Không để khoảng trống người kế nhiệm

Không để khoảng trống người kế nhiệm

(ĐTCK) Bồi dưỡng, chọn được người kế nhiệm phù hợp và chuyển giao quyền lực thành công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu, cũng là minh chứng cho thấy sức sống và tiềm năng tiếp tục phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp. Nhưng không phải doanh nhân nào cũng làm tốt vai trò này. 

Tại lễ ký kết hợp tác giữa Asam Việt Nam, công ty quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, rót 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG, ngoài nhân vật số 1 tại TNG là ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty, báo chí còn chú ý đến con trai ông, Nguyễn Đức Mạnh - người đang được giao trực tiếp phụ trách TNG Fashion.

Với bản lĩnh quyết đoán và tầm nhìn xa, ông Thời đã chèo lái TNG từ một doanh nghiệp thua lỗ triền miên trở thành một trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, sở hữu 11 chi nhánh may và 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 228 chuyền may.

Bên cạnh đó, một chiến lược dài hơi hơn nhằm khẳng định vị thế tại thị trường trong nước với hệ thống chuỗi cửa hàng TNG Fashion Store giới thiệu và bán các sản phẩm mang thương hiệu TNG. Chi nhánh thời trang TNG hiện có 8 chuyền may với 26 cửa hàng và 12 đại lý trên hơn 20 tỉnh thành tại Việt Nam, chủ yếu tại phía Bắc.

Sản xuất theo phương thức ODM (lên ý tưởng, thiết kế, chào bán) rất vất vả, nhưng bù lại, lợi nhuận gộp có thể tới 40%. TNG Fashion hiện chiếm 5% doanh thu, Công ty đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng lên 20 - 25% trong 10 năm tới. 

Dù đã từng thất bại ở thị trường Mỹ với dự án bán hàng mang thương hiệu TNG, ông Thời và con trai vẫn đang nuôi giấc mơ bán hàng thương hiệu TNG ra thế giới.

Để thực hiện điều này, dường như vị chủ tịch tin và đang đặt trọng trách lớn lên vai con trai. Đây cũng là dự án chứng minh bản lĩnh và năng lực của một trong những ứng viên có thể chèo lái con tàu doanh nghiệp trong tương lai.

Ngoài Nguyễn Đức Mạnh, cậu con trai thứ hai của ông Thời hiện đang phụ trách Chi nhánh TNG tại Mỹ. Là con trai Chủ tịch, nhưng anh cũng phải chịu định mức không dễ thực hiện và áp lực thường xuyên. Dù vậy, ông Thời vẫn được xem là người hạnh phúc, bởi có 2 con trai cùng đam mê và tâm huyết với sự nghiệp của gia đình.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp mà người lãnh đạo phải đắn đo cân nhắc về chuyện tìm người kế nhiệm, khi con cái không muốn theo nghiệp kinh doanh hoặc nếu có lại chẳng đủ tài năng.

Có tư duy cấp tiến, mong muốn doanh nghiệp trường tồn, chắc hẳn ông chủ doanh nghiệp (hay nói đích xác hơn là người có nhiều cổ phiếu hoặc có đa số vốn) sẽ không lăn tăn mà chọn một người ngoài. Vingroup, Vicostone, Vĩnh Hoàn… đã có những lựa chọn như thế.

Đầu năm 2016, khi bà Trương Thị Lệ Khanh chuyển giao ghế tổng giám đốc cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, có không ít cổ đông băn khoăn, liệu doanh nghiệp có chững lại. Song với động thái này, Vĩnh Hoàn đã đưa ra thông điệp rằng:

Doanh nghiệp đang tiến bước trong quá trình hoàn thiện quản trị Công ty, tách bạch ghế Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và đủ mạnh sẽ dẫn dắt Công ty hoàn thành các chiến lược, mục tiêu lớn mà HĐQT đặt ra. Điều này cũng thể hiện quan điểm quản trị hiện đại của bà Khanh và Vĩnh Hoàn khi sẵn sàng chào đón và phát triển các tài năng mới trong hành trình tương lai của mình.

Nhưng cũng có một số nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu cuộc chuyển giao quyền lực tại Vĩnh Hoàn chỉ có ý nghĩa trên giấy? Liệu tổng giám đốc có thực quyền?

Trao đổi Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia về quản trị công ty cho rằng, về mặt quản trị công ty, đại diện theo pháp luật không phải là chức danh quan trọng, quan trọng hơn là xem xét kỹ cơ chế điều hành của tổng giám đốc, cơ chế ủy quyền của người đại diện theo pháp luật, mà ở đây là bà Khanh cho bà Tâm.

Nếu không gian dành cho tổng giám đốc vẫn đủ lớn, để họ chủ động, sáng tạo và điều hành hiệu quả nhằm đạt những mục tiêu mà HĐQT đặt ra, không thể coi việc chuyển giao người kế nhiệm là “trên giấy”.

Chủ tịch công ty giữ quyền đại diện theo pháp luật ở một số góc độ là thể hiện tính chịu trách nhiệm cuối cùng của họ với doanh nghiệp. Theo luật, trong trường hợp doanh nghiệp có sai sót, người đại diện theo pháp luật là người chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý, cơ quan chức năng sẽ “túm” vị chủ tịch doanh nghiệp để quy trách nhiệm trong những trường hợp này.

Chuyển những băn khoăn của các nhà đầu tư tới bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, vị CEO của Vĩnh Hoàn cho biết, bà được ủy quyền ra nhiều quyết định quan trọng, được phê duyệt các hạn mức tài chính, ký kết các hợp đồng của Công ty.

Nhìn chung, Ban điều hành Vĩnh Hoàn có sự chủ động trong việc lập kế hoạch và thực thi các giải pháp để đạt được kế hoạch đã đề ra. Quan trọng hơn, kể từ khi có CEO mới, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn đã liên tục tăng trưởng.

Dẫu vậy, băn khoăn của thị trường về câu chuyện quản trị tại các doanh nghiệp khi có sự thay đổi điều lệ Công ty như trên không hiếm. Bởi ở không ít doanh nghiệp

Việt, ghế tổng giám đốc chỉ mang danh, còn quyền lực thực sự, việc điều hành lại nằm trong tay chủ tịch, người đại diện theo pháp luật. Sự lẫn lộn chức năng của HĐQT và Ban điều hành rất phổ biến.

Ông Đoàn Đức Thuận, Chuyên gia Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị cho rằng, theo xu hướng hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn lên sẽ phải tách bạch hai chức năng trên càng sớm càng tốt. Đã dùng người thì phải tin người, nếu cứ “ôm đồm”, các ông chủ sẽ khó đưa doanh nghiệp tiến xa.

Tin bài liên quan