Doanh nhân Vũ Văn Trường: “Chất lính cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế

(ĐTCK) Rời quân ngũ về tham gia mặt trận kinh tế, đã đôi lần thất bại trong kinh doanh, nhưng sóng gió thương trường không thể đánh gục anh bộ đội cụ Hồ thủa nào, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc đã xoay chuyển nghịch cảnh, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu Công ty.
Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc  Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc

Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc

Ký ức hào hùng một thủa

Dáng người đậm, cao trên 1,7m, giọng nói ồm ồm, nghiêm nghị khiến ai mới gặp lần đầu có thể  cảm thấy khó gần, nhưng Chủ tịch Vũ Văn Trường lại được cộng sự, nhân viên nhận xét là người rất cởi mở, khảng khái và chu đáo.

Trong câu chuyện một chiều muộn cuối năm giữa bao bộn bề công việc của Công ty, Vũ Văn Trường luôn khiến người đối thoại có được cảm giác sôi nổi, hào hùng của một thời lịch sử với tuổi trẻ đầy khát khao, hoài bão.

Vũ Văn Trường là con cả trong một gia đình có 5 người con ở vùng nông thôn Nam Ðịnh. Mẹ ông là cán bộ địa phương, đặc biệt cha ông cũng là lính, tham gia quân đội từ năm 1951 và là bạn chiến đấu của cố Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy.

Ðiều này đã tác động rất lớn đến tư tưởng và tính cách của Vũ Văn Trường sau này.

Năm 1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chàng thanh niên Vũ Văn Trường đang học kỳ cuối năm lớp 9 trường Trung học Nam Ninh, đã xin thôi học và viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Ðược tuyển vào đơn vị Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ - 126, sau khóa tân binh, anh lính trẻ được chọn đi học lớp cấp tốc đào tạo sĩ quan trung đội trưởng và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, được phong quân hàm sĩ quan khi mới 17 tuổi.

Sau khi học xong, Vũ Văn Trường được điều về làm Trung đội trưởng Trung đội Cơ động, Lữ đoàn 146, làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, đóng quân tại cảng Cam Ranh.

Ký ức về những ngày cùng đồng đội tham gia hàng chục cuộc hành quân chiến đấu, tuần tra vẫn luôn đậm nét ở ông, một doanh nhân thời bình.

Cuộc hành quân đáng nhớ nhất trong đời Vũ Văn Trường là vào khoảng tháng 5/1981, khi đơn vị nhận được lệnh hành quân đổ bộ tháp tùng 4 khẩu pháo 130 của đại đội pháo lên đảo Nam Yết.

Ra khỏi cảng, gặp bão lớn, cả đoàn lênh đên trên biển 4 ngày, máy thông tin liên lạc bị bão phá hỏng, tàu mất phương hướng, không liên lạc được với đất liền.

Bằng kinh nghiệm và nghị lực của người lính, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đoàn đã bản lĩnh tìm được hải trình, cập bãi thuyền chài vào cuối ngày thứ 4.

Cuối năm 1981, Vũ Văn Trường được điều động về Trường Dự bị bay không quân. Năm 1989, vì lý do sức khỏe, ông xin về phục viên và chuyển về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Bản lĩnh xoay chuyển nghịch cảnh

Doanh nhân Vũ Văn Trường: “Chất lính cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế ảnh 1

Ông Vũ Văn Trường chỉ đạo công nhân tại công trình.

Biết rõ mặt trận kinh tế không dành cho những tay mơ, Vũ Văn Trường đã không ngừng học hỏi, lấy thêm bằng đại học Trường Ðại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và tham gia nhiều khóa đào tạo về quản trị kinh doanh.

Năm 2007, nhận thấy doanh nghiệp nhà nước đang loay hoay trong chiếc áo chật hẹp, ông đã xin nghỉ việc để thực hiện ước mơ khởi nghiệp ở tuổi 48, độ tuổi mà bạn bè ông không ít người đã có tâm lý nghỉ ngơi.

Cùng 2 người bạn thành lập Công ty Xây dựng và phát triển công nghệ Hà Nội, với vốn điều lệ vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, sóng gió thương trường nhiều phen còn dữ dội hơn biển rộng.

Chín về tuổi đời, nhưng lại non trẻ về tuổi nghề, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn và "thiếu đủ thứ" như cách nói hài hước của ông, nên đến cuối năm 2008, Công ty phá sản.

Tưởng chừng ước mơ kinh doanh sẽ dừng lại khi bao nhiêu tâm huyết, vốn liếng đã dồn cho công ty, giờ lại rơi vào cảnh tay trắng lại thêm nợ nần, song bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ không bao giờ lùi bước trước khó khăn, đã đưa Vũ Văn Trường đứng lên, làm lại.

Bao ngày ròng rã thuyết phục anh em bạn bè, người thân, gom góp từng đồng bạc lẻ, Vũ Văn Trường thành lập Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Thiên Lộc vào năm 2009 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng.

Sau gần 2 thập kỷ hoạt động, trải qua bao nhiêu sóng gió, hiện Công ty đã vững mạnh, vốn điều lệ đã tăng lên 400 tỷ đồng.

Thiên Lộc đã xây dựng nhiều dự án lớn như trụ sở Công an quận Long Biên, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 183, hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Ðình II, hệ thống xử lý nước Thiên đường Bảo Sơn, dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và đoạn đường Thống Nhất, phường Thắng Lợi - Sông Công,…

Triết lý kinh doanh rất giản dị, lấy tiêu chí, “uy tín, chất lượng, hiệu quả”, làm đầu, Vũ Văn Trường luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp và của mình ở tầng dưới trong mô hình kim tự tháp ngược.

Ông quan niệm, khi các đối tác và bên liên quan của doanh nghiệp như Nhà nước, người dân có lợi, doanh nghiệp sẽ có lợi.

Tạo ra những dự án, công trình thiết thực, ý nghĩa để đóng góp cho đất nước, xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng thuế để cùng kiến thiết nước nhà hùng cường, cuộc đời sẽ không phụ người có tâm.

Thành công nối tiếp thành công, Thiên Lộc không chỉ mở rộng thị phần khắp trong Nam ngoài Bắc, hoạt động đa dạng từ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, công trình giao thông, thuỷ lợi đến các công trình giao thông, công nghiệp dân dụng, mà còn đang dịch chuyển dần tỷ trọng thi công xây lắp sang lĩnh vực đầu tư.

Gần đây, Vũ Văn Trường rất tâm huyết với lĩnh vực mà giới doanh nhân e ngại lắm rủi ro là phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ông chia sẻ, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ là đúng với định hướng phát triển kinh tế của Ðảng và Nhà nước, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam vốn có nền tảng và thế mạnh ở nông nghiệp, nhưng chưa được đầu tư bài bản, chưa ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi dây chuyền sản xuất, cũng như đến tay người tiêu dùng.

Thiên Lộc đang dành nguồn lực lớn cho nghiên cứu, sẵn sàng đầu tư theo chiều sâu vào các sản phẩm nông nghiệp bởi ông Trường xác định, đây là trận chiến lâu dài, tiêu hao nhiều nguồn lực, phải chuẩn bị kỹ càng cho các trận đánh lớn, không chỉ trên sân nhà, mà phải hướng tới xuất khẩu, vươn ra biển lớn.

Trên bức tường phòng khách của Công ty có treo bức ảnh lớn, ở đó là những đôi mắt sáng ngời và hạnh phúc của những em nhỏ, nụ cười vui của những gia đình bộ đội vùng biên giới ở Hà Giang khi được nhận những căn nhà tình nghĩa do Thiên Lộc
trao tặng.

Ông Trường kể, mỗi lần nhìn vào những bức ảnh ấy, nhìn thấy niềm hạnh phúc của những đồng đội một thủa xa xưa, ông lại thấy mình thật may mắn và lại được tiếp thêm nhiều năng lượng để tiếp tục chọn việc không nhẹ nhàng.

Ông cũng luôn nhắn nhủ với nhân viên trong Công ty, hàng tỷ đồng chăm chút cho công tác xã hội hàng năm không phải mình cho đi, mà đó chính là phần mình được nhận lại khi đã luôn muốn cho đi.

Tiền bạc có thể hết, rồi lại đến, nhưng tình người, cái tâm để gắn kết được một đội ngũ lớn, luôn khát vọng nghĩ lớn và làm được nhiều hơn cho đời mới là điều doanh nhân Vũ Văn Trường luôn trăn trở và tìm kiếm thêm thật nhiều bạn đồng hành trên chặng đường còn rất dài của Thiên Lộc.

Tin bài liên quan