Mọi việc trở nên đơn giản khi doanh nghiệp hiểu chúng tôi

Mọi việc trở nên đơn giản khi doanh nghiệp hiểu chúng tôi

(ĐTCK) Gặp nữ CEO này ngoài đời, ít ai tin rằng, đây là người phụ nữ đã có nhiều năm liền học tập và làm việc trên thị trường tài chính Mỹ. Ở cương vị Tổng giám đốc SSIAM, phụ trách nhiều khoản đầu tư vào công ty liên kết của công ty mẹ - SSI và trực tiếp ngồi trong HĐQT tại 4 DN lớn, lịch làm việc của bà LÊ LỆ Hằng dày đặc những chuyến công tác. Nơi bà đến có lúc là nhà máy, có lúc là cánh đồng, có lúc là các thị trường quốc tế, với mối quan tâm chính làm sao hỗ trợ nhiều DN phát triển hiệu quả hơn.
 

Hai năm liền đoạt giải CEO ngành quỹ của Tạp chí Asia Asset Management, cảm nhận của bà khi biết thông tin này là như thế nào?

Năm nay, ngoài 2 giải thưởng “Công ty quản lý quỹ tốt nhất Việt Nam” và “Tổng giám đốc của năm” mà SSIAM đã được nhận năm ngoái, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc của SSIAM chuyên phụ trách đầu tư, cũng được nhận giải thưởng “Giám đốc đầu tư của năm”. Khi nhận được tin vui này thì không chỉ tôi, mà toàn thể anh chị em ở SSIAM đều rất vui mừng. Danh hiệu này là sự khích lệ cho những cố gắng của chúng tôi trong thời gian qua.

Là người được giao phụ trách nhiều khoản đầu tư vào các công ty liên kết của SSI, đặc biệt là các DN trong ngành nông nghiệp, xin bà chia sẻ một vài khó khăn khi một tổ chức tài chính chuyên nghiệp như SSI tìm đến với các DN ngành nông nghiệp là gì?

Nếu nói là khó khăn thì chắc không việc gì không có khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khi tiếp cận DN và biết làm sao để DN hiểu rằng, chúng tôi sẽ cùng đồng hành hỗ trợ họ phát triển lâu dài, thì mọi việc trở nên đơn giản hơn.

Phần lớn các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đều có quy mô nhỏ/manh mún, nên chưa được quản lý và quản trị một cách chuyên nghiệp ở quy mô kinh doanh lớn, thiếu định hướng, tầm nhìn và kế hoạch chiến lược phát triển trong dài hạn. Do đó, trong thời gian đầu, doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang mô hình quản lý, quản trị công ty theo hướng chuyên nghiệp, rõ ràng, minh bạch, cũng như việc xây dựng và thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển trong dài hạn. SSI đã nỗ lực đóng góp trong quá trình chuyển đổi này và có kết quả rất tích cực ở nhiều công ty liên kết.

Nhận định của bà về triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam?

Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 21% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt điều chính trên thế giới. Năm 2013, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 27,4 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,1 tỷ USD và giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đạt khoảng 6,7 tỷ USD. Với việc tiêu dùng trong nước gia tăng, các thị trường xuất khẩu mới và sự hỗ trợ từ chính phủ và các nhóm xúc tiến thương mại, chúng tôi nhìn nhận trong những năm tới, ngành này sẽ tăng trưởng mạnh. 

Tiềm năng tăng trưởng của ngành nông nghiệp cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Cơ sở hạ tầng cho ngành vẫn còn kém, quy mô nhỏ và nhiều việc vẫn thực hiện thủ công, do vậy dẫn đến năng suất thấp và chất lượng chưa cao.

Năm 2013, SSIAM là một trong số ít công ty quản lý quỹ Việt Nam ký kết với đối tác ngoại triển khai việc lập quỹ mới. Quỹ mới có mục tiêu đầu tư vào ngành nông nghiệp

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị định giá quá thấp mà vẫn khó bán ở thị trường quốc tế. Nguyên nhân vì sao, theo bà?

Nhìn chung, do trong một thời gian dài, Việt Nam quá chú trọng vào sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, mà ít thực sự chú trọng đến chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng (mức độ chế biến sâu) và thương hiệu của sản phẩm. Đây là lý do Việt Nam đã tự “định vị” mình trên thị trường xuất khẩu nông sản thế giới như một nước xuất khẩu nguyên liệu thô, chất lượng thấp và giá thấp. Trong vị thế như vậy, Việt Nam sẽ thường bị ép giá và bị chi phối bởi các nhà đầu cơ hàng hóa (commodity speculators). Vì thế, ngay cả khi bán với giá rẻ, các sản phẩm nông nghiệp của nước ta cũng khó bán, nhất là khi xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển biến rất tích cực, theo hướng sản xuất sản phẩm chất lượng cao và giá trị cao, hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Xu hướng này đang diễn ra và đã được Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ tích cực thông qua Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp 2012 - 2020, được chính thức phê duyệt giữa năm 2013 và đang được triển khai.  

Bà đánh giá như thế nào về khả năng phát triển của 2 DN đứng đầu ngành giống - NSC, SSC, 2 DN này có tên trong TOP 10 DN quy mô nhỏ và vừa tốt nhất Việt Nam, theo bình chọn của Forbes? 

Theo tôi đánh giá, NSC và SSC đang có những lợi thế và chiến lược để phát triển bền vững. Đây là những công ty hàng đầu ngành gống, với những đặc điểm riêng có như hiểu biết sâu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và các quan hệ hợp tác sản xuất tại các địa phương; có hệ thống phân phối rộng khắp các tình thành và mở rộng sang Lào và Campuchia, ít chịu sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.

Về phía SSI, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục giúp các DN này chuyển từ đẩy mạnh sản lượng sang nâng cao chất lượng, mở rộng sản xuất, tiến tới hợp nhất chuỗi giá trị sản xuất từ giống cây trồng đến sản phẩm cuối để giữ vững và gia tăng hiệu quả hoạt động. 

Trên cương vị CEO của SSIAM, xin bà chia sẻ dự cảm của mình về TTCK Việt Nam năm 2014 và hoạt động của SSIAM trong năm này?

Những lo sợ về bất ổn của nền kinh tế cũng đã qua và chúng tôi tin kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát sẽ được kiềm chế. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với bài toán nợ xấu. Những sự kiện như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và Hiệp định hợp tác thương mại TPP, nếu được thực thi, sẽ có ảnh hưởng tốt tới TTCK trong năm 2014. 

Với SSIAM, trong năm tới, ngoài việc gia tăng giá trị đầu tư, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn việc đa dạng hóa sản phẩm để tiếp tục nâng tổng tài sản quản lý danh mục lên cao hơn nữa.                                   

Chủ tịch SSI:  Năm 2014 là năm nhiều cơ hội với DN sản xuất

Mọi việc trở nên đơn giản khi doanh nghiệp hiểu chúng tôi ảnh 2

Đánh giá về cơ hội năm 2014, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, trong năm này, những ngành sản xuất, kinh doanh hàng hóa sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kiềm chế lạm phát, giữ mặt bằng lãi suất ở mức vừa phải để tiếp sức cho các DN, nhất là DN ngành sản xuất. Năm 2014, khi Việt Nam đàm phán thành công việc gia nhập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương thì cơ hội cho các DN ngành sản xuất sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa.

Nếu triển vọng của các DN ngành sản xuất là tích cực, thì Chủ tịch SSI cho rằng, “phần xám” của năm 2014 là nợ xấu ngân hàng và thị trường bất động sản khó khăn vẫn còn “treo” ở đó. Cũng vì thế cơ hội để TTCK bứt phá năm 2014 là chưa rõ ràng, do trong rổ tính chỉ số chứng khoán có rất nhiều cổ phiếu lớn ngành ngân hàng, bất động sản.

Về phía SSI, người đứng đầu Công ty không chia sẻ cụ thể, nhưng khẳng định, SSI sẽ phát triển ổn định và mạnh mẽ hơn trong năm 2014.