Nhiều người giàu không muốn thể hiện mình là người có của cải lớn. Ảnh: Lauren Greenfield

Nhiều người giàu không muốn thể hiện mình là người có của cải lớn. Ảnh: Lauren Greenfield

Những bí mật người giàu không bao giờ kể cho bạn

Beatrice – một phụ nữ ngoài 30 tuổi sống tại New York cho biết cô thường xuyên bỏ mác giá quần áo, để người trông trẻ không nhìn thấy.

"Có lần, tôi đã xé mác của một chiếc bánh mỳ giá 6 USD", cô nhớ lại. Beatrice giải thích cô không muốn cảm thấy kém thoải mái vì sự chênh lệch mức sống giữa mình và người trông trẻ - một người nhập cư.

Gia đình cô có thu nhập 250.000 USD một năm và thừa kế khối tài sản vài triệu USD. Vì thế, so với người trông trẻ, "những lựa chọn của tôi là điên rồ. Bánh mỳ giá 6 USD cũng là điên rồ".

Một nhà thiết kế nội thất khác cũng tiết lộ các khách hàng giàu có của anh luôn tìm cách giấu mác giá, như của các món nội thất đắt đỏ, hoặc các đồ vật khác chuyển đến nhà họ "mà có giá quá lớn".

"Chúng sẽ bị bóc đi, hoặc ghi đè lên, để những người làm trong nhà không nhìn thấy", anh nói.

Giàu có thường gắn liền với hình ảnh khoe của. Mọi người tin rằng người giàu thích được chú ý, qua những hình ảnh, tin tức về họ xuất hiện hàng ngày.

Tuy vậy, trên New York Times, tác giả Rachel Sherman cho biết rất nhiều người thuộc top 1% thu nhập cao nhất Mỹ mà cô tiếp xúc đều cảm thấy mâu thuẫn với việc được coi là giàu. Họ vừa thích, vừa không thích điều đó.

Thay vì khoe khoang về tiền bạc, tài sản, họ chọn cách im lặng về lợi thế của mình. Họ cho biết mình cũng chỉ là những người "bình thường", làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm và muốn cách ly bản thân khỏi hình tượng thông thường về người giàu, như ích kỷ, khoe khoang, được thừa kế và có nhiều đặc quyền.

Sherman cho rằng những điều này đã nói lên cách mà sự bất bình đẳng về kinh tế được che giấu, điều chỉnh và duy trì trong xã hội Mỹ. Im lặng về tầng lớp xã hội có thể giúp người Mỹ cảm thấy chuyện cách biệt này không thành vấn đề.

Và việc phán xét người giàu theo hành vi cá nhân – như họ làm việc đủ chăm chỉ không, có tiêu dùng hợp lý không, có làm từ thiện nhiều không – sẽ khiến chúng ta xao nhãng về các vấn đề như bất bình đẳng trong phân phối của cải.

Giấu được mác giá không có nghĩa là giấu được đặc quyền, Sherman nhận xét. Người trông trẻ dù biết hay không biết giá bánh mỳ của cô chủ cũng vẫn ý thức được khoảng cách về tầng lớp.

Tuy nhiên, những hành động như vậy sẽ giúp người giàu kiểm soát được sự khó chịu về cảm giác bất bình đẳng. Nó cũng khiến vấn đề chênh lệch này rất khó nói thẳng, và cũng rất khó thay đổi.

Tin bài liên quan