Sang Lào lập nghiệp

Những năm gần đây, có nhiều người Việt thành danh trên đất Lào và xứ sở Triệu Voi ngày càng trở thành mảnh đất đầy hứa hẹn cho nhiều doanh nhân còn đang nung nấu khát vọng làm giàu…

Ông Bunthavong Bounleuth, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp VKK, một doanh nhân Lào gốc Việt thành đạt ở Vientiane

Ông Bunthavong Bounleuth, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp VKK, một doanh nhân Lào gốc Việt thành đạt ở Vientiane

Nét Việt trên nước bạn Lào

Ở TP. Vientiane, tôi có dịp tiếp xúc với ông Bunthavong Bounleuth, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp VKK, một người gốc Việt đang ăn nên làm ra tại đây. Gia đình đã 2 thế hệ sống ở Lào, nhưng ông Bunthavong vẫn phát âm tiếng Việt rất rành rọt, không khác gì một người lớn lên ở Việt Nam. Ông kể, hiện tại, công ty ông vẫn nhập nguyên liệu từ Việt Nam.

Cộng đồng người Việt sang Lào làm ăn nhỏ lẻ rất đông. Họ mang các tinh hoa ẩm thực  Việt len lỏi khắp đất nước Lào. Tôi thấy thật thú vị khi được nếm đủ cả phở Hà Nội, bún bò Huế, canh cá Thái Bình… trên đất nước Lào. Hầu hết các quán ăn Việt ở Lào đều do người Việt mang sang và đương nhiên, hương vị của chúng không khác gì món ăn ngay tại Việt Nam.

Người Lào học ở Việt Nam cũng nhiều, không ít người sau đó về nước đi theo con đường kinh doanh và nhanh chóng trở thành những doanh nhân thành đạt. Ông Souksamone Sihathep, Chủ tịch Manignom Group và vợ đều từng học tại Học viện Ngân hàng của Việt Nam và đang sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh ô tô lớn là đại lý cho nhiều hãng xe nổi tiếng như Hyundai, Deawoo…

Ông Souksamone tỏ ra rất vui vẻ khi gặp những người bạn đến từ Việt Nam. Ông bảo, sẽ chẳng bao giờ quên thời sinh viên lang thang ở phố Chùa Bộc. Hiện ông cũng có rất nhiều người bạn Việt Nam, thỉnh thoảng có một vài người cũng đặt mua xe của ông đem về Việt Nam.

Ở Lào, không chỉ dễ dàng gặp được người Việt, mà người Lào nói được tiếng Việt cũng không hề hiếm. Trong thành phố, hầu hết những người buôn bán nhỏ lẻ đều có thể bập bẹ một vài từ tiếng Việt, những người nói tiếng Việt thành thạo cũng không hiếm.

Một buổi chiều, đang lang thang trên các con đường trong TP. Vientiane, tôi tình cờ đi gần một thanh niên vừa đi vừa huýt sáo một bài hát Việt Nam. Tôi đánh bạo cất tiếng chào bằng tiếng Việt và thật thú vị, anh bạn trẻ nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt khá thành thạo.

Anh cho biết có thời gian học ở Việt Nam, rất nhớ Hà Nội và mong sớm có ngày trở về thăm chốn cũ và một số người bạn. 

Đại gia Việt trên xứ sở Triệu Voi

Ở Lào, giới doanh nhân không ai không biết tiếng bà Lê Thị Lượng, Chủ tịch Tập đoàn Đào Hương (Đào Hương Group). Bà Lượng là một doanh nhân gốc Việt thành công bậc nhất ở Lào. Đào Hương Group được thành lập từ năm 1991, ban đầu hoạt động thương mại, sau chuyển sang kinh doanh xuất khẩu cà phê. Tập đoàn hiện có văn phòng chính tại Thủ đô Vientiane và 4 chi nhánh tại các tỉnh Champasak, Savannakhet, Luangprabang và Bolikhamxay.

Trong câu chuyện với chúng tôi về những bí quyết để thành công trên đất Lào, bà Lượng bộc bạch, chính nguồn gốc Việt Nam với những hiểu biết về quê hương xứ sở, những mối quan hệ còn duy trì ở Việt Nam đã trở thành nguồn tài sản vô cùng quý giá. Quê hương Việt Nam của bà vốn là một cường quốc về cà phê và bà Lượng đã biết tận dụng tối đa thế mạnh này.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt “kéo quân” sang Lào làm ăn trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, thủy điện, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng... Đặc biệt, thổ nhưỡng Lào rất hấp dẫn các doanh nghiệp ngành cao su.

Một dịp đến thăm nông trường cao su của Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk ở tỉnh Champasak, miền Nam nước Lào, tôi gặp anh Trần Văn Tính, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến mủ cao su của Công ty. Anh đặt chân sang Lào cách đây 9 năm, khi còn là một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên. Có lẽ, lúc ấy, anh không thể ngờ rằng, những hàng cao su trên đất này lại là những nhân chứng cho những sự kiện lớn nhất cuộc đời mình.

Sau 7 năm gắn bó với những cánh rừng cao su, anh bén duyên và nên vợ chồng với một cô gái cũng đến từ Việt Nam. Đến nay, họ đã có  cậu con trai hơn một tuổi ngoan ngoãn và kháu khỉnh. Cả gia đình đang sống những ngày hạnh phúc dưới màu xanh của những hàng cao su thân thương nơi đất bạn Lào.

Mối “lương duyên” giữa Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk với mảnh đất Nam Lào bắt đầu từ giữa năm 2004, khi tỉnh Đắk Lắk ký thỏa thuận hợp tác với 4 tỉnh Nam Lào phát triển cây cao su. Sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư Đắk Lắk  sang Lào khảo sát việc phát triển cây cao su. Vậy là Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk được thành lập để thực hiện dự án tại Lào.

Hồi ấy, những cán bộ, kỹ sư, công nhân đầu tiên của Cao su Đắk Lắk khăn gói lên đường đến vùng đất hoang sơ Nam Lào để gieo những mầm xanh đầu tiên. Và đến nay, sau 10 năm lớn mạnh và trưởng thành trên đất bạn Lào, Công ty đã có 8.911,86 ha cao su, với 3 nông trường tại tỉnh Champasak, 1 nông trường tại tỉnh Salavanh và 1 nông trường tại tỉnh Attapeu. Ngoài ra, Cao su Đắk Lắk còn có 307,35 ha cà phê, 607,83 ha điều.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ở Lào đã có sự hiện diện của 5 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Sacombank, SHB và MB. Trong đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên đặt chân đến Lào từ hơn 15 năm nay, thông qua việc thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank).

Ông Đoàn Việt Nam, Tổng giám đốc LaoVietBank cho biết, khách hàng chủ yếu của Ngân hàng là các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, các doanh nghiệp Lào và các nhóm khách hàng tư nhân, hộ cá thể. 

Nơi gửi gắm niềm tin

Kể về những cái khó trong hợp tác với Lào ở mảng tài chính - ngân hàng, ông Đoàn Việt Nam cho biết, khó khăn là thị trường thanh toán liên ngân hàng chưa phát triển, chủ yếu bù trừ bằng tay.

Hiện nay, những doanh nghiệp khắt khe về chất lượng lao động vẫn thường về Việt Nam tìm nhân sự. Khi đến thăm Đào Hương Group, chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng, trong số hàng nghìn cán bộ, công nhân của Công ty đang làm việc tại Lào, có tới 80% lao động được đưa từ Việt Nam sang. Khi tuyển lao động từ Việt Nam sang, Đào Hương chấp nhận các chi phí đi lại cho nhân công và bố trí mỗi người một căn hộ khang trang gần nhà máy.

Tiếp xúc và làm ăn với doanh nhân Lào rất dễ chịu. Người Lào thật thà, trung thực, trọng chữ tín, nên đã hợp tác là có thể tin tưởng. Một trong những yếu tố chi phối tính cách này của người Lào là đạo Phật.

Đi trong thành phố và cả những vùng ngoại ô của Lào, có thể bắt gặp khắp nơi dấu ấn của chùa chiền và các công trình kiến trúc Phật giáo. Dân số Lào hiện chỉ có hơn 6 triệu người, nhưng có tới 1.400 ngôi chùa và vì thế, Lào là quốc gia có tỷ lệ chùa chiền trên số dân cao nhất thế giới.

Kiến trúc chùa chiền ở Lào cũng khác so với kiến trúc chùa chiền của Việt Nam. Hình dáng bên ngoài của các ngôi chùa ở Lào thường khá cầu kỳ và mang phong cách kiến trúc Chăm-pa cổ.

Tuy nhiên, bên trong các ngôi chùa của Lào thường bài trí đơn giản hơn. Trong chùa thường luôn có một vị sư ngồi ngay giữa ban thờ chính để đón tiếp các tín chủ đến bái lễ, mỗi người sẽ được buộc sợi chỉ vào tay cùng một bài kệ ngắn, thể hiện sự cầu chúc cho sự an lạc trong tâm hồn và niềm tin vào những sự tốt lành…

Tin bài liên quan