Góc khác của một gia tộc phi thường

Góc khác của một gia tộc phi thường

(ĐTCK) Dr. Thanh gợi nhắc tôi hình ảnh về một người ông yêu quý mà tôi muốn ngồi xuống để học hỏi và trò chuyện. Ông có sự thông tuệ và cả sức bền rất lớn, cũng như có rất nhiều kinh nghiệm đằng sau khát vọng của mình. Ông là mẫu người có thể cạnh tranh với người khổng lồ ở Mỹ. 

Ông lập nghiệp ở thời điểm đại khó khăn với hai bàn tay trắng, nhưng đã xây dựng được một gia tộc phi thường. Đó là một phần chia sẻ của Giám đốc Nhà xuất bản ForbesBooks - nơi năm 2018 đã xuất bản cuốn sách về kinh doanh đầu tiên của Việt Nam đến toàn cầu “Vượt lên người khổng lồ” để kể câu chuyện về một doanh nghiệp, về sức mạnh từ Việt Nam.

Lần thứ hai được trò chuyện với Dr. Thanh, tôi có vinh dự được cùng trao đổi với cánh tay mặt của ông - người phụ nữ định mệnh đã đi cùng ông qua 40 năm cuộc đời. Ðiều làm tôi ấn tượng là những tình cảm ông bà dành cho nhau sau bao nhiêu năm vẫn đầy chất thơ, với đủ đầy yêu thương, nồng ấm.

Một điều nữa, tôi cứ muốn được hiểu thêm khi đọc cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” bởi khi đó, bà để cho tôi một thắc mắc rất lớn về sự tĩnh tâm của một người phụ nữ. “Ba đừng buồn, mình sẽ làm lại”. Bà đã nói với chồng mình như thế khi nhận thông tin khoản 5.190 tỷ đồng tiền gửi vào một ngân hàng - số tiền tích lũy sau nhiều năm, đang để dành cho việc xây dựng 3 nhà máy mới - sẽ mất trắng. Tôi quyết định dành câu hỏi này cho cuối cuộc phỏng vấn của mình.

Sau chuyện “con ruồi”, chuyện dây chuyền Aseptic được đầu tư với hàng trăm triệu USD tại Việt Nam, 2 cuốn sách của Trần Uyên Phương ra mắt bạn đọc đã tạo nên nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhiều doanh nhân Việt Nam và quốc tế, bằng những câu chuyện cụ thể của một gia đình Việt, xây dựng nên một tập đoàn, một đế chế kinh doanh đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Tân Hiệp Phát đã khẳng định sức mạnh của thương hiệu Việt, vượt qua mọi giông bão để đi bền trên thương trường.

Nếu đo bằng các con số, Tân Hiệp Phát được định danh bằng nhiều kỷ lục: Top 100 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam; Top 200 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất; được trả giá 2,5 tỷ USD từ năm 2012… Nhưng phía sau những con số này là gì? Tri thức, bản lĩnh, sự tự tin và khát vọng cháy bỏng của doanh nhân Dr. Thanh là ngọn đuốc, là đường băng đưa “con tàu” Tân Hiệp Phát vươn xa, thì nguồn nguyên liệu nuôi dưỡng sức mạnh ấy chính là tình yêu và tâm thái sống như một đóa hoa của người phụ nữ đặc biệt bên ông. Bà đã âm thầm giữ gìn và lan tỏa sức bền nội lực trong đại gia đình Tân Hiệp Phát.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, Ðầu tư Chứng khoán xin giới thiệu cuộc phỏng vấn, tìm hiểu góc khác tạo nên thành công của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Hy vọng chia sẻ về tình yêu và tâm thái sống của nhà sáng lập Tập đoàn sẽ giúp bạn đọc có thêm một cảm thọ, một góc nhìn, một bài học để đi đến và đi bền với thành công. 

Ông bà đã có 40 năm đi bên nhau để tạo nên Tân Hiệp Phát nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, đó chắc chắn là một cuộc hôn nhân giá trị và hiếm có. Theo ông, hôn nhân là duyên, là sự sắp đặt của định mệnh hay là con người có thể làm chủ hạnh phúc của mình?

Theo tôi, hôn nhân vừa là duyên, vừa là định mệnh, vừa là việc chúng ta phải có sự chọn lựa. Hôn nhân là mình chọn người bạn đời để cùng nhau thực hiện một hoài bảo, một mục tiêu của cuộc sống. Vì thế, mình phải chọn một người bạn đời giống như một người đồng chí để chia sẻ, để hỗ trợ nhau và để mang lại hạnh phúc cho nhau thông qua việc chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa và có mục đích.

Việc chọn một người bạn đời dựa vào cái mình cho là giá trị cốt lõi, lựa chọn trên sự phù hợp và bổ sung cho nhau. Khi người đàn ông gặp khó khăn, thách thức, người vợ chính là người giữ ấm, là điểm tựa cho người chồng tìm lại sức mạnh và ngược lại, như thế mới tạo ra được sự bền vững. Sau 40 năm chung một con đường, tôi tự hào khi chọn được người bạn đời như ý. Tôi thường chia sẻ rằng, tuổi trẻ người ta cùng nhau sống với tình yêu, còn tuổi già giữ nhau bằng kỷ niệm.

Góc khác của một gia tộc phi thường ảnh 1

"Chúng ta, mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, nên làm sao sống cho thực sự có ý nghĩa. Với gia đình Tân Hiệp Phát, chúng tôi dám đặt mục tiêu xa và luôn nỗ lực thực hiện." Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.

“Chuyện nhà Dr Thanh” cho thấy, con đường để xây dựng một doanh nghiệp thành công phải trải qua quá nhiều thách thức, phải đánh đổi quá nhiều. Ai đó đã nói “Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống”, vậy nếu thời gian quay trở lại được như thời ông bà ở tuổi 20, liệu ông có chọn lựa lại một cuộc đời như đã sống?

Cuộc sống mà không có mục tiêu, không có lý tưởng thì sẽ không có ý nghĩa. Ðúng là chúng ta, mỗi người chỉ có một cuộc đời, nên làm sao sống cho thực sự mình thấy là có ý nghĩa. Với gia đình mình, chúng tôi đã nỗ lực tối đa, dám đặt mục tiêu xa và nỗ lực thực hiện. Mọi sự vấp ngã đều phải đứng lên và tiếp tục bước đi. Nếu được sống trở lại như tuổi 20, tôi nghĩ rằng, tôi cũng sẽ nỗ lực làm tất cả hết sức mình.

Tôi luôn tâm niệm rằng, cuộc sống mà mình đóng góp được cái gì, tạo được những hoạt động gì có ích cho người khác, có ích cho gia đình, có ích cho xã hội thì mình sẽ được ghi nhận và những cột mốc đó sẽ là những kỷ niệm đẹp đẽ khi về già. Chúng ta được sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau trên trái đất này, nhưng cuối cùng sẽ đều về với Ðất Mẹ, khi về không mang theo được gì cả, mà chỉ để lại những sự nhắc nhớ về cuộc đời mình. Tôi cũng thấy rằng, khi làm việc một cách đam mê, làm việc thỏa mãn mục tiêu của mình thì cuộc đời là một cuộc chơi thú vị và đầy ý nghĩa.

Tôi từng được nghe ông chia sẻ rằng ông thường làm việc 16 tiếng mỗi ngày, vậy có khi nào ông cảm thấy tiếc là đã không dành nhiêu thời gian, chứ không phải là gia sản hay kinh nghiệm đường đời cho vợ và các con của mình không, thưa ông?

Tôi thường tự thách thức bản thân, tự đặt mục tiêu rất thách thức và nỗ lực thực hiện với mong muốn đem được thành quả về cho những người thân yêu, cho gia đình, cho xã hội. Thách thức càng lớn, sự trải nghiệm càng thú vị. Tôi không quan niệm mình phải làm việc, mà là mình trải nghiệm cùng công việc để mang lại một thành quả, một lợi ích cho gia đình và cho xã hội.

Góc khác của một gia tộc phi thường ảnh 2

Ðối với các con, tôi luôn tâm niệm mình phải làm gương. Các con phải học tập cái gương đó để tìm thấy niềm vui trong công việc và phải tự trang bị cho mình một năng lực cốt lõi để đủ khả năng đương đầu với cuộc sống. Muốn cho con biết bơi, chẳng có cách nào khác, chỉ có cách đạp nó xuống nước thôi, uống vài ba ngụm nước, tập tễnh rồi từ từ nó sẽ biết bơi, chứ cứ đứng trên bờ ta dạy lý thuyết bơi là phải thế này, quơ tay như thế này thì nó không thể biết bơi được. Mọi thứ rèn luyện, đào tạo, huấn luyện thì đều phải mệt nhọc, vất vả và đôi khi phải đau đớn nữa.

Cuộc hôn nhân của ông bà dường như rất đúng với một câu mà người xưa để lại là “Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Trên nền tảng của một gia tộc phi thường, như cách Giám đốc Forbes Books mô tả, ông bà chuẩn bị gì cho người tiếp nối sự nghiệp của Tập đoàn?

Ðể có thể duy trì sự nghiệp đòi hỏi hai khả năng, một là khả năng quản trị và hai khả năng là khai thác, kiếm tiền. Mỗi người con sinh ra đều có một cá tính, nhưng đều được đào tạo để kế tiếp hoài bão, để đưa tầm nhìn của Tân Hiệp Phát thành một công ty hàng đầu châu Á. Các con chúng tôi cũng được đào tạo để hiểu thế nào là “thừa kế” và “kế thừa”. Nếu cho rằng “thừa kế” tức là chỉ cần tiếp nhận di sản của gia đình để lại rồi tiêu xài thoải mái thì sẽ hoàn toàn khác với “người kế thừa”.

Kế thừa là tiếp nhận hoài bão và tiếp tục thực hiện hoài bão đó, tiếp tục di sản, không coi là của mình mà coi là của con mình để phát huy di sản và chuyển giao cho con một cách đầy đủ, trọn vẹn. Cho nên đó là một sự nỗ lực, hy sinh. Di sản càng lớn thì đòi hỏi năng lực và thách thức càng lớn, thành ra nếu không có kinh nghiệm và lúc nào cũng sợ rủi ro thì chắc chắn không bao giờ thành công, nhưng nếu không đủ kinh nghiệm và không sợ rủi ro thì chắc chắn thất bại. Người kế thừa phải có khả năng để vận dụng một cách khéo léo, nhuần nhuyễn để có thể khai thác cơ hội và vẫn quản lý được rủi ro trong kinh doanh.

Thế giới đã có rất nhiều định nghĩa về tình yêu, nhưng tôi vẫn mong ông chia sẻ và góp thêm một định nghĩa về tình yêu nữa rút ra từ cuộc hôn nhân của ông bà?

Như tôi chia sẻ, khi mình chọn một người vợ làm người bạn đời là phải tìm người cùng chung chí hướng, cùng hoài bão, cùng giá trị cốt lõi, thì mới có thể bổ sung, bù đắp cho nhau. Trong cuộc sống, những lúc vui sẽ dễ dàng đón nhận, nhưng lúc khó khăn thì phải biết chia sẻ và bổ sung cho nhau, giúp cho nhau vượt mọi sóng gió. Sự bền vững của hạnh phúc gia đình được xây nên từ sự thấu hiểu và chia sẻ và tôi may mắn có sự lựa chọn đúng ngay khi quyết định chọn người bạn đời của mình.

Khi trao truyền vai trò thuyền trưởng cho người kế nhiệm, ông có muốn người kế nhiệm sống hết mình với thành công của Tập đoàn, tức là nếu cần sẽ hy sinh những hạnh phúc đời thường vì mục tiêu của tổ chức hay không?

Mỗi con người đều nên cân bằng giữa thành công và hạnh phúc. Không nên hy sinh cái này vì cái khác. Người đàn ông thường có thiên hướng theo đuổi sự nghiệp, nhưng thực tế không dễ gì tạo được sự nghiệp, phải dồn công sức cho sự nghiệp của mình, nhìn vào thước đo của sự thành công. Ðiểm cân bằng chính là hạnh phúc gia đình. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu mình biết yêu, mang hạnh phúc cho nhiều người và nhân lên tình yêu ấy.

Trong đời đại công nghệ số, thế giới chuyển động quá nhanh, ngày càng có nhiều bạn trẻ trở nên bị động với cuộc sống. Xin ông chia sẻ định nghĩa của ông thế nào là một người thành công và cho các bạn trẻ lời khuyên nên xây dựng cuộc sống như thế nào để không hối tiếc khi thời gian đi qua?

Hối tiếc lớn nhất, hay nói cách khác thất bại ngay từ đầu là con người sống không có mục đích, không có lý tưởng để chúng ta xây dựng khát vọng. Cho nên, nếu chúng ta chưa có được mục đích thì rõ ràng nếu phân tích sâu sắc thì chưa gọi là sống thực sự, mà chỉ mới có tồn tại thôi.

Các bạn trẻ phải tự xây dựng cho mình một khát vọng sống, nếu mình chưa xây dựng được thì phải tìm người có thể giúp mình nhận ra điểm mạnh và thiên hướng để giúp mình xây dựng mục đích sống. Sống không có mục đích rõ ràng nguy hiểm và lãng phí. Cuộc sống như thế chẳng khác gì ngựa không cương, như thuyền không bến thì không biết trôi dạt về đâu. Các bạn trẻ cần có hoài bão, khát vọng và dựa vào năng lực bản thân, sở trường của mình để mình vun đắp kỹ năng và dành công sức đầu tư thực hiện hoài bão của mình.

Tin bài liên quan