đồ, óc thẩm mỹ của cô đến lúc này phát huy tác dụng ghê gớm: Cô không chỉ bán quần áo cũ mà tạo dựng phong cách ăn mặc cho khách hàng. Với mỗi món đồ định bán, cô đều lên ý tưởng phối cho nó từ đầu đến chân, không chỉ mỗi quần áo mà nào tóc, giày dép, mắt kính…  Sophia đã giúp các cô gái có được vẻ ngoài tuyệt vời và cảm thấy tự tin trước khi ra khỏi nhà.

Nhiều người cho rằng, làm việc ở nhà giống như đi nghỉ, muốn làm gì thì làm, khi nào thích làm thì làm, nhưng Sophia không nghĩ vậy. 

Cô luôn đúng hẹn, thận trọng với từng món hàng bán ra, luôn đinh ninh phải đem tới cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Một chiếc áo khoác cũ của Chanel bị mất 1 khuy khi chu du đâu đó trong máy giặt, Sophia đã gọi điện cho Chanel để hỏi liệu có thể kiếm chiếc khuy giống thế ở đâu, cô mạnh dạn cắt thêm chiếc cúc khác khỏi áo khoác và kết quả thật tuyệt vời: Cô gái mua áo đợi thêm hơn 1 tuần nhưng đã vô cùng phấn khích khi nhận được chiếc áo khoác hoàn hảo.

Trung thực trong kinh doanh là nguyên tắc Sophia tôn trọng hàng đầu. Cô liệt kê tất cả những lỗi của sản phẩm và luôn luôn thành thật tuyệt đối về tình trạng của nó.

Sophia rời khỏi Ebay sau một lần vô tình mắc bẫy của đối thủ cạnh tranh và để lộ trang web mà cô đang đau đáu tạo lập. Ra riêng, sự đam mê và khả năng nâng cấp chất lượng cho những món đồ cũ đặc biệt đã khiến website bán hàng Nastal Gal Vintage ngày càng phổ biến.

Rồi một ngày nọ, Sophia tự hỏi, tại sao không cung cấp cả những món đồ mới cho khách hàng?

Trải nghiệm đầu tiên trong việc mời hợp tác khách hàng của cô cũng thật đáng nhớ. Khi tham dự một triển lãm thời trang, không một ai từng nghe đến tên công ty của Sophia, cô tiến đến một gian hàng muốn mời họ hợp tác và bị từ chối ngay lập tức.

Không nản chí, Sophia đã mở điện thoại di động lên và cho đối tác thấy web của mình như thế nào. Cứ mỗi khi gặp khách hàng do dự, cô đều miệt mài phô diễn trang web và thuyết phục, hứa chắc nịch rằng sẽ làm cho thương hiệu của họ trở lên tiếng tăm hơn.

“Muốn trở thành một doanh nhân thành công bạn cần phải có một kiểu bướng bỉnh đặc biệt. Bạn sẽ không có được cái mình muốn nếu bạn không đòi hỏi", Sophia đúc kết. 

Khởi đầu chậm rãi, Sophia và các cộng sự mua từng lô sản phẩm nhỏ, 6 chiếc một để thử nghiệm xem cái gì bán được và cái gì không. Bán được hay không họ cũng học thêm được nhiều kinh nghiệm. 6 tăng dần thành 12, rồi 24.

Từ một doanh nghiệp chuyên bán hàng cũ, Nasty Gal trở thành điểm đến của các cô gái thời trang và sành điệu. Gần 4 năm sau đó, doanh nghiệp đã phình to với hơn 350 người, doanh thu hàng triệu USD và trị giá hàng trăm triệu USD.

Năm 2012, Nastal Gal được đánh giá là doanh nghiệp bán lẻ phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Sophia được Forbes xếp hạng là một trong những phụ nữ tay trắng làm nên giàu có nhất thế giới vào năm 2016.

Đừng bao giờ đánh mất “Nỗi thèm muốn”

Trong cuốn sách "Sếp Nữ" được đánh giá là một trong những ấn bản bán chạy nhất của New York Times do chính tay Sophia viết, cô đã chia sẻ những triết lý rất hữu ích trong cuộc đời kinh doanh của mình.

“Những công việc vớ vẩn đã cứu vớt cuộc đời tôi”, Sophia trải lòng. Những việc cô làm trước khi thành lập công ty giúp cô có cách nhìn nhận và kinh nghiệm đa dạng.

“Tôi chưa bao giờ có chủ đích làm việc để đạt được một mục tiêu hay mơ ước cụ thể nào: Tôi chỉ biết là tôi muốn làm một cái gì đó thật tuyệt vời. Tôi đã từng muốn trở thành một nhiếp ảnh gia, tôi đã từng muốn học trường mỹ thuật, muốn chơi trong ban nhạc…

Khi tôi bắt đầu mở gian hàng trên eBay, tất cả những thứ này ngay lập tức trở nên có ích dù tôi chưa bao giờ liên hệ chúng với nhau.

Niềm ham thích chụp ảnh đem lại cho tôi ưu thế so với những người bán hàng khác vốn chẳng quan tâm gì đến ánh sáng hay bố cục. Những ngày đi trễ tại cửa hàng bán đĩa nhạc đã cho tôi sự hiểu biết về văn hóa và âm nhạc”, Sophia cho biết.

Tôn trọng những người sẵn sàng xắn tay áo lên và làm cho xong công việc được giao ngay cả khi đó là một công việc vớ vẩn, trong vai trò một nhà tuyển dụng sau này, Sophia nhìn thấy vấn đề thường xuyên xuất hiện ở những người mới tốt nghiệp đại học: Họ muốn ngay lập tức có một công việc thú vị thỏa mãn mọi ham muốn sáng tạo của mình với thu nhập cao.

“Lúc khởi nghiệp tôi không hề nghĩ là để làm giàu. Tôi không hề biết công ty của mình đáng giá bao nhiêu cho đến khi các nhà đầu tư mạo hiểm gõ cửa văn phòng tôi và nói “Công ty của cô đáng giá vài trăm triệu USD và cô đang sở hữu từng đó tiền”.

Nasty Gal đi từ việc kiếm 150.000 USD mỗi năm và bây giờ chúng tôi kiếm như vậy chỉ trong giờ nghỉ trưa. Tôi nghĩ một phần Nasty Gal thành công như vậy là vì tài chính chưa bao giờ là mục tiêu của tôi.

Tôi tin vào những việc tôi đang làm, quan tâm đến quá trình làm việc và cũng nhiều như kết quả. Không có quyết định nào là vặt vãnh cả. Dù đó là việc chọn từ trong mục miêu tả sản phẩm hay biểu hiện trên khuôn mặt người mẫu, tôi làm mọi việc với sự thận trọng tuyệt đối.

Tôi để ý đến tận những chi tiết nhỏ nhặt như việc cái nhãn dán ghi địa chỉ gửi hàng bị cong. Ngẫm lại, tôi nhận ra rằng, chính những thứ nhỏ nhặt đó có thể làm nên một doanh nghiệp hay phá vỡ nó”, Sophia chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô vẫn luôn đưa ra lời khuyên cho những doanh nhân trẻ rằng, đừng quá tập trung vào một cơ hội cụ thể nào đó mà bỏ qua những cơ hội khác đang đến. Nếu bạn chỉ nghĩ về một thứ và nói về nó suốt ngày, bạn có thể phá hỏng nó.

Nếu làm thứ gì đó không có hiệu quả nhưng bạn cứ cố chấp theo đuổi nó theo cùng một cách thì sao không theo đuổi thứ gì đó khác một thời gian xem sao. Làm vậy không có nghĩa là bỏ cuộc, chỉ là chấp nhận để cho tạo hóa vận hành theo cách của nó.

Sophia cũng tâm đắc với một bài diễn văn nổi tiếng tại Đại học Stanford của Steve Job, người sáng lập Apple: “Hãy luôn khát khao. Hãy luôn khờ dại”. Đừng bao giờ đánh mất “nỗi thèm muốn” tìm kiếm những ý tưởng mới, những trải nghiệm mới và những cuộc phiêu lưu mới.

Hãy cạnh tranh với chính mình, không phải với người khác. Hãy đánh giá bản thân dựa trên điểm mạnh nhất của mình, và bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn so với tưởng tượng của chính bạn.

Tin bài liên quan