Doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hà: “Nghiệp kinh doanh không thể bỏ được“

Gần 20 năm trên con đường kinh doanh với biết bao cực nhọc, nào là tiền vay bạc mượn, nào là thế chấp nhà cửa, phải chắt bóp từng đồng, từng cắc…, nhưng chưa bao giờ bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà nghĩ đến việc từ bỏ con đường này.

Như nhiều vị thuyền trưởng các doanh nghiệp khác, bà Hà đang đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt

Như nhiều vị thuyền trưởng các doanh nghiệp khác, bà Hà đang đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt

“Đó là nghiệp rồi!”

Gặp bà Ngọc Hà vào những ngày cuối năm thật không dễ dàng, bởi đây là dịp cao điểm để Công ty TNHH San Hà chuẩn bị nguồn hàng cho mùa Tết. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại điều hành công việc của bà.

“Làm kinh doanh căng thẳng lắm, khó khăn muôn trùng…”, bà vừa đặt điện thoại xuống vừa phân trần.

Khi được hỏi: “Khó vậy mà sao bà vẫn theo con đường này suốt gần hai chục năm trời?”, bà nói ngay: “Đó là nghiệp rồi! Gần 20 năm trong nghề, vui buồn có, thành công hay trắc trở cũng có, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ từ bỏ kinh doanh. Đã dấn thân vào con đường này rồi thì phải làm, phải lăn lộn, không thể bỏ được”.

Xuất thân từ một gia đình buôn bán, cha chuyên làm thầu chợ, thầu xây dựng, thầu bến đò… ở Long An, má và cậu ruột làm ghe đáy, hàng ngày chài lưới, đánh cá trên sông rồi đem ra chợ bán. 3-4 tuổi, bà Hà đã được bà nội ẵm ra chợ, cùng ngồi bán hàng. Lớn lên trong môi trường đó, nên máu buôn bán ngấm vào người bà từ lúc nào không biết.

Khi lên Sài Gòn, gia đình bà lại sống ở khu vực người Hoa tại quận 8, nơi tập trung các vựa buôn bán hột gà, vịt bỏ mối về các chợ trong Thành phố và miền Đông. Vì thế, như một lẽ tự nhiên, 16-17 tuổi, bà bắt đầu mua bán hột gà, hột vịt bỏ mối sỉ và lẻ. Nhờ  “nhân hòa, địa lợi”, việc kinh doanh của bà phát triển rất thuận lợi.

Bẵng đi một thời gian, khi các tập đoàn nước ngoài như Việt Thái, CP vào Việt Nam cung cấp gà Tây nhập khẩu, bà nghĩ, thị trường lúc này chưa có gà Tây và đây là hướng kinh doanh mới đầy tiềm năng. Vì vậy, bà chủ động tìm đến các tập đoàn này đề nghị làm nhà phân phối.

Với lợi thế của người đầu tiên đề xuất hợp tác, sau vài lần thương thảo, bà được cả hai lựa chọn là nhà phân phối cấp một và nhanh chóng trở thành đại lý có doanh số cao nhất.

“Ưu điểm lớn nhất của tôi là quyết đoán và đưa ra thỏa thuận rất nhanh và dứt khoát. Khi đối tác đưa ra nhiều mức chiết khấu khác nhau tùy theo số lượng lấy hàng, tôi đã không ngần ngại chọn số lượng cao nhất. Tôi tính đơn giản là, khi mình lấy hàng nhiều thì được hưởng chiết khấu cao rồi sẽ san sẻ chiết khấu cho những người mua hàng ít mà không được hưởng chiết khấu. Tôi sẵn sàng nhường họ chiết khấu, bù lại, tôi sẽ đạt doanh số cao nhất và trở thành nhà phân phối cấp một”, bà Hà nói.

Khi được Việt Thái mời đi Thái Lan, bà Hà như được “mở mắt” và sau đó tư duy kinh doanh cũng thay đổi. Trong chuyến đi đó, bà được gặp các chủ tịch tập đoàn, các tổng giám đốc, cán bộ cao cấp, được nghe họ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bàn luận những cách làm mới, tầm nhìn xa. Và bà đã mở mang nhiều suy nghĩ mới, nhất là trong lĩnh vực phân phối.

Mặc dù đang hợp tác tốt và là nhà phân phối doanh số cao cho cả Việt Thái và CP, nhưng với tư duy và nhận thức mới, bà nghĩ rằng, sẽ đến lúc các công ty này muốn có nhiều nhà phân phối để mở rộng thị trường và các chính sách họ đang áp dụng sẽ thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Nghĩ vậy, bà quyết định thành lập công ty riêng và tự kinh doanh. 

Tự đứng trên đôi chân mình

Công ty TNHH San Hà của bà Hà một mặt vẫn phân phối hàng cho Việt Thái và CP, nhưng chủ động tìm thêm sản phẩm mới, đầu ra mới để giữ thị phần, không bán sản phẩm của một công ty mà bán nhiều sản phẩm, không chỉ bán gà trong nước mà liên kết với các tập đoàn khác ở nước ngoài để nhập khẩu gà.

“Hiện nay, San Hà đã chủ động được nguồn gà ta nhờ ký hợp đồng bao tiêu với các trang trại, hợp tác xã.

Đặc biệt, năm 2012, mặc dù khủng hoảng giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi gà trong nước, số các hộ chăn nuôi “treo chuồng” tăng cao, nhưng Hợp tác xã Gò Công (đơn vị ký hợp đồng bao tiêu với San Hà) vẫn đem về cho xã viên nguồn thu khoảng 6 tỷ đồng và lãi khoảng 1,2 tỷ đồng do được San Hà đảm bảo ổn định đầu ra.

Để chủ động nguyên liệu, giữ thị phần, bà Hà quyết định mở nhà máy giết mổ. Hiện San Hà đã có 3 nhà máy giết mổ ở An Nhơn, Đồng Nai, Long An, với tổng công suất giết mổ 30.000 con/đêm. Cùng với việc xây dựng nhà máy giết mổ đúng tiêu chuẩn HACCP để xuất khẩu, bà Hà đang ráo riết thực hiện kế hoạch mở trang trại chăn nuôi và không chỉ cung cấp gà đông lạnh, San Hà còn tiến tới mục tiêu cung cấp gà quay, vịt quay bằng lò điện ngay tại siêu thị.

“Dù còn rất nhiều trở ngại và phải cân nhắc nhiều thứ nhưng không thể không làm. Hiện sản phẩm gà quay, vịt quay đã có thể ra thị trường, nhưng do hình thức chưa đẹp, chưa chuẩn theo yêu cầu San Hà đặt ra, nên sản phẩm này còn đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện”, bà Hà cho biết.

Cũng như nhiều vị thuyền trưởng các doanh nghiệp khác, bà Hà đang đứng trước bài toán cạnh tranh gay gắt. Trước hết là về nguồn nguyên liệu. Hiện San Hà có gần 400 người lao động làm việc tại 3 nhà máy giết mổ và hệ thống phân phối lớn, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định thì rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều công ty thấy San Hà thành công nên cũng đã vào làm, nguồn cung trong nước lại bão hòa, nên nếu chỉ quanh quẩn giết mổ thì San Hà sẽ không trụ được.

Năm 2015, khi chính sách bảo hộ bị dỡ bỏ, thịt gà, trứng của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam. Các nước này có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu chăn nuôi chứ không phải nhập khẩu gần như hoàn toàn như Việt Nam, nên giá thành sản phẩm thấp hơn ít nhất 15 - 20%.

Trong khi đó, với thực trạng con giống, công nghệ, quy mô đàn, giá thành… như hiện nay, sản phẩm chăn nuôi trong nước nhiều khả năng khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực.

Trước áp lực cạnh tranh gay gắt, hai năm qua, bà Hà đã bỏ ra 5 tỷ đồng để ký kết hợp tác với Hợp tác xã Phú Ngọc tại Đồng Nai, đồng thời làm chủ nhiệm HTX này để thực hiện việc đầu tư, gây dựng đàn gà Thảo Mộc - là loại gà đặc sản có chất dinh dưỡng cao, không có kháng sinh. Hiện chỉ có duy nhất San Hà có loại gà này và bán rất thành công trên thị trường.

Trước khi tham gia lĩnh vực này, bà Hà đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Giống gà Thảo Mộc từng được một công ty nuôi thử, nhưng do giá thành cao, không được thị trường Việt Nam chấp nhận nên họ phải bỏ cuộc.

Tiếp đó, Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) cũng gây dựng đàn gà này, nhưng do đối tác nuôi không đáp ứng được quy trình nuôi do Công ty đưa ra nên Vissan không làm nữa. Những thông tin ấy không khiến bà Hà nhụt chí, mà càng làm bà đi đến quyết tâm cao hơn.

“Chỉ cần nuôi sai quy trình thì gà Thảo mộc không còn giá trị nữa. Giống gà này phải nuôi 120 ngày, không được cho ăn thức ăn tăng trưởng vì gà sẽ không chắc, thịt không ngọt và không thơm. Điều may mắn là tôi đã tìm được đối tác có tâm, có kinh nghiệm và chuyên môn nuôi gà Thảo Mộc”, bà Hà cho biết.

Với quy trình nuôi cầu kỳ, thức ăn cũng có công thức riêng, nên giá gà Thảo Mộc khá cao so với các loại gà thông thường. Theo bà Hà, giá bán phải tăng 20-25% so với mức giá hiện nay thì San Hà mới có lãi, nhưng để người tiêu dùng “làm quen” với loại thực phẩm mới này, Công ty đang chấp nhận bán giá không lãi, với mức giá chỉ tăng 15%, nghĩa là khoảng 110.000 đồng/kg.

Theo bà Hà, hiện tổng đàn gà Thảo Mộc của San Hà là 100.000 con, trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường 1.000 con. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công ty sẽ cung ứng khoảng 4.000 con cho thị trường trong 3 ngày Tết. “Sau nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực này, điều tôi tự hào nhất là nhiều năm liền, Công ty San Hà được UBND TP.HCM chọn là đơn vị tham gia thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.HCM hàng năm và Tết Nguyên đán”, bà Hà chia sẻ.

Tin bài liên quan