Ông Huy Nhật – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Huy Việt Nam. (Ảnh: HUy Viet Nam)

Ông Huy Nhật – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Huy Việt Nam. (Ảnh: HUy Viet Nam)

Hào quang với doanh nhân Huy Nhật vụt tắt khi chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa

(ĐTCK) Mới đây, chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa toàn bộ chi nhánh và bị tố nợ lương nhân viên hơn 2 tháng, quá hạn thanh toán cho nhiều nhà cung cấp hàng tỷ đồng gây xôn xao trong cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực ẩm thực. Doanh nhân Huy Nhật, người một thời từng là biểu tượng thành công của mô hình kinh doanh chuỗi, giờ đây hào quang vụt tắt.

Thương hiệu Huy Việt Nam

Chuỗi nhà hàng Món Huế thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, trụ sở đặt tại  302-304 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM.

Được thành lập vào năm 2006, Huy Vietnam hiện đang điều hành hơn 200 nhà hàng trên toàn Việt Nam, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh Mì & Cafe và Phở 99.

Trong đó, thương hiệu Món Huế ra đời sớm nhất và cũng mạnh hơn cả, có độ phủ ở trên cả nước. Nhà hàng Món Huế đầu tiên được khai trương vào tháng 1/2007. Đây cũng là mốc thời gian doanh nghiệp mở bếp trung tâm tại TP.HCM.

Ngoài ra Huy Việt Nam còn sở hữu các thương hiệu khác như Cơm Thố Cháy, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant, TP Tea và Mì Quảng Bếp Tâm. Đối tượng khách hàng mà chuỗi nhà hàng của Huy Việt Nam hướng tới là những người trung lưu trẻ tuổi, đang dần thích nghi với thói quen ra ngoài ăn uống.

Ông chủ đứng sau Huy Việt Nam là ai?

Huy Việt Nam được sáng lập bởi doanh nhân Huy Nhật, sinh năm 1974, vốn là một cái tên khá nổi tiếng trong giới kinh doanh nhà hàng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, ông Huy Nhật đã thành công ở Trung Quốc với chuỗi nhà hàng Huy Long Viên. Ông cũng có bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế ở Mỹ.

Theo công ty Huy Việt Nam, ông Huy Nhật chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing.

Một cái tên đáng chú ý không kém đó là Dennis Nguyễn, Phó chủ tịch của Huy Việt Nam. Ông Dennis Nguyễn chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của công ty.

Giữ vai trò chủ tịch của New Asia Partner, một quỹ đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi châu Á, ông Dennis Nguyễn đóng vai trò là người kết nối Huy Nhật với các quỹ đầu tư.

Đầu năm 2017, người đại diện theo pháp luật của công ty Huy Việt Nam là bà Trần Thị Thanh Tâm, sinh năm 1948. Theo thông tin trên website doanh nghiệp, bà Tâm là đồng sáng lập và bếp trưởng của công ty, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, khâu chuẩn bị thực phẩm và kiểm soát chất lượng, nghiên cứu phát triển các công thức nấu món và quản lý đội ngũ đầu bếp.

Đến tháng 5/2017, vai trò người đại diện theo pháp luật của công ty Huy Việt Nam chuyển từ bà Tâm sang ông Huy Nhật. Ông Huy Nhật giữ chức danh giám đốc kiêm tổng giám đốc doanh nghiệp.

Ông Huy Nhật và bà Thanh Tâm có chung địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, TP.HCM.

Tuy nhiên, đến ngày 2/10, thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.

Không giống ông Huy Nhật và bà Thanh Tâm, ông Quỳnh Anh không được giới thiệu trong phần thông tin về ban lãnh đạo công ty trên website doanh nghiệp.

Từng là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới khởi nghiệp

Theo Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, công ty Huy Việt Nam chính thức thành lập vào tháng 6/2015. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng. Chủ doanh nghiệp là pháp nhân Huy Vietnam Limited có trụ sở ở Hong Kong.

Trước khi chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt và bị tố nợ tiền nhà cung cấp, công ty Huy Việt Nam từng được xem là điển hình gọi vốn nhanh và thành công trong giới khởi nghiệp, tạo dựng được làn sóng ẩm thực mới cho các món ăn Việt Nam.

Hào quang với doanh nhân Huy Nhật vụt tắt khi chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa ảnh 1

Huy Việt Nam từng 3 lần được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn, với tổng số tiền 65 triệu USD, trong đó, lớn nhất là Quỹ Templetin Asset Management. Ngoài Templeton, các quỹ đầu tư khác như Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners hay Welkin Capital đều đang là chủ sở hữu của Huy Viet Nam.

Cuối năm 2014, công ty Huy Việt Nam gọi vốn thành công vòng Series B (thời điểm đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn phát triển bằng cách mở rộng thị trường) với số tiền 15 triệu USD từ các nhà đầu tư ở Malaysia, Hàn Quốc và Hong Kong.

Tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công vòng series C (thời điểm đầu tư để thúc đẩy bán hàng và gia tăng lợi nhuận) với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Khoản tiền này được rót từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mỹ Mark Mobius quản lý.

Cũng trong năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam dậy sóng khi Huy Việt Nam nộp hồ sơ IPO ở Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEx), số vốn huy động được dự kiến sẽ lên tới 100 triệu USD.

Tuy nhiên, Huy Việt Nam không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà là đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). Lý do là HKEx chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. Việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này.

Giữa năm 2017, công ty Huy Việt Nam khởi công xây dựng dự án hai nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội. Tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp đổ vào hai nhà máy này ước tính lên tới 40 triệu USD.

Vào tháng 1/2017, vốn điều lệ của công ty Huy Việt Nam là 500 tỷ đồng với 100% vốn nước ngoài. Đến tháng 4/2017, công ty tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến lần điều chỉnh vốn gần nhất vào tháng 4 năm nay, doanh nghiệp giảm một nửa vốn điều lệ xuống còn hơn 600 tỷ đồng.

Tin bài liên quan