Lãnh đạo giỏi là người biết xây dựng niềm tin

Lãnh đạo giỏi là người biết xây dựng niềm tin

Để xây dựng một đội ngũ giỏi, các thành viên có thể tương tác hiệu quả cùng nhau, hoàn thành tất cả mục tiêu chung trong khi vẫn duy trì tinh thần làm việc thoải mái, không gì quan trọng hơn yếu tố niềm tin.

Niềm tin cho phép lãnh đạo giỏi chỉ việc giao phó công việc mà không cần phải suy nghĩ, lo lắng xem công việc đó có chắc được hoàn thành tốt hay không. Niềm tin thúc đẩy giao tiếp cởi mở, hiệu quả hơn và giúp nhân viên cảm thấy mình thực sự thuộc về công ty/tổ chức.

Tuy nhiên, niềm tin không phải là yếu tố có thể hiển hiện một cách tự nhiên và dễ dàng. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là phải truyền cảm hứng và tạo ra niềm tin đó trong môi trường làm việc của đội ngũ.

Sau đây là những “bí kíp” của các nhà lãnh đạo hàng đầu trong doanh giới:

1. Kiên nhẫn

Khi doanh nghiệp còn ở giai đoạn khởi đầu, nhiều doanh nhân muốn thúc đẩy mọi thứ đi nhanh hết mức có thể, nhưng điều này có thể tạo nên môi trường kém thoải mái cho nhân viên. Áp lực làm việc là yếu tố cần thiết nhưng quá nhiều áp lực dễ khiến nhân viên cảm thấy mình vô giá trị trừ khi phải đạt được một mục tiêu “thần kỳ” nào đó.

Sự thiếu kiên nhẫn cũng có thể khiến nhân viên nghi ngờ về động cơ làm việc cũng như khả năng dẫn dắt đội ngũ của lãnh đạo. Vì vậy, hãy thoải mái trong suy nghĩ, hành động và thể hiện sự hiểu biết khi có sai sót xảy ra.

2. Bình tĩnh

Lãnh đạo là người sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc mang tính thách thức cảm xúc, thường trực tiếp đến từ hành động của nhân viên. Trong những lúc đó, lãnh đạo có thể bày tỏ cảm xúc một cách tự do, ngay cả những cảm xúc tiêu cực, nhưng nên ở trong giới hạn có thể kiểm soát.

Bởi khi lãnh đạo thể hiện cảm xúc một cách mạnh mẽ đến mức mất kiểm soát, nhân viên sẽ cảm thấy họ là người không vững vàng. Họ sẽ sợ phải báo cáo về những thông tin, tình hình xấu, đồng thời niềm tin đối với môi trường làm việc cũng sẽ sụt giảm.

3. Minh bạch

Lãnh đạo hãy minh bạch càng nhiều càng tốt trong từng hành động, để nhân viên biết những gì lãnh đạo đang suy nghĩ, những động lực thúc đẩy họ lèo lái công ty theo một định hướng cụ thể và bất kỳ nỗi nghi ngờ cũng như mối quan tâm nào.

Nhà lãnh đạo đóng vai trò như một hình mẫu cho nhân viên, họ càng hành động minh bạch bao nhiêu, nhân viên cũng sẽ càng minh bạch bấy nhiêu. Nhờ đó, họ cũng chiếm được nhiều tình cảm hơn từ nhân viên.

4. Cởi mở

Để xây dựng niềm tin, những nhà lãnh đạo giỏi luôn thiết lập một môi trường mở để khuyến khích tất cả nhân viên thể hiện suy nghĩ, ý kiến riêng. Họ luôn tạo điều kiện để mọi nhân viên được lên tiếng và đảm bảo những thành viên còn lại phải thể hiện sự tôn trọng và tất cả mọi người đều lắng nghe nhau.

5. Linh hoạt

Thể hiện một chút linh hoạt ở nơi làm việc cũng có thể góp phần xây dựng niềm tin hiệu quả, chẳng hạn như cung cấp thêm ngày nghỉ, những giờ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa... Khi nhân viên cảm thấy thoải mái hơn ở chỗ làm, họ sẽ làm việc như thể đó là ngôi nhà thứ hai và đối xử với đồng nghiệp như những thành viên trong gia đình.

6. Phản hồi đa chiều

Khi lãnh đạo phản hồi thẳng thắn với nhân viên (dù tích cực hay tiêu cực, chỉ cần mang tính xây dựng), họ cho thấy mình thật sự quan tâm đến sự phát triển của nhân viên. Khi nhân viên đưa ra phản hồi với lãnh đạo và nhận được sự lắng nghe chân thành, họ sẽ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn. Cách trao – nhận thông tin này sẽ tạo tiền đề để việc phản hồi hiệu quả hơn trong những vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn.

7. Tạo điều kiện cho nhân viên tăng cường tương tác với nhau

Lòng tin trong nhân viên được xây dựng dựa trên sự tương tác hiệu quả với nhau, nhưng không nhất thiết phải luôn trong công việc mà có thể trong những khoảng thời gian bên ngoài văn phòng như những hoạt động xây dựng tinh thần đội nhóm (teambuilding), trong giờ ăn trưa, những buổi trò chuyện sau giờ làm… Bởi vì để tin tưởng và hỗ trợ đồng nghiệp mình, trước tiên, nhân viên cần có cơ hội tìm hiểu và quan tâm lẫn nhau dưới góc độ cá nhân.

Tin bài liên quan