Doanh nhân Trần Minh - CEO Nhà To: Tôi muốn tạo lối đi riêng

Doanh nhân Trần Minh - CEO Nhà To: Tôi muốn tạo lối đi riêng

(ĐTCK) Kinh doanh, đối với Trần Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Môi giới bất động sản VSC, giống như một cuộc chơi thú vị, càng làm, càng khám phá, chinh phục thử thách, càng tìm ra những cái mới, mang lại lợi ích cho cuộc sống và cộng đồng. Nhà To - dự án mới nhất mà vị doanh nhân trẻ này khởi xướng cũng mang mục đích như vậy: Tạo ra sự khác biệt và mang tới những giá trị mới cho thị trường bất động sản Việt.

Trải nghiệm và tạo lập giá trị

Nhắc đến Trần Minh, trong làng môi giới bất động sản Việt Nam không còn xa lạ khi tên tuổi của anh gắn với nhiều đơn vị phân phối, vừa là người quản lý, vừa là người đào tạo, xây dựng mảng marketing và truyền thông cho nhiều sàn giao dịch F1 của các "đại gia" bất động sản như Vingroup, SunGroup hay FLC.

Từng gắn tên tuổi với ngành thẩm mỹ, cơ duyên đến với lĩnh vực bất động sản khi Trần Minh được một số người bạn là chủ sàn phân phối mời về tư vấn và phát triển mảng Digital Marketing. Giai đoạn 2012-2013, dù các công cụ Digital Marketing đã khá phổ biến và được áp dụng ở khá nhiều lĩnh vực, nhưng với bất động sản hầu như chưa có một đơn vị phân phối nào đưa vào áp dụng để tiếp cận khách hàng.

Ngoài vấn đề về tâm lý chung khi thị trường còn đang rụt rè với bất động sản, khách hàng thời điểm này cũng chưa có thói quen tìm kiếm các sản phẩm bất động sản qua hình thức online. Ðặc biệt, với những sản phẩm bất động sản cao cấp có giá trị từ 10-20 tỷ đồng trở lên, khách hàng của phân khúc này thường là người "có tiền" và bận rộn, thì thời gian dành để lướt web là không nhiều. Bởi vậy, cách tiếp cận bằng Digital Marketing với nhóm khách hàng này là rất khó khăn.

"Thách thức này thôi thúc tôi phải tìm ra lời giải vì sao Digital Marketing lại khó tiếp cận khách hàng? Ðó chính là lúc tôi quyết định gác lại công việc bên mảng thẩm mỹ để theo đuổi và tìm hiểu về lĩnh vực bất động sản với công việc đầu tiên là nhà môi giới cá nhân", Trần Minh chia sẻ và cho biết, những sản phẩm đầu tiên anh phân phối là căn hộ.

 Theo Trần Minh, môi giới bất động sản là một nghề cao quý, đáng trân trọng và có triển vọng với bất cứ ai. Tuy nhiên, đây cũng là nghề cạnh tranh cao và đầy rẫy thử thách.

Với vốn kiến thức và kỹ năng bán hàng đã có từ thời làm thẩm mỹ, cộng với khả năng chịu khó tìm tòi và nghiên cứu sâu về thị trường, thành công nhanh chóng đến với anh. Từ những giao dịch đầu tiên tại một dự án ở Ngã Tư Sở trị giá gần 4 tỷ đồng, tên tuổi Trần Minh liên tục được nhắc tới trong hệ thống các sàn F1 phân phối sản phẩm của Vingroup, với những giao dịch lên tới vài chục tỷ đồng.

Những thành công liên tiếp vừa giúp tạo dựng tên tuổi của Trần Minh, vừa giúp anh trở thành chuyên gia và được mời tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều sàn phân phối bất động sản khác. Từ những buổi đào tạo, tiếp cận với những môi giới trẻ tuổi, nắm bắt được nhu cầu cần phải có một "sân chơi" dành cho dân môi giới bất động sản, anh đã sáng lập ra Câu lạc bộ VSC, quy tụ gần 7.000 thành viên là nhân viên và cả lãnh đạo của nhiều đơn vị phân phối bất động sản trên cả nước.

Không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức về nghề môi giới bất động sản, đây cũng là nơi Trần Minh quy tụ được các cộng sự có chung chí hướng và xây dựng lên dự án Nhà To sau này, một kênh Youtube về trải nghiệm bất động sản chuyên nghiệp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Cần phải luôn trong tâm thế đối mặt với rủi ro, áp lực và bỏ công sức để chứng minh tâm huyết. Nếu không, ngay cả khi có những dự án tốt thì mình cũng không làm được gì, không ai nghe theo

Doanh nhân Trần Minh

"Khá phổ biến trên thế giới và ngày càng chứng minh hiệu quả trong việc giúp khách cảm nhận trực quan các sản phẩm bất động sản, nhưng ở Việt Nam, từ trước tới nay chưa có ai làm các chương trình một cách bài bản chuyên nghiệp và có thể tạo ra sự chuyển biến từ thói quen truyền thống đánh giá trực tiếp qua trải nghiệm online khi nghiên cứu về một sản phẩm bất động sản", Trần Minh nói và cho biết, nhóm đã dành gần 1 năm để thai nghén ý tưởng, cũng như chuẩn bị mọi điều kiện, từ đầu tư thiết bị máy móc đến kịch bản chương trình... để ra mắt kênh.

Sau gần một năm đầu tư và lên kịch bản nội dung, hiện ekip sản xuất các chương trình review/trải nghiệm không gian sống của anh đã bắt đầu cho ra những sản phẩm đầu tiên, trung bình 2-3 ngày/1 số. Với mục tiêu mang đến những thông tin thú vị qua trải nghiệm thực tế và kiến thức, Trần Minh cho biết, Nhà To mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thực nhất về phong cách kiến trúc, nội thất, trải nghiệm các khu nghỉ dưỡng theo cách hoàn toàn mới, với tôn chỉ "Ðộc, Ðẹp, Chất, Ðỉnh".

Theo đó, các nội dung Nhà To phát triển tập trung vào 6 chủ đề chính, bao gồm: Nhà To trải nghiệm các ngôi nhà diện tích lớn; Nhà To trải nghiệm các thú chơi siêu sang; Nhà To trải nghiệm dự án bất động sản; Nhà To trải nghiệm các khu nghỉ dưỡng; Nhà to mua và bán các bất động sản giá trị lớn (villa, penthouse, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại...) và cuối cùng là Nhà To yêu thương (chia sẻ, giới thiệu những địa điểm còn thiếu thốn, khó khăn, qua đó kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp, hỗ trợ). 

Ðam mê và dấn bước

Theo CEO Nhà To, đã là người làm marketing, mà lại là marketing bất động sản, thì phải luôn tìm tòi cái mới, hướng phát triển mới để có thể đột phá và trở thành người dẫn đầu. Thị trường càng phát triển thì cơ hội càng nhiều, nhất là khi các nền tảng công nghệ mới ra đời thay thế dần các mô hình kinh doanh truyền thống, và quan trọng hơn là phải có tầm nhìn, có khả năng biến khó khăn trở thành cơ hội.

"Cần phải luôn trong tâm thế đối mặt với rủi ro, áp lực và bỏ công sức để chứng minh tâm huyết. Nếu không, ngay cả khi có những dự án tốt thì mình cũng không làm được gì, không ai nghe theo”, Trần Minh nói và cho hay, tuy mới chạy thử nghiệm không lâu, nhưng kênh Nhà To đã được nhiều đơn vị đánh giá tích cực, được nhiều người dùng quan tâm.

Theo Trần Minh, ngoài sự độc, lạ trong cách thể hiện, những số liệu nghiên cứu của kênh Nhà To cũng là một lợi thế, góp phần không nhỏ cho sự vươn mình của kênh trong lĩnh vực bất động sản.

Hiện nay, có khoảng 72% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, trong đó tỷ lệ người xem video clip và nghe nhạc trên điện thoại chiếm tới 69% và tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây. Ngoài giải trí, người Việt đến với các video clip còn là để tìm kiếm thông tin và đặc biệt là tìm nguồn cảm hứng.

Với bất động sản, câu chuyện mua nhà hay chi tiêu đầu tư cho nội thất đôi khi không nằm ở yếu tố lý trí, mà đơn giản chỉ là sự xúc cảm, thấy ưng, thấy đẹp thì mua, mà không quan tâm nhiều đến chất lượng hay giá tiền sản phẩm. Chính vì thế, việc tạo ra những video clip có khả năng khơi gợi cảm xúc có thể giúp gia tăng đáng kể khả năng chào bán các sản phẩm bất động sản.

"Tất nhiên, từ việc suy nghĩ tới những hành động cụ thể là không dễ dàng, nhất là khi Nhà To vẫn chưa thương mại hóa, toàn bộ kinh phí đầu tư hiện nay đều là tiền do anh em đóng góp và một số đơn vị đồng hành là người có mối quan hệ thân thiết nhóm.

Dù vậy, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, khi Nhà To phát triển thì toàn bộ kinh phí sẽ được bù đắp nhờ vào sự quan tâm đông đảo của cộng đồng, bao gồm cả người xem Youtube, những người muốn chia sẻ về không gian sống, cũng như cả các nhà phát triển bất động sản", CEO Nhà To nhấn mạnh.

Chat cùng Trần Minh

Là người rất tâm huyết với nghề môi giới, anh đánh giá thế nào về nghề này?

Tôi cho rằng, môi giới là một nghề cao quý, đáng trân trọng và có triển vọng với bất cứ ai. Tuy nhiên, đây cũng là nghề cạnh tranh cao và đầy rẫy thử thách. Nghề môi giới đòi hỏi rất nhiều thứ, từ kiến thức chuyên môn, tới độ nhạy của nghề và đặc biệt là phải có sự kiên trì và nhẫn nại rất lớn. So với các lĩnh vực khác, làm môi giới bất động sản cần phải nhân đôi, thậm chí nhân mười sự kiên trì, nhẫn nại của bản thân mới có thể để đạt được thành công.

Doanh nhân Trần Minh - CEO Nhà To: Tôi muốn tạo lối đi riêng ảnh 3

Trên thực tế, môi giới bất động sản là nghề nhận được nhiều cái lắc đầu nhất từ khách hàng, nhưng đó là phần tất yếu của nghề này. Hiểu một cách đơn giản, bất động sản là tài sản có giá trị cao, nên việc khách hàng đắn đo, cân nhắc trước khi "xuống tiền" là điều dễ hiểu. 

Anh nói môi giới là nghề cao quý, nhưng góc nhìn về nghề này hiện vẫn khá tiêu cực?

Ðúng là như vậy. Ðó cũng là điều mà tôi vẫn luôn đau đáu. Chính vì thế, một trong những lý do tôi phát triển dự án Nhà To là để hạn chế sự tiêu cực này. Nếu như ở nước ngoài, môi giới bất động sản là một nghề đẳng cấp, luôn được khách hàng trọng vọng, thì ở Việt Nam lại ngược lại.

Các con số thống kê cho thấy,  so với các ngành nghề khác, tỷ lệ người môi giới bất động sản bỏ nghề, đổi nghề sau thời gian ngắn là rất cao. Nguyên nhân một phần xuất phát từ quá trình lịch sử phát triển của nghề môi giới bất động sản còn chưa lâu, trong khi nhận thức về nghề của cả người trong nghề lẫn ngoài nghề còn nhiều hạn chế.

Với sự phát triển của các nền tảng công nghệ 4.0, chúng ta đang có nhiều công cụ hơn để lan tỏa sự tích cực của nghề môi giới bất động sản, từ đó định hướng lại tư duy về nghề cho các bạn trẻ. Các video clip mà chúng tôi xây dựng không chỉ nói về sản phẩm bất động sản, mà tại đây, mọi người cũng sẽ thấy được tính nhân văn, cũng như tầm quan trọng của nghề môi giới bất động sản. 

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, anh có e ngại sắp tới sẽ có thêm nhiều dự án tương tự để cạnh tranh với Nhà To?

Về điều này, tôi không những không e ngại, mà còn thấy mừng, lý do bởi có cạnh tranh thì mới có thể tiến bộ. Hơn nữa, khi có thêm nhiều kênh về trải nghiệm sản phẩm, người dùng sẽ có thêm nhiều kênh thông tin hữu ích. Khi thông tin ngày càng rộng rãi và chân thực, tôi tin thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Tin bài liên quan