"Người nước ngoài vào Việt Nam cũng thuê người Việt làm cho họ. Vậy tại sao người Việt có năng lực, có kinh nghiệm, lại phải nhờ đến người nước ngoài?" - doanh nhân Lê Thanh Thản

"Người nước ngoài vào Việt Nam cũng thuê người Việt làm cho họ. Vậy tại sao người Việt có năng lực, có kinh nghiệm, lại phải nhờ đến người nước ngoài?" - doanh nhân Lê Thanh Thản

Giấc mơ thương hiệu Việt của “đại gia điếu cày“

(ĐTCK) Sở hữu gần 30 khách sạn 3-5 sao, trải dài khắp đất nước, ông chủ hệ thống khách sạn Mường Thanh.

Lê Thanh Thản có ước vọng xây dựng thương hiệu mạnh của người Việt trong lĩnh vực khách sạn cao cấp, vốn lâu nay là sân chơi của các hãng nước ngoài. Toàn bộ các dự án từ thiết kế, xây dựng đến vận hành đều do người Việt thực hiện.

Trong tháng 10 này, Mường Thanh khai trương 2 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại Bắc Giang và Thanh Hóa và từ nay đến cuối năm, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 5 khách sạn nữa ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Mũi Né… Nhanh trong cách nghĩ, đến cả cách làm, nếu bỏ một bên những ồn ào lâu nay liên quan đến tốc độ xây dựng và hoàn thành các khách sạn, Mường Thanh hiện là Tập đoàn khách sạn lớn nhất Việt Nam, đang tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm và đem lại làn gió mới, cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, nếu như ở nhiều dự án khách sạn 4-5 sao khác, chí ít cũng có yếu tố nước ngoài nào đó, chẳng hạn như khâu thiết kế, quản lý… còn ở hệ thống 30 khách sạn này, người Việt làm tất. Ông Thản bảo: “Người nước ngoài vào Việt Nam cũng thuê người Việt làm cho họ. Vậy tại sao người Việt có năng lực, có kinh nghiệm, lại phải nhờ đến người nước ngoài?”.

Ông Thản và nhiều cộng sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng chịu trách nhiệm lựa chọn vị trí, lên kế hoạch đầu tư, thiết kế, xây dựng. Còn việc hoàn thiện nội thất, bố trí phòng ốc, quản lý và vận hành khách sạn, ông giao cho con gái đảm nhận. Hệ thống khách sạn được quản lý theo mô hình dọc, chéo, tức là mỗi khách sạn có bộ máy quản lý vận hành độc lập, trong khi tại văn phòng tập đoàn có giám đốc từng bộ phận như lễ tân, buồng phòng…, nhằm giám sát quản lý cả hệ thống theo tiêu chuẩn thống nhất.

Có 7 năm tu nghiệp ở Anh, lại chịu khó học hỏi, Lê Thị Hoàng Yến đã khéo léo kết hợp yếu tố quản trị hiện đại của nước ngoài với thực tế Việt Nam. Để có bộ máy tốt, Mường Thanh thực hiện chính sách “cầu hiền” đối với những người Việt đã có kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn quản lý khách sạn nước ngoài. Có những vị trí quản lý, Mường Thanh sẵn sàng trả lương cho nhân sự cao hơn so với mức lương họ hưởng khi làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời tại hệ thống này, cơ hội được trải nghiệm, thử thách bản thân và thăng tiến rất lớn. Bởi vậy, nhiều nhân sự cấp cao đã về đầu quân cho Tập đoàn. Cách đây 3 năm, văn phòng Tập đoàn Mường Thanh chỉ có 2 người, giờ đã có 40 người giỏi chuyên môn và tâm huyết với công việc.

Nhiều liên doanh khách sạn 4-5 sao kêu lỗ, nhiều năm qua không đóng một đồng thuế. Hệ thống khách sạn Mường Thanh làm gì để có lãi? “Tiêu chí làm khách sạn của tôi là lấy giá rẻ, nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh”. Cùng là 5 sao nhưng giá phòng khách sạn của Mường Thanh chỉ bằng một nửa khách sạn của Tây. Ví dụ, khách sạn của các hãng nước ngoài giá 150 USD/đêm, thì khách sạn của Mường Thanh chỉ 60-70 USD/đêm.

Một đại diện của văn phòng Tập đoàn Mường Thanh cho biết, nhờ chính sách giá rẻ, chất lượng phục vụ tốt, nhân viên có thái độ thân thiện, nên các khách sạn thu hút được khá đông khách. Đánh giá chất lượng khách sạn, không gì chính xác bằng khách hàng. Hiện công suất phòng trung bình của hệ thống đạt 70 - 80%, có những nơi như Mường Thanh Hạ Long 5 sao, quy mô 500 phòng, nhiều thời điểm “cháy phòng”.

Là tập đoàn tư nhân, lại thuần Việt, hiểu môi trường kinh doanh tại Việt Nam nên Mường Thanh có thể linh hoạt trong các chính sách, nhất là chính sách bán hàng để có thể thu hút được các đoàn khách lớn. CEO của một khách sạn có thể quyết định giá trong khung đã được quy định, nhưng khách hàng ở một địa phương nào đó đề nghị xem xét một mức giá dưới giá sàn, vị CEO đó có thể gọi điện trực tiếp cho giám đốc kinh doanh của Tập đoàn. Việc ra quyết định rất nhanh dựa trên sự am hiểu đặc thù kinh doanh ở mỗi địa phương đang tạo ra sự thuận lợi rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các khách sạn.

Giấc mơ thương hiệu Việt của “đại gia điếu cày“ ảnh 1

Ảnh: Đức Thanh 

Làm nhiều khách sạn như vậy, ông Thản có lãi lớn không? Ông bảo: “Có lãi nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Còn nếu tính lời lãi lớn ngay từ đầu thì sẽ không ai đầu tư làm khách sạn”.

Không dừng lại ở 30 khách sạn trải dài khắp Việt Nam, ông Thản và Tập đoàn Mường Thanh sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều khách sạn mới nếu có cơ hội thuận lợi. Mong muốn của ông và nhiều cộng sự là tạo ra một thương hiệu khách sạn cao cấp của người Việt, được vận hành và quản lý bởi người Việt, tạo ra cơ hội để người Việt có thể ở và hưởng thụ dịch vụ ở các khách sạn 4-5 sao với giá cả hợp lý.

Trên mỗi công trình đều gắn biểu tượng logo khách sạn Mường Thanh với hình ảnh cách điệu 2 cánh chim đại bàng với sải cánh lớn, mũi nhọn tiến lên, thể hiện ý chí bay cao, bay xa của thương hiệu. Đây đó còn những điều cần phải cải thiện, song có lẽ cũng cần nhìn nhận cách làm nhanh của Mường Thanh đang góp phần tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, đóng góp tích cực cho nhiều địa phương và chứng minh một điều: “Không có gì là không thể với người Việt, nếu có ước mơ và dám thực hiện”.                                                    

Nhiều người tò mò, tiền đâu mà ông có thể đầu tư được nhiều khách sạn cao cấp như thế?

Có nhà đầu tư nào mà không phải vay? Chúng tôi cũng phải vay nợ, nhưng có chừng mực. Nhiều người thích bóc ngắn cắn dài, nhưng tính tôi bóc đến đâu cắn đến đấy. Tôi có bao nhiêu làm bấy nhiêu, làm thứ gì chắc thứ đó. Làm gì cũng không đặt kỳ vọng nhiều quá, chấp nhận lãi ít nhưng lấy số đông, số nhiều làm lãi. 

Ông có thể chia sẻ bí quyết để có giá dịch vụ bằng một nửa những khách sạn cùng cấp?

Nếu đầu tư khách sạn toàn bằng tiền vay ngân hàng thì khai thác được bao nhiêu trả lãi ngân hàng hết. Chưa kể thuê nhân công nước ngoài, thương hiệu nước ngoài rất tốn kém. Chúng tôi tuyển dụng và đào tạo, trả lương cho 100 nhân công phổ thông của Việt Nam có khi chỉ bằng chi phí, lương bổng cho 1 - 2 nhân sự nước ngoài. Người Việt học rất nhanh, lại chịu khó, nghiệp vụ khách sạn không có gì quá khó để không thể đào tạo được.

Có trong tay nhiều khách sạn như vậy, nếu một ngày có nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua một số cái hoặc mua bao phần lớn trong một khách sạn để khai thác, các ông có bán không?

Tôi muốn xây dựng thương hiệu khách sạn của người Việt, tạo cơ hội để nhiều người Việt có thể sử dụng khách sạn cao cấp, đồng thời mang đến cho du khách trong và ngoài nước những nét đẹp truyền thống, tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhất là tình cảm thân thiện mến khách của người Việt. Đến thời điểm này, tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ bán một dự án nào đó cho người nước ngoài.

Giao việc điều hành, quản lý hệ thống khách sạn lớn như vậy cho con gái còn rất trẻ, ông có ngại sẽ quá sức với con mình?

Là ai, đảm nhận và làm tốt được công việc tôi mới giao. Còn dù là con cái mình, làm không tốt, tôi cũng không bao giờ giao việc.

Tin bài liên quan