Giấc mơ lớn của doanh nhân Hồ Xuân Năng

(ĐTCK) Trong tiếng vĩ cầm du dương chào mừng sự thành công của buổi lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS), ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa quả quyết, nhất định ông và các cộng sự sẽ gây dựng được cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học có chất lượng quốc tế. 

Đầu tư vào mảng đào tạo và nghiên cứu, nuôi giấc mơ Việt Nam sẽ có những công trình khoa học tầm cỡ thế giới, song Phenikaa khá kín tiếng về những lĩnh vực mới này, nên trong suy nghĩ củakhông ít nhà đầu tư dường như vẫn có sự nhầm lẫn giữa Tập đoàn mẹ Phenikaa và Công ty con Vicostone (mã chứng khoán VCS)

Chọn con đường khó

Đầu tư vào mảng giáo dục đại học không phải là cảm hứng nhất thời của ông Năng, mà là tâm huyết ấp ủ trong nhiều năm qua của vị doanh nhân này.

Khi được Tổng công ty Vinaconex điều về Vicostone như một niềm hy vọng cuối cùng khi Công ty bên bờ vực phá sản, ông Năng đã bẻ hướng, thay đổi hoàn toàn chiến lược sản phẩm, thị trường của Vicostone, từ sản xuất hàng tiêu thụ trong nước sang làm hàng cao cấp, xuất khẩu toàn bộ. Từ con số 0 tròn trĩnh, đến nay thương hiệu Vicostone nằm trong Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới. Tập đoàn Phenikaa sở hữu thương hiệu Vicostone với 5 dây chuyền đạt công suất 2.500.000 m2/năm.

Trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp thành công, nhưng vốn là dân nghiên cứu khoa học (ông Năng là tiến sỹ trẻ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1991), Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học và giáo dục đào tạo thủa nào. Theo ông Năng, đây chính là cách Phenikaa hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm với xã hội: “Tôi thấy mình cần phải làm được gì đó có ích cho xã hội” ông cho biết.

Năm 2008 - 2009, khi Vicostone bắt đầu phát triển mạnh, ông Năng đã có ý định đầu tư vào một trường đại học, nhưng rồi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Công ty lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, ông đành gác lại dự định. Năm 2015 - 2016, ông mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này. Giống như Vicostone trước đây, Đại học Thành Tây dưới thời ông Năng được “bẻ lái” sang một con đường hoàn toàn mới.

 “Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai" - doanh nhân Hồ Xuân Năng.

Từ một cơ sở đào tạo đã hoạt động chục năm, với nhân sự và cách thức vận hành theo hướng dạy nghề (hướng đào tạo khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam), Đại học Thành Tây được phát triển theo định hướng mới với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

TIAS, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Trường Đại học Thành Tây được thành lập, đã tập hợp nhiều nhà khoa học có năng lực, triển khai xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, hoạt động theo mô hình của các trường đại học hàng đầu trên thế giới, đóng vai trò là nền tảng cho các khoa của trường.

Các khoa được tổ chức theo các nhóm nghiên cứu, tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, sẽ có số lượng giảng viên khác nhau, trong đó sẽ có các vị trí giáo sư (khoảng 5 - 7 vị trí giáo sư trong một khoa). Mỗi giáo sư sẽ đảm nhiệm một hướng nghiên cứu và có nhóm nghiên cứu riêng, bao gồm các tiến sĩ, nghiên cứu sinh và sinh viên.

Mô hình tập trung vào các nhóm nghiên cứu không chỉ giúp tăng cường chất lượng công bố quốc tế, đào tạo chuyên sâu hơn cho sinh viên, từ đó nâng cao xếp hạng trường Đại học, mà còn khắc phục được những tồn tại cố hữu của cách tổ chức các khoa phân chia theo bộ môn.

Đó là tình trạng bộ môn nào cũng muốn giữ môn học, thời lượng tiết học của bộ môn mình tối đa khiến cho chương trình giảng dạy trở nên cứng nhắc, khó thay đổi.

Cách tổ chức mới này cho phép nhóm nghiên cứu cập nhật chương trình đào tạo chuẩn đầu ra quốc tế và tùy biến theo sự thay đổi định hướng của các ngành công nghiệp một cách nhanh chóng, tăng cơ hội tìm việc làm và thích nghi với yêu cầu thực tiễn cho sinh viên.

Theo chia sẻ của ông Hồ Xuân Năng, Trường Đại học Thành Tây sẽ phát triển theo định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu trình độ cao, từng bước hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới.

Để làm được điều đó, nhà trường sẽ mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các hướng nghiên cứu về công nghệ tiên tiến, có khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp một cách hiệu quả; khuyến khích cán bộ, giảng viên nỗ lực trong công tác nghiên cứu, đa dạng hóa các loại hình nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.

Với nguồn lực dồi dào của Phenikaa, Đại học Thành Tây sẽ được đầu tư bài bản theo các phong cách quản trị và vận hành hiện đại trên thế giới, để theo đuổi mục tiêu đã đặt ra.

Theo bảng xếp hạng mới nhất về các tổ chức có đóng góp tích cực cho lĩnh vực nghiên cứu trên quy mô toàn cầu được cập nhật tại website https://publons.com, Đại học Thành Tây vinh dự đứng thứ 4 trong số các trường đại học ở Việt Nam có số lượng đóng góp bình duyệt cho các tạp chí uy tín trên thế giới. Publons là hệ thống duy nhất tổ chức dữ liệu bình duyệt trên quy mô toàn cầu.

  Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS) của Phenikaa

Nói về tầm nhìn dài hạn của Phenikaa trong công cuộc này, ông Hồ Xuân Năng chia sẻ: “Khi đầu tư vào đại học, điều quan trọng là phải xác định mình muốn cái gì trong tương lai. Nếu chỉ nghĩ từ 3 - 5 năm để có nguồn thu, thì tôi thừa sức làm được. Nhưng tạo ra một trường đại học có tầm vóc là một chuyện khác, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Và bài toán tài chính không phải là vấn đề lớn đối với Tập đoàn Phenikaa. 5 năm đầu là thời điểm chúng tôi xây dựng cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu cho các nhà khoa học làm việc. 5 năm đầu không có lãi, nhưng dứt khoát năm thứ 6 trở đi phải có lãi để đầu tư quay trở lại và phát triển tiếp”.

Giấc mơ mới

Nếu như TIAS thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ nguồn thì PRATI tập trung thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác.

Viện PRATI đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.

PRATI và TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như khoa học cơ bản, ứng dụng, công nghệ vật liệu (polyme, nano, gốm), tự động hóa, cơ điện tử, điện tử, điện tử hữu cơ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học y, sinh, dược, nông nghiệp…

Khởi đầu với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ và sản phẩm mới.

PRATI và TIAS đều có ba hội đồng khoa học, một hội đồng quốc tế độc lập, gồm những nhà khoa học Việt kiều và nước ngoài. Riêng PRATI có cả những doanh nhân của các tập đoàn công nghệ từ Đài Loan (Công ty TNHH Công nghệ Syskey), Pháp (Tập đoàn HORIBA), Hàn Quốc (Effucel Inc) và hai hội đồng khoa học, gồm những nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài tập đoàn.

 Không chỉ có đội ngũ nhân sự mạnh, Trường Đại học Thành Tây cũng đang được đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng mới cùng trang thiết bị hiện đại để phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Thời điểm chín muồi

Hiện chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn hạn chế, trong khi nhu cầu của người Việt  mong muốn học trường đại học chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế mà không phải đi du học vẫn rất lớn.

Hơn nữa, nhiều nhà khoa học Việt Nam tài năng ở nước ngoài và cả trong nước muốn trở về và tìm kiếm một nơi có điều kiện làm việc tốt. “Trong điều kiện như vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu khoa học.”, ông Năng nói.

Với chiến lược “lấy sản xuất công nghiệp là kinh doanh cốt lõi, vật liệu sinh thái và sản phẩm công nghệ cao là mũi nhọn, tăng dần tỷ trọng tham gia chuỗi cung ứng cho các sản phẩm công nghệ cao”, Phenikaa dưới sự chèo lái của doanh nhân Hồ Xuân Năng đang đi đúng lộ trình phát triển bền vững.

Thành công của Tập đoàn Phenikaa với thương hiệu Vicostone là cơ sở để ông Hồ Xuân Năng cùng các cộng sự của mình có niềm tin vững chắc về tương lai của Trường Đại học Thành Tây và hai Viện nghiên cứu, khi giấc mơ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng hội nhập quốc tế và việc ghi danh những công trình khoa học tầm cỡ thế giới trở thành hiện thực.
Tin bài liên quan