Ông Nguyễn Văn Chủng cùng vợ  (hàng trước), ông Nguyễn Xuân Mai (giữa), con trai Nguyễn Huy Thông (bên phải), cháu Ngô Văn Đạt (bên trái) hàng sau

Ông Nguyễn Văn Chủng cùng vợ (hàng trước), ông Nguyễn Xuân Mai (giữa), con trai Nguyễn Huy Thông (bên phải), cháu Ngô Văn Đạt (bên trái) hàng sau

Gia tộc doanh nhân làng Ngọc Động

Với doanh thu hàng năm đạt 3 - 4 triệu USD, nhiều năm qua, Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động - công ty gia đình của một gia tộc doanh nhân làng Ngọc Động (xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) - đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động ở Hà Nam và các tỉnh từ Hà Giang tới Quảng Trị.

Truyền thống kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Chủng sinh đúng năm Đảng ra đời, năm 1930. Ông luôn tự hào về mẹ của mình - người đặt nền móng cho gia đình ông bước vào con đường kinh doanh. “Ngay từ đầu thế kỷ XX, cụ bà đã biết kinh doanh vải vuông, mua sợi về se, đặt các thợ dệt thành vải rồi đem ra chợ bán”, ông Chủng nhớ lại. 

Khi mẹ ông qua đời, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lận lại nối tiếp nghề canh cửi. Bà không chỉ là thợ dệt lành nghề, mà còn là người linh hoạt, nên được tín nhiệm bầu vào ban quản trị phụ trách một đội sản xuất và chịu trách nhiệm phát sợi, thu sản phẩm cho Hợp tác xã Ngọc Động.

Năm 1982, thầy giáo Nguyễn Văn Chủng về hưu và bàn với vợ thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu - tổ chức sản xuất ghế mây nhằm phát huy thế mạnh nghề truyền thống của làng Ngọc Động. Ông lên mạn ngược mua nguyên liệu giang mây về và đặt những người có tay nghề sản xuất ngay tại nhà mình. Do nguyên liệu được chọn lựa kỹ, thợ toàn người có tay nghề cao, nên bàn ghế mây của nhà ông chất lượng, mẫu mã hơn hẳn hàng của hợp tác xã. Ngày ấy, nhà ông lúc nào cũng có 8 thợ chính, hàng làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó.

Năm 1988, nắm bắt xu thế của công cuộc đổi mới và nhu cầu phát triển của nghề mây tre đan, ông Chủng quyết định thành lập Tổ hợp Sản xuất mây tre xuất khẩu Ngọc Động mà các thành viên góp của, góp công chính là các con trai, con gái, con rể. Với cung cách làm ăn bài bản, Tổ hợp ngày một phát triển. Không chỉ sản xuất bàn ghế mây, Tổ hợp còn có thêm nhiều sản phẩm khác như bát mây, đập bụi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Chủng cho biết,  trong thời kỳ châu Âu tan rã, các hợp tác xã thủ công nghiệp không có việc làm, nhưng tổ hợp sản xuất của gia đình ông vẫn dồi dào công việc. Thời điểm ấy, Tổ hợp đã lo đủ việc cho hàng ngàn xã viên làng Ngọc Động, với tiền công nhanh hơn và cao hơn Hợp tác xã.

Trước sự lớn mạnh của Tổ hợp Sản xuất mây tre xuất khẩu Ngọc Động và nhu cầu thị trường, năm 2004, gia đình ông Chủng đã quyết định thành lập Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty là ông Nguyễn Xuân Mai, con trai thứ hai của ông Chủng (con trai cả của ông đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ).

“Trước đó, năm 2000, bước vào tuổi 70, nhận thấy đã đến lúc cần chuyển giao tổ hợp sản xuất cho thế hệ sau, tôi đã cho gọi con trai đang làm ở Phòng Công nghiệp huyện Duy Tiên về thay thế”, ông Chủng nhớ lại và cho biết, ông làm cố vấn kiêm phụ trách xây dựng cho tới năm ông 79 tuổi mới nghỉ hẳn. Hiện tại, các chức vụ chủ chốt của Công ty đều do các con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu trai, cháu dâu… của ông đảm nhiệm. 

Không ngừng lớn mạnh

Khác với các doanh nghiệp mây tre đan khác, Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động sản xuất mây tre đan theo chu trình khép kín từ khâu đầu tới khâu cuối cùng của sản phẩm: đào tạo nghề, cung cấp nguyên liệu, thu mua, chế biến hoàn thiện sản phẩm và  trực tiếp xuất khẩu tới nhà nhập khẩu hoặc tới siêu thị.

Công ty hiện có cả một “ngân hàng” với hàng trăm ngàn mẫu sản phẩm, trong đó 99% sản phẩm  dành cho xuất khẩu. Với nguyên liệu chủ yếu là mây tre, nứa, lá, bẹ ngô, cói, sơn mài trong nước, sản phẩm mây tre đan của Ngọc Động đã được xuất sang hơn 30 quốc gia, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm tới 70%. Bạn hàng của Công ty là tác tập đoàn lớn của Mỹ, Canada, châu Mỹ Latinh như Plantbest; Gibson Overseas; Inc, Core Bamboo; Lamont; Style Craft; Ross; ET2C; Testrite; Costa Farm; Furndansk; Le Biscuit...

Với doanh thu hàng năm đạt 3 - 4 triệu USD, nhiều năm qua, Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động ở Hà Nam và các tỉnh từ Hà Giang tới Quảng Trị.

Cách đây 4 năm, nhận thấy nguồn nguyên liệu trấu, mùn cưa, rơm rạ... còn rất dồi dào, nghề trồng nấm mang lại hiệu quả cao, giá trị dinh dưỡng, nhu cầu ăn nấm và nhu cầu việc làm của người nông dân nên Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, vật tư, nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ làm giống, trồng nấm, thu mua, chế biến sản phẩm. Đây cũng chính là doanh nghiệp thực hiện Dự án Phát triển nghề trồng nấm sớm bậc nhất tỉnh Hà Nam.

Công ty đã sản xuất thành công hàng chục loại giống nấm theo mô hình công nghiệp; đã chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho người dân thông qua hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Công ty đang phối hợp với các huyện xây dựng 50 vệ tinh làm nòng cốt góp phần đưa nghề trồng nấm trở thành một nghề chính trong sản xuất nông nghiệp.

“Tuy là công ty gia đình nhưng tất cả các hoạt động tại Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động đều quy củ, chặt chẽ. Về bộ máy, ngoài Ban lãnh đạo còn có các phòng: Hành chính - Tổ chức, Xuất nhập khẩu, Kế toán, Kỹ thuật. Công ty có một đội ngũ cán bộ chuyên sâu trình độ cao. Phòng Xuất nhập khẩu có 9 cán bộ thì 7 người có trình độ đại học, 2 là chuyên gia của làng nghề và 5 có trình độ ngoại ngữ đại học”, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Mai chia sẻ bí quyết thành công.

Chia sẻ chiến lược phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Xuân Mai cho biết, toàn bộ  thành viên Công ty đã bàn bạc và đi đến thống nhất: giữ vững mô hình công ty gia đình, tập trung đi sâu vào hai trụ cột là mây tre xuất khẩu và trồng nấm. “Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư 3 dự án lớn: Dự án Phát triển nghề nấm, Dự án Phát triển vùng nguyên liệu mây tre (trồng tre luồng, trồng mây tại các vùng đồi núi), Dự án Đầu tư máy móc chế biến công nghiệp trong sản xuất hàng mây tre và chế biến nấm, từ đó tạo ra những sản phẩm mới trên thị trường, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và hướng tới xuất khẩu”, ông Mai nói.

Trò chuyện với ba thế hệ công ty gia đình

Ông Nguyễn Văn Chủng: “Tôi năm nay đã sang tuổi 86, nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Hàng tuần, tôi vẫn tới thăm Công ty và xem xét các việc. Nếu thấy cần thì góp ý thẳng thắn với con cháu. Tôi rất tự hào về doanh nghiệp của gia đình mình và tin tưởng Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu sẽ trường tồn mãi mãi”.

Ông Nguyễn Xuân Mai: “Là công ty gia đình lại càng phải công khai, minh bạch tất cả các hoạt động, nhất là vấn đề mở mang đầu tư, chi thu tài chính... Đó là gốc rễ của sự đoàn kết và tin tưởng. Tin và giao công việc cho các em, cho con cháu. Giúp đỡ con cháu, nhưng không bênh vực khi sai phạm, Thậm chí còn bị kiểm điểm, nhắc nhở kỹ hơn. Tôi luôn nhớ lời cha dặn: là anh phải gương mẫu và chịu thiệt thòi”.

Anh Nguyễn Huy Thông, Trưởng phòng Marketing, con trai ông Nguyễn Xuân Mai: “Ngay từ nhỏ tôi đã yêu nghề mây tre đan truyền thống và nghề này đã mang cho gia đình nhiều danh hiệu như Sao Vàng đất Việt... Trách nhiệm của lớp người kế cận là tiếp bước truyền thống ông, cha, luôn học hỏi, phấn đấu đưa Công ty ngày một phát triển bền vững với quy mô lớn hơn và hội nhập sâu rộng với quốc tế”.

Tin bài liên quan